Nhờ vợ trở thành “nhà thiết kế”
Anh Nguyễn Hữu Quý lớn lên từ một vùng quê nghèo huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Do cuộc sống mưu sinh, anh đã phải chật vật, bươn chải rất nhiều công việc khác nhau để kiếm tiền.
Anh từng làm công nhân nhà máy giấy, đi buôn rồi lại chuyển sang làm thợ gò hàn, nhôm kính... Mặc dù trải qua rất nhiều nghề, nhưng chưa bao giờ anh Quý lại nghĩ mình trở thành người thiết kế, sản xuất, làm đồ dùng đồ chơi cho em nhỏ và học sinh.
Cơ sở sản xuất nhỏ của gia đình anh Quý. |
“Đến với nghề chế tạo đồ chơi là một cơ duyên. Mục đích ban đầu của tôi là giúp vợ. Bởi vì vợ tôi làm giáo viên mầm non nên ngày thì đi làm, tối thì cắt cắt dán dán thiết kế đồ dùng đồ chơi cho các cháu, nhìn thương vợ lắm”, anh Quý cười nhớ lại.
Thời điểm đó, công việc của anh Quý chưa ổn định, có nhiều thời gian rảnh rỗi. Với bàn tay trải qua nhiều nghề của mình nên anh tự nguyện sử dụng một số phế liệu, vật dụng cũ chế tạo thành đồ chơi nhỏ để giúp vợ có giáo cụ giảng dạy ở nhà trường.
Anh Quý cũng không ngờ mình sẽ có bước ngoặt làm đồ chơi. |
Anh Quý không ngờ, sản phẩm của mình đã được các cháu và thầy cô yêu thích, thậm chí dự cuộc thi cấp tỉnh và xuất sắc dành được giải ba. Từ đó, đã rất nhiều giáo viên các trường khác cũng tò mò về bộ đồ chơi này và đề nghị được hỗ trợ, giúp đỡ.
“Lần đầu tiên nhận được đơn đặt hàng của các cô giáo mầm non, tôi vừa mừng vừa lo, thậm chí còn chưa dám gật đầu lập tức mà về bàn với vợ. Vì nghề này còn mới và bấp bênh, cũng chưa tính được thu nhập thế nào. Nhưng sau được sự động viên của vợ và sự tư vấn của một số thầy cô nữa, nên tôi quyết định làm”, anh Quý cười.
Những món đồ vô cùng ngộ nghĩnh và đáng yêu. |
Sau hơn 10 năm gắn bó với nghề, đến thời điểm này thì các sản phẩm, mẫu đồ chơi của anh Quý đã rất nhiều. Anh Quý không thể nhớ và kể hết đã làm được bao nhiêu nữa. Chỉ biết, hàng sản xuất đến đâu, tiêu thụ đến đấy, không mẫu nào giống mẫu nào và khách hàng thì càng ngày càng được mở rộng thêm.
Trăn trở với nghề
Hiện nay, anh Nguyễn Hữu Quý đã có một cơ sở sản xuất đồ chơi nằm tại khối 7, thị trấn Thanh Chương, huyện Thanh Chương. Đây cũng là một dãy nhà cũ của trường mầm non trước đây.
Chỉ cho chúng tôi những con vật, búp bê, các loại cây cảnh, hoa quả,… anh Quý cho biết tất cả đều được thiết kế từ những những nguyên vật sẵn có như thanh nứa, vỏ ngao, vỏ hến, các chai lọ bỏ đi hay thậm chí ngay cả từ cọng rơm,…
Các món đồ do anh Quý sản xuất thu hút khách đến xem. |
Được tận mắt nhìn những con tôm, con cá rồi đến những bình hoa rất cầu cầu kỳ, được làm từ mớ rơm, thanh nứa,… mới thấy sự sáng tạo của người nông dân “xứ Nhút”. Chính bằng đôi tay khéo léo đó, người thợ này cũng có thể biến những chiếc lốp xe thành những con thú hình mặt cười ngộ nghĩnh, biến chai lọ thành những chậu hoa, thành những con gà hết sức dễ thương.
Anh Quý cho biết, để làm được những sản phẩm đó, yêu cầu đầu tiên phải có sự đam mê cộng chút sáng tạo, từ đó dần dần mới làm ra được nhiều sản phẩm khác nhau. Đó là những đồ dùng hết sức gần gũi trong cuộc sống thường trực và được nhều người rất thích và họ biết đến.
Cơ sở của anh cũng tạo việc làm cho nhiều người lao động. |
Thực sự gắn bó với nghề, anh Quý tự nhận là không dễ dàng. Bởi thế, nên dù có kinh nghiệm nhiều năm nhưng anh luôn đòi hỏi bản thân phải thay đổi không ngừng để thích ứng với nghề.
“Ngày xưa, ví dụ như là một cái xe, chỉ cần mình làm ra giống như được cái xe đó là được. Nhưng bây giờ nắm bắt được tâm lý của trẻ nhỏ, đòi hỏi phải chuyển động và tháo lắp được các bộ phận để cho các cháu có tính sáng tạo. Nhất là để khi chơi cùng với các đồ dùng, sản phẩm đó, các em sẽ dễ nhận thức được như thế nào là thuyền, đâu là tàu, đâu là bè. Điều tôi muốn nhất là đem lại niềm vui cho con trẻ”, ah Quý tâm sự.
Các sản phẩm làm hoàn toàn bằng thủ công nên rất độc đáo. |
Do nhu cầu sử dụng cao nên vào những ngày “cao điểm”, số lượng đặt hàng tăng cao, anh phải huy động một số bạn bè cùng nhân viên, những người cùng đam mê đến tham gia và hỗ trợ.
Chị Trần Thị Hoài là một trong những người gắn bó với nghề từ hồi đầu lập xưởng, một phần là có thu nhập, nhưng quan trọng hơn là chị cũng rất yêu thích việc này. “Nhìn các cháu vui đùa với những đồ chơi do xưởng chúng tôi làm ra ai mà không vui cho được. Đây là các đồ chơi phù hợp với trẻ nhỏ dễ tích hợp vào các hoạt động học và chơi. Điều đặc biệt là an toàn và vô cùng tự nhiên”, chị nói.
Tác giả: Công Dũng - Quốc Diện
Nguồn tin: Báo Người đưa tin