Kinh tế

Gạo hữu cơ Việt chưa "dọa" được gạo Thái đã thua vì chính sách

Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao bà Vũ Kim Hạnh chia sẻ thẳng thắn về thực trạng hàng Việt chất lượng tốt nhưng luôn đi sau, thua ngược người Thái vì vướng rào cản chính sách hoặc không được trợ giúp tìm kiếm thị trường.

Chia sẻ với các diễn giả trong nước tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 bàn về nông nghiệp diễn ra tại Hà Nội sáng 5/6, bà Hạnh chia sẻ một câu chuyện khá thú vị nhưng đậm nét buồn.

Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao.

Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao kể thời gian trước (Trước khi Bộ Công Thương đề nghị sửa đổi Nghị định 109 về điều kiện xuất khẩu gạo), bà cùng một đoàn doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo của Việt Nam tham gia hội chợ nông sản tại Thái Lan. Tại đây, các DN Việt đưa loại gạo hữu cơ (gạo organic) chất lượng ngon của Việt Nam đi giới thiệu.

"Các loại gạo được đổ ra các thuyền thúng để giới thiệu, quảng bá. Rất đông doanh nghiệp, giới truyền thông Thái Lan tìm hiểu, dò xét loại gạo này vì họ cho rằng loại gạo này có thể cạnh tranh với gạo Thái Lan xuất khẩu", bà Hạnh nói.

Tuy nhiên, vị chuyên gia tỏ ra bất ngờ bởi: "Một người trong nhóm người Thái có vẻ hiểu Việt Nam cho hay: Không lo đâu vì loại gạo này khó có thể xuất đi được và không cạnh tranh với gạo Thái. Lý do là bởi Việt Nam chưa cho xuất khẩu loại gạo hữu cơ".

Bà Hạnh nói: Doanh nghiệp làm gạo hữu cơ rất tốt và có thể làm được nhiều nhưng hiện nay rất khó xuất khẩu được vì chúng ta vẫn muốn xuất khẩu đại trà các loại gạo với nhau.

Theo bà Kim Hạnh, hiện nay hai át chủ bài đối với nông nghiệp Việt Nam chính là chuẩn chất và giá trị gia tăng.

Vì sao là chuẩn chất, bà Hạnh nêu khi đi tìm hiểu doanh nghiệp và nông dân trồng lúa tại An Giang phát hiện rất sốc là nhà nông ít quan tâm đến tiêu chuẩn, chủ yếu gạo sản xuất, bán luôn, bán tiểu ngạch và không thích có giấy tờ. Người nông dân thật thà và chúng ta tin tưởng nhưng khi chúng ta làm ăn quốc tế thì là phải có giấy tờ đàng hoàng.

"Giải pháp trước mắt của Việt Nam hiện nay là gì? Không phải cứ mãi giải cứu đi mà thay vào đó là chế biến. Nghiên cứu thị trường và chế biến phải là hai bạn đồng hành. Tôi biết đài BBC tại Mỹ đã mở chuyên mục riêng về chế biến vải thành vải lạnh ở các nhà hàng'', bà Hạnh cho biết.

Theo bà Hạnh, muốn nông sản Việt ra được thế giới hãy bắt đầu từ nghiên cứu thị trường thiết thực, sau đó hãy tổ chức những nhóm chuyên gia trẻ đi các hội chợ quốc tế uy tín để tìm hiểu thị trường có gì, cần gì và móc nối với kênh phân phối chứ không thể để nông sản Việt nằm trong tay thương lái nước ngoài ôm mua, chia sẻ lợi nhuận như hiện nay.

Tác giả: Nguyễn Tuyền

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP