Kinh tế

Giá cá chép đỏ 'lên trời', thương lái có tiền cũng không mua được

Do sản lượng thấp, giá cá chép đỏ tăng gần gấp đôi. Chủ ao hầu như chỉ bán cho các mối quen và phải từ chối nhiều đơn đặt hàng "khủng" vì không thể cung cấp.

Làng cá chép đỏ Sông Mây, Bắc Sơn, huyện Trảng Bom nổi danh là vùng nuôi cá chép lớn nhất ở Đồng Nai. Hai ngày trước Tết ông Táo (23 tháng Chạp), nhiều hộ gia đình nơi đây tất bật thu hoạch để cung ứng cá chép ra thị trường.

Tại trang trại nuôi cá Trường Can, hộ nuôi cá lớn nhất xã với diện tích ao nuôi hơn 10 ha, dễ dàng bắt gặp hình ảnh các thương lái khắp mọi nơi đến để thu mua cá chép đỏ. Theo chia sẻ của chủ trại nuôi: “Từ đầu tháng 1 tới nay cơ sở đã bắt đầu thu hoạch cá chép đỏ để phục vụ cho các thương lái ở xa. Thời điểm thu hoạch cao điểm nhất là vào ngày 21 - 22 tháng chạp”.

Do thời gian giãn cách xã hội khá dài từ đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, giao thông khó khăn nên nhiều hộ gia đình gặp trở ngại trong việc lấy cá giống. Không những thế nhiều hộ còn lo lắng về lượng thức ăn, thị trường... thế nên số lượng hộ nuôi cá chép đỏ ít đi.

Cung thấp cầu cao dẫn đến giá thành năm nay cũng cao hơn hẳn so với năm ngoái. Giá bán lẻ năm nay là 150.000đ/kg, bán sỉ giao động từ 120.000-130.000 đồng/kg. Trong khi, giá cá chép đỏ năm ngoái từ 60.000-80.000 đồng/kg.Vì thế, năm nay người nuôi thắng lớn.

“Mỗi năm cơ sở cung cấp ra thị trường khoảng 50 tấn cá chép trước và sau Tết Nguyên Đán. Vì nuôi cá chép lâu năm với số lượng lớn nên từ khi xuống giống, cơ sở đã liên hệ với các mối quen đặt hàng đầu ra. Hiện tại cá chép tại đây đang được bán trong tỉnh, TP HCM, các tỉnh miền Tây và Tây Nguyên”, chủ cơ sở cá giống Trường Can cho biết.

Cá chép nơi đây luôn được thị trường ưa chuộng vì có màu đỏ óng, to đều, không có đốm đen. Người nuôi nơi đây thường có các mối quen nhằm đảm bảo đầu ra mỗi năm. Vì thế, khi giá cá chép đỏ tăng cao, các chủ ao chỉ tập trung bán cho mối quen. Thương lái không đặt trước dẫu ra giá cao cũng khó lòng mua được cá chép đỏ.

Ngày 21 tháng chạp, tần suất làm việc của người dân trở nên bận rộn hơn. Cá liên tục được thu hoạch và bán ra nhằm phục vụ cho các tiểu thương trong và ngoài tỉnh.

Tuy phải làm việc liên tục trong khoảng thời gian ngắn nhưng với giá bán cá chép đỏ năm nay, người dân làm việc trong tinh thần rất phấn khởi. Thắng lớn cuối năm giúp họ có được một mùa Tết ấm no sau khoảng thời gian dài ngưng trệ vì dịch bệnh.

Làng cá chép đỏ Sông Mây bắt đầu hình thành từ những năm 80 của thế kỷ trước. Tại đây, có khoảng hơn 20 hộ dân chuyên nghề nuôi cá chép đỏ để phục vụ cho ngày Tết ông Công, ông Táo. Tổng diện tích nuôi cá chép đỏ tại đây khoảng hơn 20 ha.

Tác giả: Quỳnh Hương

Nguồn tin: Doanh nghiệp & Tiếp thị

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP