Tin trong tỉnh

Gặp người thầy thương binh và lớp học trường làng miễn phí

Xếp bút nghiên theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường nhập ngũ, khi bóng giạc không còn, người thương binh ấy trở về với đôi mắt mù lòa vì bom đạn chiến trường. Không chịu lùi bước với số phận nghiệt ngã, ông tiếp tục tham gia nhiều hoạt động ở địa phương, mở lớp dạy học môn Toán và lớp Âm nhạc miễn phí cho con em địa phương.

Người thương binh có nhiều biệt tài và nghị lực sống, cống hiến phi thường

Con người đặc biệt ấy chính là thương binh Nguyễn Đăng Khoa (SN 1942), trú ở Nam Lĩnh (Nam Đàn, Nghệ An). Mặc cho vùng đất Nam Lĩnh là vùng đất cằn sỏi đá, nhưng khu vườn nhà thương binh Khoa vẫn một màu xanh um tùm, với bao cây cối sinh sôi nẩy nở.

Trên các lùm cây xanh có gần cả trăm cặp chim bồ câu đang chao liệng. Nấp trong màu xanh ấy có một ngôi nhà cũ kỹ mang dáng dấp của nét cổ xưa. Nhìn vẻ bề ngoài không ai biết được đó là ngôi nhà của một người thương binh già bị mù lòa đôi mắt.

Người thương binh tuy bị mù lòa nhưng vẫn luôn là tấm gương sáng cho đời.

Trong căn nhà nhỏ ấy, thương binh Nguyễn Đăng Khoa lần lượt nhớ lại từng dòng ký ức của mình để kể với phóng viên Tamnhin.trithuccuocsong.vn. Ông chia sẻ, kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời đó là lần duy nhất được gặp Bác Hồ về thăm quê(1961). Lớn lên chứng kiến cảnh mưa bom, bão đạn của tàu bay Mỹ ném xuống quê hương, chàng thanh niên Khoa lúc bấy giờ đã tình nguyện viết đơn lên đường cầm súng bảo vệ Tổ quốc.

Ngày 6/4/1965, người thanh niên Đăng Khoa chính thức trở thành chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam và đi vào tuyến lửa miền Nam tham gia chiến đấu. Cuộc chiến khốc liệt, ngày 19/11/1968 sau trận bom Mỹ công kích, tiểu đội của ông gồm 11 người thì 10 người đã hy sinh, nằm lại vĩnh viễn với núi rừng, duy nhất chỉ mình ông sống sót nhưng bị thương nặng. Sau đó ông phải rời khu vực ngã ba Đông Dương để ra Bắc điều trị thương tật.

Đến năm 1969, thương binh Khoa cưới vợ và đến năm 1971 thì rời quân ngũ để trở về với cánh đồng làng với đôi mắt mù lòa. Mặc dù vậy, thương binh Nguyễn Đăng Khoa vẫn không chùn bước với số phận nghiệt ngã của mình.

Ông Khoa tâm sự, một lần nghe ông trưởng thôn đọc thông báo cho bà con nghe bằng chiếc loa được làm bằng tấm mo cau cuộn tròn lại, vì thời đó chưa có loa máy hiện đại như bây giờ, thương binh Khoa đã tìm đến UBND xã Nam Lĩnh góp ý cho xã thành lập đội thông tin cổ động để tiện lợi cho việc tuyên truyền.

Thấy sáng kiến hay, ông chủ nhiệm Hợp tác xã Nam Lĩnh hồi đó đã nhất trí và thương binh Khoa trở thành thành viên của đội. Sau một thời gian, anh em đi vận động nhiều nơi, quyên góp nhiều chỗ khi ấy xã Nam Lĩnh mới mua được một bộ loa đài truyền thanh.

Hằng ngày thương Khoa tổ chức cho anh em đi đến tận từng đội sản xuất để nắm bắt tình hình rồi sau đó mang thông tin về cho tập hợp lại. Từ đó thương binh Khoa trở thành một “biên tập viên” của đội thông tin xã Nam Lĩnh.

Cứ sau một ngày làm việc mệt nhọc của bà con, thương binh Khoa lại đọc lên những kết quả thi đua sản xuất của các đội hoặc thông báo những việc cần thiết tới bà con.

Điều đáng nói là từ đội thông tin tuyên truyền này, thương binh Khoa đã nhen nhóm thành đội văn nghệ của xã Nam Lĩnh. Đội văn nghệ này đã gặt hái được nhiều kết quả trong các cuộc thi, trong đó có cả giải Vàng của cấp Trung ương cũng như địa phương. Với công việc ấy, thương binh Khoa đã lao động hơn 20 năm trời đằng đẵng mà không chút ngơi nghỉ.

Điều đặc biệt ở con người rất đặc biệt ấy, đó là biết chơi thành thạo một lúc nhiều nhạc cụ như: đàn ghi ta, măng đô luyn, kèn ắc-mo-ni-ca, trống, vi-ô-lông và gần đây ông còn biết chơi thêm đàn organ và thổi sáo trúc.

Con đường đến với âm nhạc của người thương binh này cũng rất đặc biệt, đó là những ngày bị thương nằm điều trị ở Bệnh viện Quân y 108, một số nghệ sỹ, ca sỹ nổi tiếng như: Nghệ sỹ Thúy Hà, chị Tường Thụ và nhạc sỹ Phạm Anh Tuấn cũng vào điều trị tại đó.

Trong lúc điều trị ở Bệnh viện 108, một số nghệ sỹ có mang theo đồ nghề vào, thương binh Khoa được nhạc sỹ Phạm Anh Tuấn hướng dẫn cho một số “đường nét cơ bản” để kéo đàn vi-ô-lông. Một thời gian sau khi rời Bệnh viện 108, ông Khoa được chuyển đến trại điều dưỡng ở huyện Ba Vì (Hà Tây, nay là Hà Nội). Tại đây, có một chiếc đàn organ, thương binh Khoa đã tranh thủ tự mò mẫm học đàn hết ngày này qua ngày khác.

Âm nhạc luôn là niềm vui đối với thương binh Nguyễn Đăng Khoa.

Ngày về lại Nam Đàn xứ Nghệ, thương binh Khoa được một số nhạc sỹ nổi tiếng như: nhạc sỹ Ánh Dương, nhạc sỹ Thanh Tùng, nhạc sỹ Hoàng Thành… giúp đỡ và chỉ dẫn tiếp tục miệt mài tập luyện các nhạc cụ đó. Nhờ có năng khiếu bẩm sinh nên thương binh Khoa học rất nhanh thành công. Cùng một lúc, ông có thể chơi kết hợp 3 loại nhạc cụ để tạo ra những bản hòa tấu đặc sắc. Kèn ắc-mo-ni-ca được ông dùng bằng miệng, hai tay cầm chiếc măng-đô-luyn, đôi chân chơi bộ gõ (trống).

Thương binh Nguyễn Đăng Khoa tâm sự: Để động viên ông nội, có cô cháu gái nguyên là sinh viên Học viện âm nhạc Hà Nội thỉnh thoảng ghé về quê vừa thăm ông vừa để hai ông cháu hòa tấu các bản nhạc.

Nhờ vậy mà căn nhà nhỏ lọt thỏm trong xóm nhỏ ấy luôn là tâm điểm vui nhộn của thôn quê. Nhiều đêm chỉ nồi nước chè xanh lóng lánh cùng với bao thuốc Lào thôi cũng đủ tập trung rất đông người, già trẻ, gái trai đến để nghe thương binh Khoa kéo đàn vi-ô-lông.

"Anh thương binh vẫn đến trường làng”

Cho đến bây giờ ở vùng quê này vẫn còn tập quán đẹp, nấu nước chè xanh rồi mời gọi hàng xóm đến uống để chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống. Tình cờ trong một đêm trăng sáng sang nhà hàng xóm uống nước chè, người thương binh mù Nguyễn Đăng Khoa nghe tiếng các cháu học sinh lớp 7, lớp 8 học bài cãi nhau về một phép toán liên quan hình học tam giác.

Thương binh Khoa lại gần hỏi các cháu đọc lại đề để ông nghe? Mấy đứa trẻ trong xóm trố mắt lên nhìn, có đứa còn nói “ông bị mù mà cũng biết toán ạ?”.

Mặc dù bị mù lòa nhưng thương binh Nguyễn Đăng Khoa vẫn mở lớp dạy học Toán miễn phí cho các cháu trong thôn.

Thương binh Khoa cười hiền hậu và khi các cháu đọc xong đề thì ông sai một đứa nhỏ vào bếp lấy cho hòn than củi. Sau đó ông vẽ hình tam giác lên giữa sân gạch và mò mẫm rồi chỉ tay giảng giải cho các cháu. Qúa bất ngờ với một người mù vốn dĩ quanh năm bộn bề bao công việc nhà, việc xã mà vẫn biết giải toán học. Từ đó nhóm cháu nhỏ đêm nào cũng mang sách vở đến nhà thương binh Khoa để nhờ ông giảng bài giúp.

Ông Khoa cho biết thêm, từ khi học xong cấp 3 cho đến lần đầu tiên cầm hòn than vẽ hình học cho các cháu đã ngót nghét hơn 46 năm trời trôi qua, chưa một lần có thời gian để ngó vào sách vở. Thấy ngày một đông các cháu nhỏ trong thôn làng ôm sách vở đến nhờ ông giảng bài nên ông rất lấy làm phấn khích. Thế là từ ấy ông đã mở lớp dạy học toán miễn phí cho tất cả con em của vùng quê này.

Thương binh Khoa chia sẻ, vì thấy vùng quê nghèo quá, các cháu muốn đi học thêm cũng không có tiền, có lúc hai ba đứa còn chung nhau mua quyển sách. Thương các cháu, ông Khoa chỉ còn cách giúp các cháu trau dồi kiến thức. Và cứ thế, đêm đêm người thương binh mù ấy lại ngồi bên ngọn đèn dạy học cho bao lớp trẻ trong làng.

Được biết, thoạt đầu ông Khoa tổ chức cho các cháu tới nhà mình để học nhưng do cổng nhà sâu và rậm rịt cây cối khiến các cháu hay “sợ ma” nên ông phải tổ chức cho các cháu học tập trung ở vài nhà trong xóm để các cháu nhỏ đỡ phải đi lại.

Sau mỗi đêm giảng bài xong người thương binh già ấy lại lọ mọ về nhà mình bằng chiếc gậy dò đường. Nhiều đứa trẻ trong khu vực được ông dạy bảo đã trở thành trò giỏi, con ngoan. Vì các cháu đến đây không chỉ học Toán mà còn được ông bồi đắp thêm nhiều kiến thức khác như: lễ nghĩa, đạo đức, đối nhân xử thế...

Mỗi khi học Toán căng thẳng, thương binh Khoa lại lấy đàn ra chơi cho các cháu nghe.

Có nhiều hôm thương binh Khoa và các cháu học căng thẳng quá thì ông lại mang đàn ra chơi vài bản độc tấu cho thư thái đầu óc rồi tiếp tục dạy học. Để giúp các cháu hiểu bài sâu hơn, ông Khoa đã thường xuyên tìm đến một số giáo viên chuyên nghiệp trong vùng để học hỏi bồi dưỡng thêm kiến thức của chương trình cải cách. Như thế vừa kết hợp chương trình cũ lẫn chương trình mới, thương binh Khoa lại tiếp tục hướng dẫn lại cho các cháu trong thôn.

Được biết, bằng nhiều nổ lực của bản thân, ông Khoa đã đoạt nhiều giải thưởng ở các cuộc thi vô cùng ý nghĩa như: Từng đạt giải “Đặc Biệt” của “Cuộc thi Tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh”, do Ban Tuyên giáo Trung ương trao tặng; dành giải thưởng người Khuyết tật của cuộc thi “Âm vang Điện Biên”; giải Khuyến khích cuộc thi “Sáng mãi phẩm chất cụ Hồ” do Tổng cục Chính trị trao tặng và giải Khuyến khích của cuộc thi tìm hiểu “60 năm nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” của tỉnh Nghệ An cùng với nhiều bằng khen, giải thưởng có giá trị khác.

Ngoài giá trị đó, giá trị lớn nhất của cuộc đời người thương binh này chính là nghị lực phi thường, vượt qua số phận nghiệt ngã để sống đúng nghĩa của một cựu chiến binh từng vào sinh ra tử của trận mạc để giành tự do độc lập cho Tổ quốc./.

Tác giả: Phan Sáng

Nguồn tin: tamnhin.trithuccuocsong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP