Kinh tế

Xuất khẩu nông sản- Cần chấp nhận luật chơi chung

Tại phiên thảo luận Tổ diễn ra ngày 22/5, một vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội nêu ý kiến về câu chuyện thị trường, giải cứu nông sản. Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: “Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính với hàng nông sản và chúng ta cần phải chấp nhận luật chơi chung”.

Cần nâng cao chất lượng nông sản để đảm bảo xuất khẩu bền vững

Trung Quốc với vai trò là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và có quy mô dân số gần 1,4 tỷ dân đang và sẽ là thị trường tiêu thụ quan trọng đối với hàng nông thủy sản xuất khẩu của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng do giá cả cạnh tranh và phù hợp với thói quen tiêu dùng của Trung Quốc. Trong năm qua đã ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc của các mặt hàng nông lâm thủy sản, hải sản xuất khẩu sang Trung Quốc như thủy sản (tăng 61,24%), rau quả (tăng 50,85%), gạo (tăng 35,74%)… Đây là một thành tích đáng mừng của xuất khẩu Việt Nam, góp phần quan trọng giảm nhập siêu từ địa bàn này.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, việc tăng trưởng xuất khẩu sang Trung Quốc có một vấn đề rất đáng bàn đó chính là tính ổn định và bền vững. Câu chuyện giải cứu dưa hấu thời gian vừa qua là một ví dụ. Dưa hấu hiện chủ yếu bán trong nước và bán sang Trung Quốc chứ chưa xuất khẩu sang các quốc gia khác. Ở một số mặt hàng khác như: ớt, dưa hấu… không nằm trong mặt hàng chiến lược trong cơ cấu nông nghiệp Việt Nam. Chính vì vậy, nó phụ thuộc vào yếu tố mùa vụ, quan hệ thương mại và phần lớn là xuất khẩu tiểu ngạch qua đường biên giới.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lưu ý, không chỉ là mặt hàng dưa hấu, ớt, hành tím mà còn các mặt hàng như cá tra, sữa… khi xuất sang Trung Quốc đang phải đối mặt với vấn đề rất lớn đó là sự không ổn định về thị trường nếu như những mặt hàng này cứ xuất không thương hiệu, không kiểm định về chất lượng.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, Trung Quốc hiện không còn là thị trường dễ tính với nông sản Việt nữa vì hiện nay Trung Quốc đã áp dụng các quy chuẩn chung theo thông lệ quốc tế, tức là truy xuất nguồn gốc và kiểm tra ngay tại gốc sản xuất rồi mới cấp nhập khẩu.

Lấy ví dụ cụ thể về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay: “Trong gần 100 doanh nghiệp xuất khẩu gạo trước đây, hiện Trung Quốc chỉ cấp phép cho 27 doanh nghiệp. Điều này cho thấy, chúng ta cần phải chấp nhận luật chơi chung để điều chỉnh sản xuất ngay tại gốc”.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu tại phiên thảo luận

Một vấn đề nữa cần lưu ý đó là, hiện nay tỷ trọng của thương mại tiểu ngạch sang Trung Quốc còn rất lớn. Chính vì vậy, nếu chúng ta không phát triển thị trường mới và thị trường tiềm năng lớn khác thì sẽ có những hệ lụy lớn.

Tương tự như vậy, đối với Mỹ- thị trường lớn thứ hai về xuất khẩu của Việt Nam, với các quyết định vừa rồi từ phía Mỹ như thuế đánh bổ sung vào thép, nhôm thì chúng ta sẽ phải chịu những tổn thất lớn. Nhất là trong bối cảnh Mỹ đang đặt ra vấn đề về “thương mại công bằng” đang đặt ra những trở ngại rất lớn đối với Việt Nam trong việc phát triển bền vững thị trường.

“Đây là những bài toán lớn đặt ra trong tăng trưởng và thúc đẩy xuất khẩu nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung. Phải tập trung khơi thông mọi thị trường, nhất là thị trường tiềm năng, trong đó lưu ý có chính sách kịp thời để tháo gỡ rào cản"- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng, số lượng thị trường xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2016 đã tăng lên 29 trong năm 2017, trong đó có hơn 20 thị trường trên 2 tỷ USD. Tuy nhiên, câu chuyện về thị trường xuất khẩu nông, thủy sản còn nhiều chuyện phải bàn, đặc biệt là tìm kiếm thị trường bền vững.

Tác giả: Đình Dũng - Nguyễn Hạnh

Nguồn tin: Báo Công Thương Điện Tử

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP