Cuộc sống

Giám đốc hồ hởi đưa thứ người tình trao đi xét nghiệm ADN, nhận kết quả "đúng là con mình" nhưng vẫn chết lặng

Không ít người mang mẫu đi xét nghiệm ADN với tâm trạng rất hồ hởi, nhưng khi có kết quả cùng huyết thống lại mang khuôn mặt buồn thiu.

Vị giám đốc bất chấp mọi thứ để mong có con trai

Dù đang là thời đại 4.0 nhưng không ít người vẫn còn mang nặng tư tưởng cũ, đặc biệt là vấn đề sinh con trai để nối dõi tông đường. Chính vì điều này mà nhiều gia đình tan vỡ hoặc họ sẵn sàng đi “gửi gắm” bên ngoài miễn sao có được con trai.

Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền (Hà Nội) cho biết bà gặp nhiều trường hợp, thậm chí có chức có quyền nhưng vẫn mang nặng tư tưởng trọng nam, khinh nữ. Họ sẵn sàng bất chấp công danh, gia đình chỉ để mong có được “thằng cu” nhang khói sau này.

Điển hình như trường hợp của anh Minh Thông, hơn 40 tuổi, hiện là giám đốc một doanh nghiệp ở Hà Nội. Anh Thông đã có gia đình, nhưng vợ anh sinh 3 lần đều là con gái. Vì điều này nên mâu thuẫn xảy ra, thậm chí anh công khai đi “kiếm con trai” và cuối cùng hai vợ chồng đường ai nấy đi.

Không còn gò bó chuyện gia đình, anh Thông như được “xổ lồng” trong chuyện tìm con trai nối dõi. Trong một chuyến công tác dài ngày ở Hải Phòng, anh Thông đã bị khuôn mặt khả ái và giọng nói ngọt ngào của Thu Hương đánh gục. Sau nhiều lần hẹn hò, chuyện gì đến cũng đã đến, hai người có “qua đêm” với nhau trước khi anh Thông về Hà Nội.

Người đàn ông sinh toàn con gái, tưởng sẽ có được con trai với người tình không ngờ kết quả ADN lại gây thất vọng. Ảnh minh họa.

“Về Hà Nội, chúng tôi vẫn trao đổi qua điện thoại với nhau. Rồi cô ấy thông báo có bầu, tôi vừa vui vừa hồi hộp. Nhẩm tỉnh thời gian thì cái thai cũng được 5 tháng, tôi về lại Hải Phòng muốn trực tiếp đưa Hương đi khám, nhưng cố ấy lấy đủ lý do để khước từ. Tôi chỉ gặp, trìu mến nhìn bụng bầu của người tình và nghĩ “ước gì là con trai”, anh Thông chia sẻ.

Thời gian trôi đi, đứa bé đã chào đời. Sinh con xong, Hương thông báo cho anh Thông rằng đứa bé là con trai. Anh Thông vội vàng đi thẳng tới viện nhưng trớ trêu thay, người mẹ trẻ giữ khư khư “của quý” của con, không cho anh xem hay sờ vào.

“Tôi ngắm đứa bé thấy có nhiều nét giống tôi nên mừng thầm. Vài lần tôi cho tay vào để kiểm tra, rồi lấy lý do thay tã nhưng cô ấy đều đẩy tay ra và hét lên: “Trời lạnh thế này anh không sợ con ốm sao? Thiếu gì lúc xem". Câu nói vừa dứt, y tá bế đứa bé về phòng sơ sinh vì hết giờ cho con bú. Thế là tôi hết cơ hội”, anh Thông kể lại.

Gần một tháng qua đi, anh Thông chưa thể kiểm chứng được đứa trẻ là trai hay gái. Cũng chính lý do ấy, anh Thông nghĩ rằng: “Không biết có đúng con của mình không?”. Do đó, anh quyết định nói chuyện với Hương, xin cuống rốn của con để sấy khô, giữ bên mình làm kỷ niệm, cho đỡ nhớ nhung khi không thể gặp. Hương không chút do dự, đồng ý ngay.

Sau khi có kết quả, bà Nga phải tư vấn khách hàng của mình về việc không nên từ bỏ đứa bé, vì đó là con ruột của mình.

“Dù trai hay gái đó cũng là con anh, đứa trẻ không có tội”

Mang cuống rốn về Hà Nội, anh Thông lập tức đi xét nghiệm ADN, mục đích chỉ để biết có phải con đẻ của mình hay không. Khi bà Nga thông báo kết quả: “Đứa con cùng huyết thống với anh. Tuy nhiên, cháu là con gái, sao anh lại khai là con trai?”. Lúc đó, anh Thông giật mình: “Sao lại là con gái? Trung tâm nhầm mẫu sao?”.

Bà Nga khi đó phân tích mẫu cuống rốn chuẩn 100% thì mới cho ra kết quả cùng huyết thống. "Mấy tuần vừa rồi, chỉ mình anh đưa cuống rốn đến làm xét nghiệm, kết quả chắc chắn là con gái", bà Nga khẳng định.

Anh Thông ngồi thụp xuống ghế, lẩm bẩm nói một mình: “Tôi bị lừa rồi. Chả trách lần nào tôi muốn xem “cậu nhỏ” của con, cô ấy đều tìm cách từ chối”.

Nghe tâm sự của anh Thông, bà Nga động viên dù không phải con trai nhưng đó vẫn là con anh. Có thể do Hương sợ anh thất vọng nên cố giấu, sau sẽ tìm cách nói với anh. “Con nào cũng là con, đứa bé chắc chắn là con anh rồi, anh nên có trách nhiệm và thương yêu cháu. Đừng vì giận mẹ cháu mà quên mất điều đó, tội nghiệp cho đứa trẻ. Nó hoàn toàn vô tội. Với thời đại này, ai còn quan trọng con trai, con gái nữa. Tôi khuyên anh trước khi đưa ra quyết định thì nên cân nhắc và cần xuất phát từ tình thương dành cho đứa con gái vô tội của anh”, bà Nga tư vấn với anh Thông.

Xét nghiệm ADN cuống rốn với trẻ sơ sinh là an toàn, hiệu quả, cho độ chính xác cao. Ảnh minh họa.

Theo các chuyên gia, mẫu cuống rốn hoàn toàn có thể dùng để xét nghiệm ADN huyết thống. Theo nguyên tắc di truyền, phôi thai được hình thành khi tinh trùng của cha gặp trứng của mẹ, ban đầu chỉ có một tế bào. Sau một quá trình, tế bào được nhân lên và phát triển thành các cơ quan. Do đó, các mẫu sinh học như máu, tóc có chân, móng chân, móng tay, cuống rốn… đều cho ra kết quả xét nghiệm ADN như nhau do được hưởng di truyền từ cha và mẹ giống nhau.

Hơn nữa, xét nghiệm trẻ ADN ở trẻ sơ sinh bằng mẫu cuống rốn thuận tiện, đơn giản, an toàn hơn rất nhiều so với lấy các mẫu khác. Bởi cuống rốn thường tự rụng sau khoảng 2 tuần kể từ khi chào đời, khi đó chỉ cần đợi cuống rốn rụng có thể đem đi xét nghiệm ADN.

Việc bảo quản mẫu cuống rốn cũng đơn giản, không yêu cầu phức tạp, chỉ cần để nơi khô thoáng, ở nhiệt độ phòng và không để mẫu cuống rốn vào túi nilon là có thể bảo quản mẫu trong vài năm.

Đặc biệt, mẫu xét nghiệm cuống rốn cho độ chính xác cao 100% đối với trường hợp không có quan hệ huyết thống và hơn 99.99999998% đối với trường hợp có quan hệ huyết thống.

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi

Tác giả: LÊ PHƯƠNG

Nguồn tin: phunuphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP