Những nỗ lực của nhà đầu tư
Dự án đầu tư di chuyển, nâng cấp đoạn đê Cầu Dâu tại huyện Đô Lương được đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 5924/QĐ.UBND-NN ngày 8/12/2010 do Công ty CP Xây dựng - Dịch vụ tổng hợp Lam Sơn làm chủ đầu tư với tổng diện tích 16 ha, tổng trị giá đầu tư 130 tỷ đồng.
Theo thiết kế dự án, có 2 khu tái định cư nhằm giải quyết cho 98 hộ dân của thị trấn Đô Lương ra khỏi vùng lũ lụt.
Hạ tầng dự án nâng cấp đê Cầu Dâu (Đô Lương) đang trong quá trình hoàn thiện. Ảnh: V.T |
Tuy nhiên, do dự án kéo dài nên đến nay đã phát sinh đầu tư 250 tỷ đồng (trong đó 100 tỷ đồng đầu tư xây dựng khu đô thị, 150 tỷ đồng đầu tư xây dựng đê và công tác tái định cư).
Hiện, đơn vị thi công đã hoàn chỉnh hạ tầng cho khu phân lô bán nền và khu tái định cư; hoàn thành 90% san nền, làm xong phần nền đường, rải thảm nhựa 1,2 km. Xây dựng được trung tâm xử lý nước thải, 3 km mương thoát nước thải; hoàn thiện hệ thống điện chiếu sáng và điện sinh hoạt. Xây dựng xong tuyến đê mới chống lụt dài gần 1.800 mét, mặt đê rộng 6 mét, mặt đê đã rải đá dăm, bạt mái 2 bên trồng cỏ.
Đến thời điểm này, dự án đã tiếp nhận trên 76 hộ dân tái định khu vực ngoài đê vào xây dựng nhà cửa. Việc hoàn thành khu tái định cư số 1 thuộc dự án đê Cầu Dâu, huyện Đô Lương sẽ giải quyết cho các hộ dân khu vực ở thị trấn thoát cảnh ngập lụt khi mùa mưa lũ tới.
Khó khăn cần tháo gỡ
So với yêu cầu đặt ra, dự án đầu tư di chuyển nâng cấp đê Cầu Dâu, huyện Đô Lương chậm tiến độ, kéo dài gần 10 năm chưa xong là do khó khăn khâu giải phóng mặt bằng.
Hiện nay vẫn đang còn những khó khăn cần các ngành và chính quyền địa phương tháo gỡ. Cụ thể là dự án đang còn “vướng” giải phóng mặt bằng khoảng gần 1 ha đất do chưa đền bù xong, và một phần là người dân lấn chiếm. Chủ đầu tư đề nghị UBND huyện Đô Lương nhanh chóng có giải pháp hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để nhà đầu tư hoàn thành dự án. Ông Nguyễn Văn Mão - Giám đốc Công ty CP Xây dựng - Dịch vụ tổng hợp Lam Sơn |
Bất cập nữa là trong quá trình thi công, một số ngành liên quan đã đề nghị dự án phải thực hiện theo hình thức xây dựng nhà để bán.
Ông Nguyễn Văn Mão - Giám đốc Công ty cho rằng: Dự án đầu tư di chuyển, nâng cấp đoạn đê Cầu Dâu tại huyện Đô Lương được đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) đã được UBND tỉnh phê duyệt. Hợp đồng được ký giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình hạ tầng.
Tuyến đê của dự án nâng cấp đê Cầu Dâu đã hoàn thành đang chờ bàn giao. Ảnh: V.T |
Sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư chuyển giao cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và được thanh toán bằng quỹ đất, trụ sở làm việc, tài sản kết cấu hạ tầng hoặc quyền kinh doanh, khai thác công trình, dịch vụ để thực hiện dự án khác.
Vì vậy, đối với loại hình xây dựng nhà để bán, theo quy định của ngành liên quan, dự án nằm tại các khu vực thuộc các thành phố đặc biệt. Trong khi dự án di chuyển, nâng cấp đoạn đê Cầu Dâu lại nằm tại khu vực thị trấn loại 5, một phần diện tích của xã Tràng Sơn.
Theo đó, nhà đầu tư không chấp nhận thực hiện loại hình xây dựng nhà để bán mà đề xuất ngành liên quan vẫn giữ nguyên hình thức đã được tỉnh phê duyệt, phân lô bán nền để thu hồi vốn.
"Dự án di chuyển, nâng cấp đoạn đê Cầu Dâu sẽ góp phần mở rộng không gian thị trấn, tạo điểm nhấn cảnh quan đô thị. Để dự án sớm hoàn thành chúng tôi sẽ đồng hành với nhà đầu tư tháo gỡ những khó khăn, đặc biệt là tập trung giải phóng mặt bằng để đưa công trình vào sử dụng". Ông Hoàng Văn Hiệp - Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương. |
Hiện nay, tuyến đê mới chống lụt của dự án đã xây dựng hoàn chỉnh và sẽ tiến hành bàn giao trong thời gian khoảng hơn 10 ngày tới. Tuyến đê cũ sẽ được ngành chức năng nghiên cứu giải tỏa, tạo cảnh quan cho vùng đô thị mới này. Vấn đề mấu chốt là nhà đầu tư mong muốn ngành chức năng, chính quyền địa phương cần nhanh chóng tháo gỡ khó khăn để dự án này sớm đưa vào sử dụng.
Tác giả: Văn Trường - Lâm Tùng
Nguồn tin: Báo Nghệ An