Khách du lịch xếp hàng trên cảng Cái Rồng chuẩn bị lên thuyền ra các đảo như Cô Tô, Minh Châu của tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: DN. |
Tăng trưởng cao
Những năm gần đây, cùng với Vịnh Hạ Long- một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới thu hút hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm, Quảng Ninh còn nhiều địa danh du lịch biển đảo rất hấp dẫn khác như đảo Cô Tô, Vân Đồn.
Cô Tô hấp dẫn du khách với những cảnh đẹp thiên nhiên còn hoang sơ, chưa bị tác động nhiều bởi bàn tay con người. Ông Bùi Trung Kiên, Phó Giám đốc Công ty Nguyên Việt- đơn vị bán vé tàu cao tốc ra Cô Tô cho biết, mỗi ngày lượng vé bán ra vào khoảng 6.000-7.000 vé. Hay huyện đảo du lịch Vân Đồn, ngoài cảnh đẹp nên thơ, quyến rũ của Vịnh Bái Tử Long và Vườn quốc gia Bái Tử Long, Vân Đồn đang sở hữu rất nhiều bãi biển đẹp như Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, thu hút hàng chục nghìn lượt khách mỗi tuần.
Có mặt trên cảng khách Cái Rồng, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh một ngày cuối Hè để chuẩn bị chuyến hành trình ra thăm đảo Cô Tô, qua quan sát phóng viên nhận thấy, dù thời tiết không ủng hộ, mưa lất phất song nhiều du khách vẫn mua vé tàu để đến với các đảo xa như Minh Châu, Cô Tô và Thanh Lân. Trên bến cảng, hàng trăm du khách mặc áo mưa chờ đợi lên tàu xuất bến.
Theo lời anh Nguyễn Đình Anh, phố Giảng Võ, Hà Nội, sau khi vượt qua hành trình gần 2 giờ trên biển, khi ra tới đảo ngọc Cô Tô, tìm kiếm một số nhà nghỉ, khách sạn đều được thông báo đã kín phòng, nếu có nhu cầu, khách phải đặt trước từ một tuần đến 10 ngày. “Đang thất thểu lo chỗ ngủ thì may mắn tôi gặp được một người dân trên đảo, qua chuyện trò, họ cho biết, dù không kinh doanh du lịch nhưng gia đình có một phòng trống do con đang đi học ngoài Hà Nội vậy nên có thể cho một người tá túc qua đêm”, anh Đình Anh vui vẻ kể.
Còn với du lịch biển miền Trung, Nam, khảo sát một số website chuyên đặt phòng khách sạn giá rẻ ở Nha Trang, Khánh Hòa; Tuy Hòa, Bình Định; Phú Quốc, Kiên Giang; Bà Rịa Vũng Tàu cho thấy, nhiều khách sạn đã kín phòng trong dịp nghỉ lễ 2/9 sắp tới. Một số địa chỉ còn phòng nhưng ở xa nơi vui chơi, hoặc trường hợp gần nơi vui chơi, tắm biển thì mức giá cũng cao hơn từ 1,5- 2 lần so với ngày thường.
Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị và Truyền thông Công ty Fiditour, cho biết ở thị trường nội địa, tour biển đảo là ưu tiên hàng đầu của du khách, nhất là nhóm khách gia đình. Các tour đi Phú Quốc, Côn Đảo, Nha Trang, Phan Thiết, lượng khách tăng mạnh. Dịp lễ 2/9 năm nay, ước tính lượng khách mua tour tại Fiditour tăng khoảng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn theo ông Huỳnh Cao Nhất, Phó giám đốc Sở Du lịch Bình Định, vài năm gần đây, biển Quy Nhơn, Bình Định nổi lên là một điểm đến mới hấp dẫn; trong đó, du lịch sinh thái biển đảo thu hút khách nhiều nhất, đem lại cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị. Theo thống kê của Sở Du lịch, lượng khách đến Quy Nhơn, Bình Định những năm gần đây luôn đạt mức tăng trưởng hơn 20% mỗi năm, cao hơn mức tăng trưởng trung bình 17% của vùng Duyên hải Nam Trung bộ và 15% của cả nước.
Không quên giữ môi trường biển
Trong tốc độ phát triển du lịch biển đảo có thể nói như vũ bão hiện nay nếu không có biện pháp bảo vệ, giữ gìn môi trường biển, đảo thì với số lượng khách ùn ùn kéo đến mỗi năm sẽ là áp lực rất lớn tới môi trường sinh thái biển. Du lịch là một ngành nhạy cảm với những biến đổi về môi trường và khí hậu, luôn phải đối diện với nhiều tác động trực tiếp và gián tiếp từ biến đổi khí hậu. Thế nhưng việc ứng phó và tìm giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu chưa thực sự hiệu quả, ngay cả khi đó là những tác nhân ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động du lịch. Đặc biệt, các tuyến đảo như Quan Lạn, Minh Châu (Vân Đồn), Cô Tô của tỉnh Quảng Ninh mọi hoạt động phát triển du lịch ở đây phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết.
Do vậy, ý kiến của nhiều chuyên gia cho rằng, để du lịch biển đảo bền vững, cần tăng cường công tác bảo vệ môi trường nói chung, môi trường biển nói riêng. Theo đó, bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao ý thức cho cộng đồng về quản lý và bảo vệ tài nguyên biển phát triển bền vững, các địa phương có biển, đảo cần thực hiện nhiều giải pháp để giảm thiểu các tác động gây ô nhiễm đến môi trường biển.
Về phía DN, ông Nguyễn Hồng Đài, Giám đốc Công ty APT traval cho biết, Quảng Ninh cần thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại Vịnh Hạ Long, như di chuyển các hoạt động khai thác, sàng tuyển, bốc rót than trên Vịnh, cấm các hoạt động chuyển tải clinker, xi măng và các loại hàng hóa rời (dăm gỗ, đá các loại...) trên Vịnh. Trong đó, phải kể đến việc thực hiện di dời và quy hoạch các điểm cư dân làng chài trên Vịnh và hàng loạt các biện pháp nhằm bảo vệ môi trường biển như xử lý nước thải trên các tàu du lịch, tổ chức thu gom rác thải bảo vệ môi trường sinh thái trên Vịnh Hạ Long để du khách khi đến đây thấy được sự chuyên nghiệp, đẳng cấp của một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.