Những giáo viên vùng cao Nghệ An đi cắm bản. |
Đẩy xe vào bản dạy học
Từ trung tâm của xã đi vào bản Sao Va, xã Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) chỉ với 10km nhưng cũng phải mất hơn 1 giờ đồng hồ chúng tôi mới đặt chân tới điểm lẻ của Trường Phổ thông cơ sở Bảo Thắng. Đây là điểm trường khó khăn thuộc diện bậc nhất của huyện biên giới Kỳ Sơn, với 4 thầy giáo cắm bản. Con đường gập ghềnh không thể nào nói hết được. Đoạn thì dốc dựng đứng, đá ngổn ngang, đoạn thì đất đỏ trơn trượt như muốn cản trở bước chân người.
Dường như đã trở thành thói quen, cứ thấy trời mưa phùn là 4 giáo viên cắm bản nơi đây lại mang chiếc xích dài ra quấn vào lốp xe. Theo thầy Lầu Bá Rùa thì đây là phương pháp hữu hiệu nhất để chống trơn. Tuy nhiên, mỗi lần đến trường họ cũng phải đi thành từng tốp để hỗ trợ lẫn nhau.
Trong bữa cơm tối đơn sơ bên ánh nến mập mờ, thầy giáo La Quang Pháp, một giáo viên mới vào ngành kể với chúng tôi rằng: Mới được đi dạy thầy đã xin lên nơi thâm sơn cùng cốc này. Ngày trước, những tưởng con đường cũng không đến nỗi khó khăn, nhưng mỗi lần mưa xuống, mấy anh em đi vào toàn phải 3 - 4 người thay phiên nhau đẩy từng chiếc xe qua vùng trơn trượt thầy mới hiểu được cái khó khăn vất vả của vùng đất ai nghe nói đến cũng đã khiếp sợ này. “Ba tháng em lên đây, ngày nắng ráo chỉ đếm được trên đầu ngón tay, còn lại toàn mưa gió. Em cũng chẳng nhớ mình đã ngã xe bao nhiêu lần nữa. Vào đến trường là quần áo, xe cộ chẳng khác chi mới đi làm ruộng về. Ấy vậy mà đi nhiều rồi cũng thành quen”, thầy Pháp chia sẻ.
Thầy giáo Lầu Bá Rùa vật lộn với cung đường khó để đến trường. |
Bên bát mì còn nghi ngút khói là bữa ăn chính dường như đã thành quen của giáo viên nơi đây, thầy Lầu Bá Rùa bảo rằng: “Nhà em ở tận xã Nậm Càn, cách đây hơn 60km. Tuần nào tranh thủ được em lại vượt rừng về nhà thăm gia đình 1 ngày rồi lại lên ngay. Ở đây mỗi lần đi vào hay đi ra anh em trong trường đều phải đi với nhau để còn giúp nhau nữa. Chứ đi một mình rất nguy hiểm, lỡ có ngã xe hay gặp trời mưa không có người khiêng xe cho là chỉ đứng mà khóc. Rồi những lúc thiếu thức ăn, anh em cũng phải tranh thủ xuống suối bắt con ốc, con cua, con cá để có cái mà cải thiện chứ không dám bỏ trường, bỏ lớp mà ra trung tâm xã”.
Từ trung tâm bản Sao Va, chúng tôi đi xe máy chừng 500m rồi gửi lại ở nhà một hộ dân. Gần 3 giờ đồng hồ leo từ núi này qua núi khác, rồi lại men theo những con suối chảy xiết khiến mồ hôi ướt đầm. Thấy thầy giáo đến, Cụt Văn Dần cùng đứa em đang chơi bên căn chòi nhỏ chạy nép vào một góc lý nhí chào. Bố mẹ Dần bảo rằng, do phải lo việc nương rẫy, con để ở nhà không có gì ăn nên phải mang theo chúng đi. Nghe nói vậy, thầy Pháp vội rút ra mấy tờ tiền dúi vào tay bố Dần để anh mua thức ăn dự trữ cho con. Sau câu chuyện, chúng tôi cùng học sinh xuống núi. “Thế đấy, đồng lương chẳng là bao nhưng phải trích ra để mong các cháu có thức ăn mà đến trường”, thầy Pháp thốt lên. Lời nói từ tận đáy lòng ấy khiến chúng tôi ấm áp biết dường nào.
Đặt tên cho thầy, cô giáo
Trên đỉnh Pu Lon, cách trung tâm xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) có hai bản người Mông cư trú, là bản Đống Trên và Đống Dưới. Nơi đây có độ cao 1.700m so với mực nước biển, khí hậu quanh năm lạnh giá. Cũng tại đây, vợ chồng thầy giáo Nguyễn Hồ Quang đã có thâm niên hơn 10 năm cắm bản.
Thầy Nguyễn Hồ Quang quê ở xã Yên Khêm, huyện Con Cuông (Nghệ An), còn vợ thầy, cô Võ Thị Minh Bình quê ở Cát Văn, Thanh Chương (Nghệ An). Tốt nghiệp ngành Sư phạm, thầy Quang và cô Bình cùng xin lên công tác tại đây. Hai người gặp nhau rồi đi đến hôn nhân nhờ những năm dài cùng cắm bản ở những nơi khó khăn nhất nhì của huyện.
Thầy giáo Nguyễn Hồ Quang đến nhà học sinh để hướng dẫn các em học bài. |
Qua những năm tháng miệt mài ở bản, giờ đây vợ chồng thầy Quang đã có thể nói tiếng Mông như một người Mông thực thụ. Thầy còn là cầu nối cho những người ở xuôi lên công tác, hay buôn bán với đồng bào dân tộc Mông. Quả thực, nhìn căn nhà gia đình thầy ở và những vật dụng trong nhà khó ai có thể phân biệt được đó là nhà của thầy giáo người Kinh lên đây dạy học. Giờ đây, mỗi lần có học sinh nghỉ học, chỉ cần thấy thầy, cô đến vận động là gia đình cho con đến trường ngay, bởi “thầy nói thì cũng như bà con trong bản mình nói thôi mà” (lời của một già làng).
Không chỉ nói được tiếng Mông như một người Mông thực thụ, thầy Quang còn viết được cả chữ viết của đồng bào. Nhiều năm liền, thầy tham gia dạy chữ viết cho học sinh người Mông.“Mình lên đây dạy ở cái bản khó khăn nhất của xã, thấy thương bà con và các em quá nên xin ở lại đây luôn. Bây giờ từng cái cây, ngọn cỏ trên dãy Pu Lon này đều quen thuộc quá rồi. Cái tên Hạ Chồng Của của mình bây giờ cũng là do bà con làm lễ đặt cho đấy”, thầy Quang thủ thỉ.
Nói về điều này, Trưởng bản Đống Trên và Đống Dưới, anh Hạ Bá Bì cho hay: Bà con dân bản thấy vợ chồng thầy Quang cắm bản lâu năm, lại xin chuyển hộ khẩu lên đây ở luôn với bà con, nên họ rất quý. Thầy lại thông thạo tiếng nói, chữ viết và cả phong tục, tập quán của người Mông nữa, nên mọi người mới xin ý kiến già làng tổ chức một buổi lễ đặt tên cho thầy. Đây là một tiền lệ chưa từng có ở bản Đống. Tất nhiên, già làng cũng đồng ý, vì thương thầy cống hiến cho bản làng mình đã lâu.
Vậy là dân bản mỗi người góp ít tiền mua con lợn về thịt để làm lễ xin cho thầy Quang được nhập họ và đổi sang tên người Mông. Sau buổi lễ, mọi người đều gọi thầy là Hạ Chồng Của. Đến bây giờ, thầy Quang vẫn rất tự hào vì mình có hai họ tên. “Nhiều người thấy như vậy cứ trêu đùa tôi là quên mất bản thân là người Kinh rồi. Nhưng tôi lại rất vui, vì đó là tấm lòng của bà con dân bản dành cho tôi. Còn gốc gác mình thì làm sao quên được”, thầy Quang nói.
Tác giả: Đào Thọ
Nguồn tin: Báo Dân tộc