Cô Bùi Thị Phượng, Tổ trưởng bộ môn Lịch Sử, trường THPT Tây Thạnh nhận xét: Cấu trúc nội dung đề thi môn Sử nằm trong chương trình lớp 11 và 12. Lớp 11 chiếm khoảng 20% kiến thức, còn lại nội dung chương trình lớp 12.
Đề có mức độ phân hóa rõ ràng cho đối tượng học sinh xét tốt nghiệp THPT, 70% kiến thức cơ bản, 30% câu hỏi dành cho thí sinh chọn xét vào các trường cao đẳng, đại học.
Thí sinh trăn trở dò lại bài thi |
Tôi chưa xem hết tất cả 24 mã đề, nhưng qua tiếp cận một số đề thi và từ phản hồi của học sinh tôi thấy; nếu so với đề thi THPT Quốc gia năm 2017, năm nay cách ra đề đảm bảo tính cân bằng về độ khó dễ giữa các mã đề, đó cũng là yếu tố đảm bảo tính công bằng cho thí sinh. Cách ra đề bám sát những nội dung giáo viên đã hướng dẫn trên lớp và tương tự như mẫu đề minh họa của Bộ. Đề có tính phân hóa, câu hỏi rõ nghĩa không làm khó học sinh, tiếc là ở phần mở rộng chưa có những câu hỏi mang tính thời sự, liên hệ thực tế … thiếu những câu hỏi từ giai đoạn đất nước đổi mới và mở cửa 1986 đến nay. Có thể đánh giá đây là một đề thi “an toàn” cho học sinh.
Qua đề thi năm nay, cá nhân tôi còn chút trăn trở, thiết nghĩ đối với môn khoa học xã hội đặc thù như môn Sử, cần có những câu hỏi mang tính đột phá hơn, thay vì chỉ xoay quanh kiểm tra kiến thức, sự kiện thì cần thiết cho học sinh nhận thức và liên hệ giữa quá khứ và những vấn đề thực tại. Bởi nhìn chung có thế thấy rằng, “lỗ hổng” của học sinh Việt Nam mình trong học tập thi cử chính là ở chỗ; kiến thức, sự kiện thì nắm vững, nhưng tư duy nhận thức thực tế lại còn hạn chế. Do đó, qua cách ra đề thi THPT Quốc gia, giáo viên sẽ có cơ sở thiết thực hơn để định hướng, giáo dục nhận thức cho học sinh một cách đầy đủ, khách quan nhất về những vấn đề chính trị xã hội trong bối cảnh trong nước và xu thế phát triển của thế giới hiện nay.
Thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia 2018 |
Cô Phạm Thị Hoài Thương, Tổ trường môn Sử, Trường THPT Nhân Việt đánh giá, các câu hỏi trong đề Sử giống với đề tham khảo mà Bộ GD-ĐT công bố. Nội dung các câu hỏi phù hợp với năng lực học sinh, không vượt quá kiến thức phổ thông.
Một trong những đáng chú ý là các câu hỏi trong đề được sắp xếp theo thứ tự từ đơn giản đến phức tạp, theo mức độ tăng dần biết, hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao. Khoảng 20 câu đầu là các câu cơ bản, học sinh trung bình nắm chắc kiến thức có thể làm được. Sau đó các các câu hỏi tăng dần độ khó, yêu cầu học sinh phải có khả năng tổng hợp kiến thức để giải quyết.
Cô Hoài Thương nhận xét, đây là một đề thi có sự phân hóa tốt, điểm trung bình học sinh có thể đạt 5 - 6 điểm, học sinh khá có thể đạt 7, số điểm cao hơn sẽ thuộc về các em có khả năng học tốt Sử.
Tác giả: Lê Phương - Hoài Nam
Nguồn tin: Báo Dân trí