Người dân nhận khoán đất của Công ty Nông nghiệp Xuân Thành muốn được trồng cây mía vì hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: QĐ |
Ngày 5.3, trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Ngọc Hoa cho biết tỉnh đang triển khai kế hoạch sắp xếp lại Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành (xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp) theo Nghị định 118/2020.
Phóng viên trao đổi về việc Công ty này trong quá trình hoạt động có nhiều quy định gây bức xúc cho người dân, nhiều hộ dân muốn giải thể Công ty để thoát khỏi gánh nặng đóng góp, ông Lê Ngọc Hoa cho biết các cơ quan chuyên môn của tỉnh đang trong quá trình triển khai việc đổi mới, sắp xếp Công ty nông nghiệp theo lộ trình của Chính phủ.
Nhiều người dân xã Minh Hợp muốn giải thể Công ty Nông nghiệp Xuân Thành vì doanh nghiệp này có nhiều quy định hà khắc. Ảnh: QĐ |
Như Lao Động đã thông tin, thời gian qua nhiều hộ dân nhận khoán đất của Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành phản ánh doanh nghiệp này buộc họ phải trồng chè theo quy hoạch. Trồng cây chè suất đầu tư rất cao (lên tới hàng trăm triệu đồng/ha), khó chăm sóc, thời gian chờ thu hoạch hơn 2 năm, giá chè thấp và bấp bênh, hiện tại, nhiều cơ sở thu mua chè sống dở chết dở vì khó xuất khẩu.
Trong khi người dân trồng cây mía suất đầu tư khoảng 20-30 triệu/ha, 1 năm cho thu hoạch, giá mía cao và ổn định thì Công ty lại không cho trồng trên đất quy hoạch cây chè.
“Việc trồng chè có tính chất ép buộc trong khi hợp đồng trồng cam chưa thanh lý, hợp đồng trồng chè chưa ký, Công ty không có sự hỗ trợ gì và cam kết giá bao tiêu sản phẩm làm chúng tôi lo lắng và bất bình” – một hộ dân tại xã Minh Hợp cho hay.
Ngoài ra, Công ty còn có nhiều chính sách hà khắc như thu phạt hàng trăm triệu đồng/ha khi người dân bắt buộc phải phá bỏ cây caosu để trồng cây khác, thu lãi tiền nghĩa vụ chậm đóng, thu nghĩa vụ đất đai quá cao...
Một hộ dân ở xã Minh Hợp, nhận khoán đất của Công ty Xuân Thành cho biết: “Công ty chẳng giúp được gì cho người dân, có hợp đồng giao khoán nhưng thực chất là khoán trắng, dân làm lời ăn lỗ chịu, Công ty chủ yếu chỉ lo thu nghĩa vụ đất đai và phạt dân. Ai cũng mong Công ty giải thể cho đỡ áp lực”.
Luật sư Trần Cao Thanh (TP HCM) cho biết: Điều 7 - Nghị định 118/2014 ngày 17.12.2014 về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp quy định giải thể công ty nông nghiệp trong trường hợp Công ty khoán trắng, giao khoán đất nhưng không quản lý được đất đai và sản phẩm trên diện tích chiếm từ 3/4 tổng diện tích đất công ty được giao, thuê.
“Nếu cơ quan chức năng có căn cứ xác định Công ty nông nghiệp khoán trắng cho người dân từ 3/4 tổng diện tích đất trở lên thì sẽ xem xét giải thể đơn vị này, trả đất về cho địa phương quản lý” - luật sư Trần Cao Thanh nói.
Tác giả: Quang Đại
Nguồn tin: Báo Lao Động