Toàn cảnh dự án đường Lê Mao kéo dài tại TP Vinh, Nghệ An. Ảnh: Phạm Tâm |
Cách trung tâm TP Vinh (Nghệ An) chỉ hơn 1km, nhưng do vướng dự án “treo” mà hàng chục hộ dân ở phường Vinh Tân phải “sống tạm” trong chính ngôi nhà của mình.
“Ốc đảo” giữa lòng thành Vinh
Năm 2005, sau khi được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt Dự án đường Lê Mao kéo dài, hàng chục hộ dân ở phường Vinh Tân, TP Vinh bị cấm xây mới, cơi nới nhà cửa. Thế nhưng, sau khi hoàn thành được gần 1km đường, dự án bị chậm tiến độ và dừng vô thời hạn.
Từ đó đến nay, gần 30 hộ dân khối Tân Phượng, phường Vinh Tân phải sống khổ sở trong cảnh ngập lụt, nhà cửa xuống cấp. Mặc dù chỉ cách UBND TP Vinh hơn 1km nhưng khu dân cư này ngày càng nhếch nhác, cây cối um tùm.
Là hộ dân nằm trong diện phải di dời, gia đình bà Nguyễn Thị Khương (SN 1963, trú tại khối Tân Phượng, phường Vinh Tân) có căn nhà cấp 4 rộng chừng 80 m2, được xây dựng từ đầu những năm 2000. Trải qua thời gian, căn nhà ngày càng xuống cấp.
Bà Khương có 2 người con trai, mặc dù đều đã lấy vợ và sinh con nhưng không thể xây nhà riêng cho các con. Cả 3 thế hệ phải sống chung trong căn nhà chật chội. Vừa qua, chồng bà Khương qua đời nên gian nhà chính dùng để đặt bàn thờ, sinh hoạt của gia đình 7 người chuyển sang gian bếp.
Việc tắm rửa, nấu nướng, ăn uống và học tập của 2 người cháu đều thực hiện trong gian bếp rộng khoảng 40 m2. Bàn học của cháu được đặt ngay gần cửa ra vào. Đang trong thời gian nghỉ hè nhưng không có chỗ chơi, 2 cháu chỉ biết quanh quẩn chơi cùng bà nội trước sân.
Anh Nguyễn Văn Tuấn (SN 1989, con trai bà Khương) cho biết, mảnh vườn của gia đình rộng hơn 1.000 m2, 2 anh em có thể tách thửa rồi xây nhà ở riêng. Tuy nhiên, vì vướng quy hoạch nên không được cho phép.
Trong khi đó, ngôi nhà cũ cũng không thể cơi nới, xây dựng thêm để đáp ứng nhu cầu sử dụng. Vài năm một lần, anh Tuấn lại cùng em trai mua vật liệu về tự tu sửa, đắp vá những mảng tường bị bong tróc.
Căn nhà nhỏ của bà Nguyễn Thị Khương nằm lọt thỏm bên những ngôi nhà cao tầng. Ảnh: Phạm Tâm |
Khổ sở trong chính ngôi nhà của mình
Theo người địa phương, khu vực xóm Tân Phượng là vùng đất trũng với nhiều ao, hồ, bùn lầy. Mặc dù tiếp giáp sông Vinh nhưng vì không có hệ thống mương thoát nước, cộng với việc nhiều ngôi nhà cao tầng gần đó xây lên khiến nước mưa không thể thoát kịp.
“Năm ngoái nước dâng cao, người dân trong xóm bị cô lập nên chính quyền phường phải đến cứu trợ. Hai đứa bé trong nhà tôi cũng không đi học được, cả nhà sau đó kéo nhau đi sơ tán sang nhà người quen”, anh Tuấn chia sẻ và cho biết vào mùa mưa lụt người dân nơi đây chỉ còn cách đi lại bằng thuyền.
Theo anh Tuấn, trước đây chính quyền địa phương từng bàn phương án tái định cư 29 hộ trong vùng dự án. Do quỹ đất của phường Vinh Tân không còn nên chính quyền lấy ý kiến người dân đến tái định cư ở một số xã vùng ven đô. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà đa số người dân không đồng tình.
Đang trong thời gian nghỉ hè nên 2 cháu nội ở nhà chơi cùng bà Khương. Ảnh: Phạm Tâm |
Các em phải học tập, sinh hoạt chung trong căn phòng chật hẹp. Ảnh: Phạm Tâm |
Ngôi nhà của ông Trần Đức Trường có 3 thế hệ cùng sinh sống. Ảnh: Phạm Tâm |
Cách đó không xa, gia đình ông Trần Đức Trường có mảnh đất ở hơn 1.600 m2 nhưng không thể chia cho 4 người con trai ra ở riêng. Căn nhà cấp 4 rộng chừng 70 m2 do ông xây từ hơn 30 năm trước được chia đôi cho gia đình người con thứ hai. Trong khi đó, gia đình 3 người con còn lại phải đi thuê chỗ khác để ở.
Giống như nhiều gia đình tại đây, ông Trường từng kiến nghị phường cho nâng cấp, sửa chữa căn nhà để ở tạm thời nhưng không được chấp thuận.
Căn phòng của chị Nguyễn Thị Nga (SN 1985, con dâu ông Trường) rộng gần 30 m2, bên trong đặt chiếc giường, tủ nhôm, bàn học của con cùng một số vật dụng. Góc bếp bố trí bên cạnh bậc thềm, sát cửa ra vào chỉ đủ đặt bếp gas và vài cái nồi. Căn phòng cũ kỹ, ẩm thấp, thấm dột, nhiều lần vợ chồng chị Nga muốn sửa chữa cho rộng để có không gian thoải mái hơn, nhưng không được chính quyền đồng ý.
Chị Nga cho biết, trong gia đình chỉ có chồng là lao động chính, còn chị đi làm thuê thời vụ và ở nhà nội trợ. Để kiếm tiền mua đất, xây nhà ở khu vực khác là điều không thể. Trong khi đó, vợ chồng chị còn phải nuôi 2 người con đang độ tuổi ăn học.
“Các con của mình đã lớn, bố mẹ muốn có không gian riêng cho con học tập và sinh hoạt nhưng đành bất lực. Ai cũng muốn được đi tái định cư sớm để bớt khổ”, chị Nga nói.
Được biết, Dự án đường Lê Mao kéo dài có điểm đầu đường Trần Phú đến đường Hồ Xuân Hương, với tổng chiều dài gần 1,5 km. Ban đầu, dự án được đầu tư theo hình thức BT, do Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển nhà Hà Nội số 30 làm chủ đầu tư. Sau khi dự án làm xong gần 1 km thì chính sách đầu tư BT bị dừng lại, chuyển sang đầu tư công.
Theo phương án BT, doanh nghiệp bố trí quỹ đất cho các hộ dân bị ảnh hưởng tái định cư xung quanh đó. Nhưng khi chuyển sang đầu tư công, TP Vinh gặp khó khăn về vốn nên dự án phải dừng lại.
Qua đo đạc, nơi ở hiện nay của gần 30 hộ dân có diện tích GPMB hơn 18.000 m2. Trong khi đó, quỹ đất phường Vinh Tân rất eo hẹp nên UBND TP Vinh dự kiến bố trí tái định cư tại phường Trung Đô hoặc xã Nghi Phú (cách điểm hiện tại 6 - 7 km) nhưng người dân không đồng ý.
Các hộ dân tại khối Tân Phượng chủ yếu là lao động tự do, làm ăn buôn bán xung quanh phường, vì thế mong muốn được bố trí đất tái định cư tại khu vực này.
Ông Nguyễn Đình Thanh – Chủ tịch UBND phường Vinh Tân cho biết, chính quyền địa phương rất thấu hiểu cho những nỗi khổ của người dân địa phương tại dự án đường Lê Mao kéo dài.
Để tránh ngập lụt, ông Trần Văn Lý (khối Tân Phượng) bỏ tiền mua rác thải xây dựng đắp con đường dài hàng chục mét nối từ nhà ra đường bê tông chính. Ảnh: Phạm Tâm |
Con đường nhỏ mọc đầy cỏ dại dẫn vào nhà bà Nguyễn Thị Khương. Ảnh: Phạm Tâm |
Ông Nguyễn Việt Đức - Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Vinh thông tin, cuối tháng 5/2023, HĐND TP Vinh đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường Lê Mao kéo dài (giai đoạn 2). Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 139 tỷ đồng cho tuyến đường gần 400 m, trong đó chi phí bồi thường, giải phóng mặt (BT, GPMB) bằng hơn 59 tỷ đồng.
Sau gần 2 thập kỷ “sống mòn” trong dự án treo, hơn lúc nào hết những hộ dân khối Tân Phượng mong muốn chính quyền TP Vinh và tỉnh Nghệ An sớm bố trí nguồn vốn, triển khai dự án để người dân ổn định cuộc sống.
Tác giả: Phạm Tâm
Nguồn tin: giaoducthoidai.vn