Tin trong tỉnh

Gỡ vướng dự án “treo” ở Nghệ An

Quá trình vươn lên trở thành trung tâm kinh tế - chính trị - xã hội vùng Bắc Trung Bộ của Nghệ An đang gặp phải trở ngại do địa phương này hiện vẫn còn tồn tại nhiều dự án “treo” suốt nhiều năm qua.

Dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải Cửa Lò sau nhiều năm vẫn chưa thể bàn giao, đưa vào sử dụng

Hiện nay, tỉnh Nghệ An có rất nhiều dự án bị “bỏ hoang” từ năm này qua năm khác. Điều này không chỉ làm cho cảnh quan môi trường đô thị bị phá vỡ, mà còn gây ra những hệ lụy khác, như: Lãng phí nguồn tài nguyên, gây nợ đọng thuế, làm ảnh hưởng đến môi trường, đời sống của nhân dân,…

Nhiều dự án “treo”

Quay trở lại khoảng 8 năm về trước, Thị xã Cửa Lò được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế nên được tỉnh rất quan tâm, quy hoạch trọng điểm. Thời điểm đó, dự án Khu nhà ở biệt thự Nam Hòa ở phường Nghi Hòa, Thị xã Cửa Lò được kỳ vọng sẽ tạo điểm nhấn cho phố biển thêm khang trang, hiện đại hơn. Thế nhưng, đã gần một thập kỷ trôi qua, dự án này vẫn còn đang dang dở.

Mặc dù dự án Khu nhà ở biệt thự Nam Hòa nhiều lần bị tỉnh Nghệ An “điểm mặt, chỉ tên” tại danh mục các dự án “treo”, chậm tiến độ cần phải kiểm tra, xử lý; thế nhưng không hiểu vì sao dự án này vẫn tiếp tục nhận được nhiều “ưu ái” từ phía chính quyền?

Đơn cử như ngày 16/7/2020, dự án Khu nhà ở biệt thự Nam Hoà được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 2345/QĐ-UBND; với tổng diện tích khu đất xây dựng vẫn giữ nguyên nhưng số căn biệt thự lại tăng vọt… gần gấp 4 lần. Cụ thể, phần đất dành cho cây xanh, thể thao, nhà văn hoá từ 1.343m2 giảm xuống chỉ còn 646,56m2; trong khi đó, phần đất xây nhà ở tăng từ 52 lô lên 196 lô, mật độ xây dựng từ 30 - 50% tăng lên 85%, tầng cao trung bình từ 2 - 3 tầng tăng lên 5 tầng.

Không chỉ vậy, dự án này tiếp tục được tỉnh cho phép điều chỉnh tiến độ thêm 24 tháng kể từ ngày 20/02/2023. Tuy nhiên, với những bất cập nêu trên, liệu rằng 24 tháng có đủ cho chủ đầu tư hoàn thành dự án như đã cam kết hay lại tiếp tục xin điều chỉnh, gia hạn tiến độ?

Ngoài ra, có hàng loạt dự án khác cũng “treo” nhiều năm trên địa bàn tỉnh Nghệ An, được chỉ rõ tại các kỳ họp, phiên chất vấn, đơn cử như: Dự án quần thể du lịch sinh thái, biệt thự nghỉ dưỡng, khu vui chơi thể thao, giải trí Lan Châu - Song Ngư được triển khai từ năm 2014 nhưng đến nay gần 10 năm vẫn chưa xong; dự án Nam Đàn Plaza tại trung tâm huyện Nam Đàn, sau 12 năm triển khai đã rơi vào bế tắc; 14 dự án nhà máy nước trên toàn tỉnh nằm “đắp chiếu” suốt nhiều năm trời, trong khi đã đầu tư hơn 300 tỷ đồng,...

Cần giải pháp tháo gỡ

Qua trao đổi, làm rõ kiến nghị của các đại biểu trong chương trình đối thoại vừa qua, ông Nguyễn Đức Trung – Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: “Quan điểm của tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với những dự án chậm tiến độ, không thực hiện theo nội dung đầu tư là xử lý kiên quyết, đảm bảo đúng quy định. Tuy nhiên, việc xử lý các dự án này còn có những vướng mắc liên quan đến xử lý tài sản nên tỉnh sẽ xem xét vấn đề một cách thận trọng trong quá trình xử lý. Hiện, UBND tỉnh đang giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các ngành rà soát đối với các dự án chậm tiến độ để đưa ra giải pháp xử lý.

Được biết, trong những năm qua, Nghệ An đã ban hành nhiều quyết định xử lý thu hồi, hủy bỏ chủ trương đầu tư và điều chỉnh nhiều đồ án quy hoạch. Điển hình như: Ngày 12/10/2022, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 466/QĐ-UBND về vệc thu hồi hơn 36 héc-ta tại phường Nghi Hương, TX Cửa Lò thuộc Dự án Trường Đại học Công nghệ Vạn Xuân. Hay như tại Nghị quyết số 64/NQ-HĐND mà HĐND tỉnh Nghệ An ban hành cuối năm 2022 nêu rõ về việc quyết định thu hồi gần 800 ha đất của hơn 340 công trình, dự án trên địa bàn…

Mặc dù quyết liệt là vậy, nhưng trên thực tế, tỉnh Nghệ An vẫn chưa xóa được tận gốc vấn đề dự án “treo”. Theo ý kiến từ nhiều chuyên gia, việc cần làm của địa phương là phải tiến hành rà soát, phân loại dự án, xem ách tắc ở đâu, trách nhiệm thuộc về ai? Đồng thời, cương quyết xử lý mạnh tay thì mới có thể ngăn chặn được tình trạng lãng phí nguồn lực đất đai.

Ngoài ra, cần phải có cơ chế công khai minh bạch cho người dân giám sát. Các thông tin đầu tư, quy hoạch phải được phổ biến rộng rãi. Thậm chí, chính quyền địa phương cần hướng dẫn người dân cách thức kiến nghị nếu phát hiện ra vi phạm trong sử dụng đất đai của các tổ chức, cá nhân và trả lại quyền lợi cho người dân.

Tác giả: Hồng Quang

Nguồn tin: diendandoanhnghiep.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP