|
Kinh tế biển của Nghệ An chưa tương xứng với tiềm năng
Với 82km bờ biển và diện tích vùng biển lên tới 761.000km2, cùng 6 cửa lạch lớn nhỏ và một số bãi biển đẹp, Nghệ An có lợi thế rất lớn để phát triển kinh tế biển. Việc nâng tầm, đưa kinh tế biển trở thành mũi nhọn, tạo động lực để Nghệ An cất cánh là yêu cầu bức thiết.
Với 82km bờ biển, Nghệ An có lợi thế rất lớn để phát triển kinh tế biển. |
Năm 2021, tỷ trọng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 địa phương vùng ven biển của tỉnh Nghệ An, gồm: Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Tx. Cửa Lò, Tx. Hoàng Mai và Tp. Vinh (quy hoạch thành đô thị biển) đã đóng góp đến 50,44% GRDP của cả tỉnh; các địa phương còn lại chỉ chiếm 49,56%.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2021 đạt 69,05%. Tổng sản lượng khai thác thủy sản vùng ven biển năm 2021 là 192.970 tấn. Sản lượng nuôi trồng thủy sản vùng ven biển năm 2021 là 26.877 tấn. Do vậy, vùng ven biển đang là động lực rất quan trọng cho kinh tế Nghệ An phát triển.
Tuy nhiên, phát triển kinh tế biển của Nghệ An chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, chưa có tính đột phá. Tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế hàng năm còn thấp. Ngoài ra, việc thu hút các nhà đầu tư có quy mô lớn vào phát triển kinh tế biển còn gặp khó khăn; kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng với nhu cầu phát triển.
Một mũi nhọn khác của kinh tế biển là phát triển dịch vụ vận tải biển. Nghệ An là tỉnh sớm có lợi thế về cảng biển trong khu vực với cảng quốc tế Cửa Lò được đầu tư đồng bộ. Cảng được xây dựng từ năm 1979, đến năm 1985 đưa vào khai thác sử dụng với quy mô ban đầu 4 bến cho tàu 10.000 ÷ 25.000 tấn.
Thế nhưng, đến nay, trong tương quan với 2 tỉnh bên cạnh là Thanh Hóa và Hà Tĩnh, hệ thống cảng biển ở Nghệ An đang bị tụt hậu. Trong đó, cảng nước sâu Nghi Sơn (Thanh Hóa) và cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh) được đầu tư mới, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu của các loại tàu siêu trường, siêu trọng. Đây là điều mà cảng Cửa Lò và một số cảng khác ở Nghệ An chưa có được.
Trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh, biển Cửa Lò đón khoảng 180.000 lượt khách, trong đó khách lưu trú khoảng 67.000 lượt khách. |
Mũi nhọn kinh tế biển khác mà tỉnh Nghệ An tập trung là du lịch biển. Với những bãi biển đẹp, cảnh quan hoang sơ, các bãi như: Cửa Lò, Bãi Lữ, Diễn Thành, biển Quỳnh... luôn là điểm đến hấp dẫn với du khách muôn phương. Thế nhưng, thực tế, du lịch biển Nghệ An vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An cho rằng du lịch biển những năm gần đây có mặc dù có khởi sắc nhưng vẫn còn một số hạn chế là thiếu điểm nhấn và tính liên kết trong tổ chức các sự kiện để giữ chân du khách.
"Đi Thanh Hóa hoặc Hà Tĩnh mới thấy được sự thay đổi chóng mặt về ngành du lịch các tỉnh bạn. Xác định ngành du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng sự đầu tư vào của chúng ta chưa được nhiều. Gần 10 năm nay, Nghệ An không có nhà đầu tư nào về du lịch đầu tư một cách chuyên nghiệp", ông Cường nói.
Tuy nhiên, hiện du lịch biển vẫn thiếu điểm nhấn và tính liên kết trong tổ chức các sự kiện để giữ chân du khách. |
Trước đây, Nghệ An cũng từng là một điểm sáng của miền Bắc về nuôi trồng thủy sản và phát triển tôm giống. Thế nhưng, đến nay, ngành này đang có dấu hiệu chững lại, khó bứt phá.
Nguyên nhân chính là vì đầu tư hạ tầng không cơ bản và tính liên kết cộng đồng yếu kém nên sau một thời gian khai thác tự nhiên nuôi tự phát, môi trường nuôi suy thoái nên dịch bệnh triền miên, thua lỗ. Khu vực Quỳnh Lưu - Hoàng Mai có thời điểm phát triển đến 22 trại sản xuất tôm giống nhưng đến nay số cơ sở trụ lại chỉ còn trên đầu ngón tay...
Nghề cá ở Nghệ An đang có dấu hiệu thoái trào do chi phí đắt, lao động trẻ không mặn mà đi biển. |
Nếu như giai đoạn 2014 - 2018, nghề đánh bắt xa bờ thực sự bùng nổ với đội tàu xa bờ được đóng mới liên tục, năng suất và giá cả đạt đỉnh thì từ năm 2019 đến nay, việc đánh bắt kém hiệu quả, nghề cá đang có dấu hiệu thoái trào.
Từ đội tàu đánh bắt trên 3.700 chiếc, trong đó gần 1.400 tàu đánh xa bờ có chiều dài từ 15m trở lên, đến nay tỉnh chỉ còn 1.161 chiếc và hàng năm không có tàu đóng mới. Nghề sửa chữa, đóng tàu trên địa bàn vì thế cũng rơi vào khó khăn. Hàng loạt các xưởng, cơ sở đóng tàu thuyền buộc phải đóng cửa.
Cần nhanh chóng đầu tư cơ sở hạ tầng để đột phá kinh tế biển
Hiện nay, Công ty CP WhA Industrial Zone1 - Nghệ An, Công ty TNHH VSIP Nghệ An, Công ty Cổ phần Hoàng Thịnh đã đầu tư hạ tầng khu công nghiệp và thu hút các nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào tỉnh Nghệ An.
Tuy nhiên, thực trạng cơ sở hạ tầng của tỉnh còn nhiều bất cập đã ảnh hưởng đến việc chọn lựa địa phương để đầu tư của các nhà đầu tư. Đặc biệt, thực trạng hạ tầng cảng biển tại Nghệ An chưa đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường biển.
Cảng Cửa Lò đang khai thác với tàu 20.000 - 30.000 DWT giảm tải, sản lượng khoảng 6 triệu tấn/năm. Trong khi đó, nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh Nghệ An trong giai đoạn tới là 20 - 30 triệu tấn nên không đảm bảo được yêu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa. Do đó, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu phải đi qua các cảng khác.
Hạ tầng Cảng nước sâu Cửa Lò chưa tiếp nhận được các tàu biển có trọng tải trên 50.000 DWT. |
Bên cạnh đó, Cảng Hàng không quốc tế Vinh chưa đáp ứng được nhu cầu phục vụ khách hàng, nhiều thời điểm quá tải tại khu vực check-in. Nhà ga hành khách quốc tế chưa đảm bảo yêu cầu do đang sử dụng từ nhà ga cũ cải tạo.
Sân bay Vinh cũng chưa có nhà ga hàng hóa, khu vực hangar sửa chữa; số lượng sân đỗ chỉ đáp ứng được tối đa 6 máy bay, trong khi có những thời điểm cần 8 đến 9 vị trí đỗ; đường cất hạ cánh hiện hữu dài 2.400m chỉ đáp ứng cho các loại máy bay A320/A321 (máy bay code C) hoặc tương đương, không tiếp nhận được các loại máy bay thân lớn code E như A350, B777, B787…
Năng lực phục vụ chuyến bay/giờ thấp (1 giờ phục vụ được 4 chuyến bay, tối đa là 5 chuyến bay), chất lượng mặt đường cất hạ cánh đã xuống cấp, thường xuyên phải duy tu sửa chữa; chưa có hệ thống đường lăn song song ảnh hưởng đến thời gian cất hạ cánh các chuyến bay.
Cảng Hàng không quốc tế Vinh chưa đáp ứng được nhu cầu phục vụ khách hàng. |
Đứng trước những kỳ vọng về kinh tế vùng ven biển, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số về thực hiện Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong đó, Nghệ An sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế biển và ven biển theo hướng chú trọng phát huy lợi thế của tỉnh với các địa phương khác. Cụ thể, tập trung vào các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên, bao gồm: công nghiệp ven biển; kinh tế hàng hải; du lịch biển; nuôi trồng và khai thác hải sản; khai thác khoáng sản biển,...
Để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Nghệ An đang xúc tiến các bước để triển khai đầu tư các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh, như: Cảng Hàng không quốc tế Vinh; dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh Cảng nước sâu Cửa Lò tại xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc; dự án Đầu tư xây dựng cầu dẫn nối Quốc lộ 7C với Cảng nước sâu Cửa Lò.
Nghệ An đặt mục tiêu đến năm 2030, kinh tế của vùng ven biển chiếm khoảng 57 - 60% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) và bình quân tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 12,5 - 13,5%/năm. |
Đón đọc: Gỡ "nút thắt" cho kinh tế biển Nghệ An - Bài 2: Giải quyết điểm nghẽn dự án đường ven biển