Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ (QL) 1 đoạn Diễn Châu - Quán Hành dài 23,4 km do Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư, thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng với 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, nền đường rộng 21,5 m, tổng đầu tư hơn 1.227 tỉ đồng. Việc nâng cấp, mở rộng đoạn đường ngàn tỉ này được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2015.
Trở thành điểm đen
Từ khi đưa vào sử dụng, mặt đường QL1 đoạn Diễn Châu - Quán Hành hằn lún, bong tróc. Những ngày cuối tháng 6-2018, nhiều điểm tiếp tục xuất hiện tình trạng hư hỏng. Cụ thể, mặt đường đoạn nối từ đường tránh TP Vinh với QL1 qua xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc hằn lún, nhiều nơi nhựa đùn lên từng mảng lớn, gây nguy hiểm cho phương tiện tham gia giao thông.
Anh Lê Văn Việt (ngụ phường Đông Vĩnh, TP Vinh) bức xúc: "Mặt đường đùn lên từng mảng lớn, chạy ôtô hay xe máy qua những đoạn này rất dễ mất lái dẫn đến tai nạn".
Quốc lộ 1 đoạn từ thị trấn Quán Hành đến huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An mặt đường hằn lún, hư hỏng Ảnh: Đức Ngọc |
Dọc tuyến từ thị trấn Quán Hành đến huyện Diễn Châu, tình trạng hằn lún vệt bánh xe, nhựa mặt đường đùn lên rất nghiêm trọng ở ngã tư QL1 - đường N5 qua xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc; ngã ba giao cắt giữa QL1 với đường đi thị xã Cửa Lò, đoạn qua xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc.
Mặt đường QL1 đoạn từ huyện Nghi Lộc đến huyện Diễn Châu từ khi đưa vào sử dụng (năm 2015) đến nay đã nhiều lần bong tróc, hư hỏng, hằn lún. Các đơn vị liên quan nhiều lần khắc phục, sửa chữa nhưng tình trạng hư hỏng vẫn tái diễn.
Ngày 1-7, ông Nguyễn Việt Phương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ II.2 (thuộc Cục Quản lý đường bộ II - Bộ GTVT), cho biết trên QL1 đoạn từ huyện Diễn Châu đến Quán Hành có một số điểm mặt đường hư hỏng, hằn lún. Đơn vị vừa có văn bản đề nghị chủ đầu tư là Sở GTVT Nghệ An yêu cầu nhà thầu khắc phục, sửa chữa.
Cũng trên QL1 đoạn qua huyện Nghi Lộc, từ tháng 4-2017 đến nay, khi đường N5 giao cắt QL1 được đưa vào sử dụng thì ngã tư này trở thành điểm đen tai nạn giao thông vì không có hệ thống đèn báo, đèn tín hiệu. Chỉ trong một thời gian ngắn, nơi này đã xảy ra hàng loạt vụ tai nạn giao thông làm nhiều người chết, bị thương. Cá biệt, có ngày tại điểm đen này xảy ra 2-3 vụ va chạm giao thông.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đình Dũng, Chủ tịch UBND xã Nghi Long, lo lắng: "Từ khi ngã tư N5 giao cắt QL1 đưa vào sử dụng, tai nạn liên tiếp xảy ra, nhiều người chết và bị thương khiến người dân hoang mang mỗi lần đi qua đây. Xã đã nhiều lần đề xuất các cơ quan chức năng nghiên cứu lắp đặt đèn tín hiệu giao thông nhưng đến nay vẫn chưa thấy họ làm".
Mặt đường nhỏ, không có dải phân cách, nhiều điểm có hiện tượng hằn lún cục bộ trong khi lưu lượng phương tiện tham gia giao thông đông nên thời gian gần đây, tuyến đường BOT tránh TP Vinh xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Điển hình, ngày 27-6, xe khách chở khoảng 30 người đang lưu thông trên đường tránh bất ngờ lật làm 2 người chết, 7 người bị thương. Trước đó, ngày 8-6, trên đoạn đường này cũng xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng giữa xe khách và 2 xe tải làm 10 người bị thương, phải nhập viện cấp cứu.
"Câu hỏi khó"
Ngày 1-7, trên QL1 đoạn qua xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, Ban Quản lý dự án Thăng Long cho máy móc, nhân lực cạo bỏ lớp sống trâu do sự cố hằn lún mặt đường kéo dài hàng trăm mét. Lần đầu tiên người dân nơi đây thấy một thiết bị rất lạ dùng để cạo lớp mặt đường sống trâu này. Mặt đường nhựa bị cạo tróc, nham nhở.
Ông Lê Khế Hội, một người dân chạy xe máy qua đây, dừng xe tặc lưỡi: "Chắc chỉ có Việt Nam mới làm kiểu này".
Trước đó, nhiều đoạn đường qua tỉnh Khánh Hòa cũng hư hỏng tương tự và đơn vị thi công dùng xe múc để cạo tróc lớp sống trâu trên mặt đường, để lại từng vệt dài nham nhở.
Tài xế xe giường nằm Nguyễn Văn Ân của nhà xe Cúc Tư (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) cho hay hằng ngày ông rất sợ khi phải cho xe qua những đoạn đường thế này. "Khi chạy vào những đoạn đường ấy, xe rung lên. Hành khách không ngủ được cứ la oai oái mà mình thì đâu tránh được".
"Đó là sau khi đường lún, tạo ổ gà hoặc hằn lún thành vệt thì dùng giải pháp này; tức là dùng máy để bóc lớp nhựa mặt đường bị hư rồi hoàn trả lớp nhựa khác cho bằng phẳng lại, chứ nếu đắp thêm thì nó cứ cao mãi mà lớp nhựa đường cũ đã bị co giãn, chảy nhựa, lão hóa rồi thì nó lại tiếp tục hư" - ông Tiến giải thích.
Tuy nhiên, vì sao QL1 chỉ mới làm 3 năm qua mà nhựa đường đã lão hóa, hằn lún khắp nơi? Do thi công ẩu, nền yếu hay chất lượng nhựa đường không bảo đảm? Ông Tiến cho rằng đó là câu hỏi khó, đến giờ Bộ GTVT vẫn chưa trả lời.
"Bộ GTVT và các chuyên gia đang nghiên cứu chứ chưa tìm ra nguyên nhân. Nhiều hội thảo với nhiều giáo sư, tiến sĩ tham gia cũng được tổ chức rồi nhưng vẫn chưa đưa ra kết luận. Nói do xe quá khổ, quá tải cũng không đúng. Xe quá khổ, quá tải xử lý nhiều rồi, đừng nói xe quá khổ, quá tải nữa" - ông Tiến nói. Về việc QL1 vừa làm xong đã hư, ông Tiến nói đây là công trình của Bộ GTVT, cử tri Phú Yên cũng kiến nghị nhiều rồi.
"Tỉnh Phú Yên nhiều lần đề nghị kiểm tra chất lượng và Bộ GTVT cũng chỉ yêu cầu Tổng cục Đường bộ kiểm tra, xử lý kịp thời. Bộ GTVT làm chủ đầu tư, kiểm soát chất lượng chứ tỉnh đâu can thiệp được gì" - ông Tiến nói và cho rằng để giải quyết triệt để tình trạng hằn lún trên QL1, cần tìm nguyên nhân do đâu nhưng chưa có câu trả lời thì mọi giải pháp bây giờ như "cào bóc tái sinh" cũng chỉ là tạm thời.
Ngỡ như đi dưới suối đá Để thực hiện giải pháp cào bóc tái sinh tạm thời, theo ông Phạm Văn Tiến, Tổng cục Đường bộ phải đầu tư cho mỗi khu đường bộ một máy cào với kinh phí đến 2 tỉ đồng. Ở một số nơi, lớp nhựa mặt đường cào bỏ được đưa về nhà máy để tái sinh với chất lượng đạt khoảng 70%, rồi sẽ mang ra thảm lại mặt đường nhưng tại Phú Yên chưa có nhà máy tái sinh nhựa nên phải sản xuất lớp bê-tông nhựa mới để thảm lại mặt đường. Sau khi cào bong tróc mặt đường, chờ thảm lớp nhựa đường mới, xe qua lại phải chịu cảnh đi trên đường nhựa mà ngỡ đi dưới suối đá. |
Tác giả: Đức Ngọc - Hồng Ánh
Nguồn tin: Báo Người lao động