Du lịch

Gánh bún mọc nuôi các em của người chị ở phố cổ Hà Nội

Hiện chị Thủy đã theo chồng định cư nước ngoài nhưng quán vẫn được duy trì với sự chuẩn bị công phu, hương vị thơm ngon như 30 năm qua.

Đoạn đầu phố Lương Ngọc Quyến nằm trong khu tứ giác Hàng Buồm - Hàng Giầy - Tạ Hiện, là nơi tập trung nhiều quán ăn của Hà Nội. Ở khu vực này có một gánh bún mọc tên Thủy được mở hơn 30 năm trước, giờ đã trở thành quán ăn nổi tiếng đất Hà thành.

Ngoài nồi nước dùng chính, chủ hàng chuẩn bị thêm nồi nước phụ để chần tim, cật.

Những năm bao cấp, nhiều phụ nữ Hà Nội là chỗ dựa cho cả gia đình. Bà Nga, người mở quán bún Thủy, là người mẹ khéo tay và tháo vát, một mẫu người điển hình của tầng lớp phụ nữ sống ở đất "kẻ chợ". Bà Nga phải bươn chải bán xôi chè bà cốt, miến xào cua, cháo cá, cháo phổi, cuối cùng dừng lại bán bún mọc trước khi mất vì bệnh vào năm 1984. Bà để lại bốn người con, con út năm đó mới hơn 18 tháng. Chồng bà Nga là lái xe vận tải đi suốt. Lúc vợ mất, ông cũng đang đi làm, cơ quan phải cử người đi đón.

Người con cả tên Thủy năm đó mới 16 tuổi, đang ăn học. Từ khi mẹ mất, chị Thủy phải gánh bún ra đầu Tạ Hiện bán, như người mẹ thứ hai lo cho các em ăn học.

Các nguyên liệu được chuẩn bị kỹ lưỡng giúp bát bún thơm ngon hơn.

Một thời gian sau, chị được bà cụ bán nước cho ngồi nhờ vỉa hè, người bán bún người bán nước. Sau đó, chị chuyển hẳn vào ngõ Đào Duy Từ. Đến năm 2006, chị Thủy đi Mỹ, giờ các em chị vẫn theo nghề của gia đình.

Ở Hà Nội, có rất nhiều người bán bún mọc nhưng điểm khác biệt của bún Thủy nằm ở khâu thực phẩm luôn tươi mới, không dùng hàng đông lạnh. Hàng sáng, chủ quán dậy sớm từ 5h ninh nước dùng. Nồi nước thơm ngon, nhìn sóng sánh, ăn có vị hơi ngậy. Hàng có nồi riêng để chần tim, cật tránh để không bị ảnh hưởng đến nồi nước dùng chính.

Sườn mềm nhưng không bị nhũn, miếng to bằng ba ngón tay. Mọc được làm tươi và viên tròn liên tục trong buổi sáng bán hàng. Mọc có hai loại: viên giò nấm; thịt nạc vai băm nhuyễn trộn với nấm, mắm, hạt tiêu, tim, cật ăn thơm ngọt, không bị bã.

Măng được đặt riêng, thái lát dài theo chiều dọc của măng, ăn không bị xơ và chua, nước dùng vừa vị, bún cũng được đặt riêng sợi hơi to.

Quán nhỏ đông khách cả trong ngày nắng lẫn ngày mưa.

Một khách quen 25 năm của quán cho biết: "Tôi chưa thấy hàng này vì tham lợi nhuận mà làm mất đi bản sắc".

Bún Thủy hiện có 2 địa chỉ:

- Trong ngõ Đào Duy: Bán từ bán từ 7h đến 13h30

- Đường Trần Nhật Duật bán từ 7h đến 17h

Một bát bún sườn mọc có giá 35.000 đồng, bún thập cẩm 40.000 đồng.

Tác giả: Viet Nguyen

Nguồn tin: Báo Vnexpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP