Gần như khắp các bản làng ở trong cái “Tam giác vàng” này đâu đâu cũng có những kẻ đổ đời bập vào ma túy. Buôn bán có, vận chuyển có, tiêu thụ, sử dụng ngay tại chỗ lại càng nhiều, chính vì thế mà cuộc chiến chống ma túy ở đây chưa bao giờ thôi nóng bỏng.
Đẩy mạnh tấn công tội phạm
Trong mấy năm gần đây, tình hình hoạt động tội phạm và các tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh Nghệ An tiếp tục có những diễn biến hết sức phức tạp. Lợi dụng địa hình đồi núi hiểm trở ở đường biên giới cộng với nhận thức còn hạn chế của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số sống cạnh biên giới, hoặc trong những cánh rừng sâu, các đối tượng buôn bán ma túy từ Tam giác vàng luôn tìm cách đưa ma túy về ém tại biên giới hai nước Việt - Lào, sau đó chúng tìm cách tuồn hàng vào nội địa Việt Nam rồi tiếp tục vận chuyển đến các nước thứ ba.
Thò Pạ Sáu bị bắt khi đang mang 15 bánh heroin, 2kg ma túy đá đi tiêu thụ |
Dọc theo đường biên giới của tỉnh phần lớn là những bản làng nép mình bên các cánh rừng già của người dân chạy dọc theo biên giới. Phía sau vẻ bình yên đó, các đối tượng buôn bán ma túy cộm cán ngày đêm tìm cách hoạt động vận chuyển ma túy. Đây là địa bàn nhiều đồi núi, giao thông đi lại khó khăn, cơ sở hạ tầng và đời sống của người dân còn nhiều thiếu thốn. Bên cạnh đó, tình hình di cư tự do, truyền đạo trái pháp luật và một số hoạt động tội phạm, như buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới; mua bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý; tàng trữ vũ khí... diễn biến phức tạp.
Với quyết tâm không để Nghệ An trở thành điểm nóng về ma túy, ngăn “dòng thác tử thần” chảy về Việt Nam từ phía bên kia biên giới bằng mọi giá, thời gian qua, các lực lượng chức năng của tỉnh đã liên tục mở các đợt truy quét lớn tại các địa bàn nổi tiếng phức tạp về ma túy. Trung bình mỗi năm, trên địa bàn tỉnh Nghệ An khám phá hơn 900 vụ án về ma túy, bắt giữ hơn 1.000 đối tượng. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, các lực lượng chức năng của tỉnh đã triệt xóa 25 đường dây mua bán trái phép chất ma túy lớn; phát hiện, bắt giữ 662 vụ, 832 đối tượng mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy.
Điển hình như ngày 30/01/2018, Phòng PC47 Công an tỉnh Nghệ An và Cục C47 Bộ Công an chủ trì, phối hợp Cục A70, A71 Bộ Công an, Phòng PC67, PC68, PA71 Công an tỉnh, Công an huyện Tương Dương, Công an thị xã Thái Hòa phá Chuyên án 218S, triệt xóa một đường dây mua bán trái phép chất ma túy từ Lào, trung chuyển qua địa bàn Nghệ An mang đi các tỉnh phía Nam tiêu thụ, bắt 2 đối tượng là Nguyễn Văn Đông (SN 1979, trú xã Nghĩa Mỹ, thị xã Thái Hòa) và Nguyễn Hữu Trinh (SN 1986, trú xã Nghĩa Hành, huyện Tân Kỳ), thu 20 bánh hêrôin, 5kg ma túy dạng đá, 1 xe máy, 1 con dao nhọn.
Đồng thời, các lực lượng chức năng cũng đã phát hiện, triệt xóa 1 điểm sản xuất, điều chế ma túy tổng hợp, dạng đá tại TP. Vinh, bắt 3 đối tượng; phát hiện, triệt xóa 19 đường dây mua bán trái phép ma túy tổng hợp với số lượng lớn, bắt 51 đối tượng, thu 42,8 kg ma túy dạng đá, 42.800 viên ma túy tổng hợp. Tiêu biểu ngày 29/3/2018, Công an TP. Vinh chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan phá 2 chuyên án 218M và 318Đ, triệt xóa 2 đường dây mua bán trái phép chất ma túy từ Lào về Nghệ An để đưa đi các tỉnh phía Bắc tiêu thụ, bắt 3 đối tượng, thu 8 kg ma túy dạng đá, 18.000 viên ma túy tổng hợp.
Các “ông trùm” ngày càng liều lĩnh
Sau nhiều đợt tấn công trấn áp tội phạm của các lực lượng chức năng, những đối tượng buôn bán ma tuý ở Nghệ An cũng bắt đầu chuyển sang hoạt động hết sức tinh vi và khó lường hơn. Địa bàn “nóng” nhất tập trung ở các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương và Quế Phong. Bởi, đây là những huyện miền núi biên giới vùng cao phía tây, tây bắc của Nghệ An, có đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào.
Lợi dụng sự hiểm trở với đường biên giới kéo dài, tiện xâm nhập và dễ rút chạy, các đối tượng là người Mông sinh sống bên Lào (Mông Lào) thường xuyên kéo sang dựng lều, lán và tổ chức mua bán ma túy. Có những thời điểm, các trùm ma túy là người Mông Lào có mặt tại khắp các khu vực Bù Con Cắng, khu vực Huổi Đô xã Mường Nọc, huyện Quế Phong; khu vực khe Cọ Hòa, bản Mồng, Châu Kim cũng của Quế Phong. Khu vực Pu Lôm, Pu Lộm xã Lượng Minh của huyện Tương Dương; khu vực rừng bản Muộng, bản Xiềng Lắm, xã Hữu Khuông của huyện Tương Dương.
Tang vật thu được trong Chuyên án 218S |
Càng tiến sâu vào đất Việt Nam, các đối tượng này càng trở nên dạn dĩ và manh động, mua bán, tổ chức sử dụng ma túy một cách công khai. Phương tiện liên lạc của chúng ngoài điện thoại di động, có những trùm ma túy còn sử dụng cả định vị toàn cầu. Các thiết bị này thường được nạp điện bằng những nguồn ắc quy, pin cực lớn. Qua điện thoại, các trùm thọc tay vào gần như toàn bộ các hoạt động của bọn “lâu la” cả bên này và bên kia biên giới.
Mỗi lần giao dịch trực tiếp, các “trùm” ma túy người Mông Lào cũng thực hiện theo cách thức rất... chuyên nghiệp. Ma túy, tiền do bán ma túy mà có chúng cho vào túi vải, 24/24 giờ đều mang bên vai. Mỗi lần tổ chức vận chuyển, mua bán số lượng lớn, chúng thường mang theo vũ khí và sẵn sàng chống trả lực lượng vây bắt, như trường hợp Thò Pạ Sáu (43 tuổi, giáo viên giáo viên Trường Tiểu học Tri Lễ 2, trú bản Minh Châu, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, Nghệ An).
Vào khoảng 19 giờ 30 phút ngày 22/4/2018, sau thời gian xác lập Chuyên án mang số 618H, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy (PC47), Công an tỉnh Nghệ An đã tổ chức vây bắt hai đối tượng vận chuyển ma túy từ Lào về Việt Nam, thuộc địa phận bản Na Pục (xã Châu Thôn, huyện Quế Phong).
Trong lúc vây bắt, một đối tượng đã bắn năm phát súng về phía các chiến sĩ công an để giải vây cho đồng bọn hòng lợi dụng đêm tối chạy trốn. Tuy nhiên, với sự mưu trí, dũng cảm, các chiến sĩ đã bắt gọn Thò Pạ Sáu mà không cán bộ nào bị thương tích. Ban chuyên án thu giữ tang vật 15 bánh heroin, 2kg ma túy đá, 8.000 viên ma túy tổng hợp, 400 đô la Mỹ và hai điện thoại di động.
Không chỉ liều lĩnh và manh động, các đối tượng còn lợi dụng vào sự thật thà, thiếu hiểu biết pháp luật của đồng bào để lôi kéo họ vào con đường phạm tội. Có nơi như bản Xốp Mạt (bản nằm ở ngã 3 sông Mạt, theo tiếng Mông gọi là Xốp Mạt) còn được mệnh danh là “bản không chồng” bởi rất nhiều đàn ông con trai của bản không dính đến nghiện ngập hỏng đời thì cũng tham gia buôn bán, vận chuyển ma túy. Có những bản chúng còn treo thưởng lấy ảnh của Trưởng Công an xã như thách thức với chính quyền và các lực lượng chức năng.
Vận động đồng bào nói không với ma túy
Nhờ quyết tâm và sự vào cuộc rốt ráo của nhiều ban ngành, lục lượng, bức tranh về đời sống, an ninh, chính trị của tỉnh Nghệ An cũng đã sáng sủa lên nhiều. Ngoài công tác đấu tranh, các lực lượng chức năng của tỉnh Nghệ An, đặc biệt là lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào nói không với ma túy. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã tập trung chỉ đạo các đơn vị, đồn trạm biên phòng trong tỉnh tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác phòng chống ma túy. Xác định rõ âm mưu, thủ đoạn của các trùm ma túy, lực lượng biên phòng thường xuyên phối hợp với lực lượng nước bạn Lào liên tục đánh sâu, đánh mạnh vào tận hang ổ của các đối tượng ma túy. Nhiều tấn tiền chất ma túy, hàng trăm bánh heroin, hàng ngàn bánh ma túy tổng hợp… cùng hàng trăm đối tượng đã bị bắt giữ. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia phong trào phòng chống ma túy với nhiều hình thức và biện pháp thiết thực.
Các đồn, trạm biên phòng còn tích cực vận động các già làng, trưởng bản và người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số tham gia vào công tác tuyên truyền, giúp cho mọi người hiểu rõ được hậu quả, tác hại của ma túy, hiểu biết để phòng chống ma túy. Công tác tuyên truyền cũng đa dạng với nhiều nội dung, hình thức phong phú, được lồng ghép trong các hội nghị sơ, tổng kết, các buổi tọa đàm, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao hay tại các phiên chợ... Nhờ đó, ý thức trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các địa phương và nhân dân về công tác phòng, chống ma túy được nâng lên rõ rệt, tạo được dư luận xã hội rộng khắp trong việc kiên quyết đấu tranh bài trừ tệ nạn ma túy.
Bên cạnh đó, các đồn biên phòng còn phối hợp với chính quyền các địa phương thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho nhân dân không tái trồng cây thuốc phiện, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh các trường hợp cố ý tái trồng cây thuốc phiện. Đồng thời tham mưu cho chính quyền địa phương tổ chức lồng ghép các chương trình xóa bỏ và thay thế cây thuốc phiện với các chương trình, dự án phát triển kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng, văn hóa-xã hội, y tế, giáo dục để từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân các xã biên giới qua đó góp phần vào việc giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn ma túy cũng như tội phạm ma túy.
Tác giả: Vân Phạm
Nguồn tin: Báo Công lý