Ông Lê Văn Quang - người sáng lập Tập đoàn Thủy sản Minh Phú - Ảnh: MPC |
"Vua tôm" sắp chi hàng trăm tỉ đồng trả cổ tức
Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) vừa thông báo ngày đăng ký cuối cùng nhận cổ tức năm 2023 bằng tiền.
Theo đó, MPC chốt chi trả với tỉ lệ 7,5%, tức mỗi cổ phiếu cổ đông sẽ nhận về 750 đồng vào ngày 9-1-2025. Còn ngày đăng ký cuối cùng để hưởng cổ tức vào ngày 10-12 tới.
Thủy sản Minh Phú đang có 401 triệu cổ phiếu lưu hành. Như vậy, doanh nghiệp thủy sản này sẽ phải chi hơn 300 tỉ đồng trả cổ tức đợt này. Nguồn tiền lấy từ lợi nhuận sau thuế hợp nhất chưa phân phối.
Theo báo cáo thường niên năm 2023, ông Lê Văn Quang - tổng giám đốc MPC - nắm hơn 64,28 triệu cổ phiếu, tương ứng 16,07% vốn doanh nghiệp.
Còn bà Chu Thị Bình - vợ ông Quang và là chủ tịch hội đồng quản trị kiêm phó tổng giám đốc công ty - nắm hơn 70,22 triệu cổ phiếu, tương ứng 17,56% vốn.
Như vậy, ước tính trong đợt chia cổ tức này, riêng vợ chồng ông Quang và bà Bình sẽ nhận về hơn 100 tỉ đồng.
Theo nghị quyết đại hội đồng cổ đông năm 2024, MPC chốt chi trả cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỉ lệ từ 0 đến 10%/cổ phiếu. Năm ngoái, lợi nhuận sau thuế hợp nhất chưa phân phối của PMC là hơn 775 tỉ đồng.
Dữ liệu: BCTC |
Là nhà xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam, Thủy sản Minh Phú có lịch sử hoạt động kinh doanh hiệu quả khi liên tục báo lãi cao. Trước khi thua lỗ năm 2023, PMC báo lãi sau thuế hơn 832 tỉ đồng trong năm 2022 và mức lãi ròng cao nhất ghi nhận lên tới 921 tỉ đồng năm 2014.
Sang 9 tháng đầu năm nay, doanh thu của "vua tôm" đạt hơn 10.851 tỉ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ, còn lỗ sau thuế hơn 44,4 tỉ đồng, giảm so với mức lỗ 114 tỉ đồng cùng kỳ.
"Nữ hoàng cá tra" tạm ứng cổ tức sau khi đạt mục tiêu lợi nhuận
Một doanh nghiệp thủy sản khác cũng chốt quyền chia cổ tức với tỉ lệ cao nhất trong tuần này là Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC).
Theo đó, VHC sẽ tạm ứng cổ tức năm 2024 bằng tiền với tỉ lệ 20%, tức mỗi cổ phiếu nhận được 2.000 đồng. Với hơn 224 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính VHC cần chi gần 449 tỉ đồng cho đợt chia cổ tức này.
VHC cũng là một trong các công ty có truyền thống chi trả cổ tức bằng tiền mặt khá cao nhiều năm nay.
Việc tạm ứng cổ tức được diễn ra sau khi doanh nghiệp thủy sản được mệnh danh "nữ hoàng cá tra" này ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực.
Nhà đầu tư sống nhờ cổ tức
Người Thái nhận 13.000 tỉ đồng tiền cổ tức, khoản đầu tư vào bia Sài Gòn vẫn lỗ nặng?
Theo báo cáo tài chính quý 3-2024, doanh thu thuần trong quý 3 của VHC đạt 3.293 tỉ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ, còn lợi nhuận sau thuế đạt 341 tỉ đồng, tăng 70%.
Lũy kế 9 tháng năm nay, doanh thu VHC đạt 9.329 tỉ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 870 tỉ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ.
Năm 2024, VHC xây dựng kế hoạch doanh thu và lợi nhuận với hai kịch bản. Ở kịch bản cơ bản, doanh thu hợp nhất của doanh nghiệp chỉ đạt 10.700 tỉ đồng, còn với kịch bản cao sẽ là 11.500 tỉ đồng.
Tương tự, với lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ, VHC đặt mục tiêu cơ bản 800 tỉ đồng, còn mục tiêu cao là 1.000 tỉ đồng. Như vậy sau 9 tháng đầu năm, Vĩnh Hoàn đã vượt mục tiêu cơ bản đặt ra về lợi nhuận.
Tác giả: BÌNH KHÁNH
Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ