Tin trong tỉnh

Hàng loạt bến thủy nội địa không phép ngang nhiên hoạt động ở huyện Nam Đàn (Nghệ An): Trên nghiêm, dưới chưa nghiêm?

Dù các cơ quan chức năng đã đình chỉ hoạt động do chưa được cấp phép hoạt động bến thủy nội địa theo quy định. Thế nhưng, thực tế còn hàng loạt bến thủy nội địa tập kết, kinh doanh cát sỏi tại huyện Nam Đàn vẫn đang ngang nhiên hoạt động khiến dư luận bức xúc.

Trên đã…nghiêm

Trước những bất cập trong hoạt động khai thác, kinh doanh cát sỏi tại Nghệ An, trong đó có hàng loạt bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh dù chưa được cấp phép nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động trong thời gian qua khiến dư luận bức xúc. Các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã thành lập rất nhiều đoàn kiểm tra liên ngành để vãn hồi trật tự.

Bến cát tại xóm Cây Dừa, xã Nam Tân vẫn hoạt động

Đặc biệt, mới đây, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy giao Ban Nội chính Tỉnh ủy rà soát kết quả thực hiện sau kiểm tra việc chấp hành pháp luật về hoạt động khai thác cát sỏi và quản lý bến thủy nội địa kinh doanh cát sỏi trên địa bàn tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã thành lập Tổ công tác tiến hành rà soát các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương và khảo sát nắm thông tin tại các huyện Đô Lương, Anh Sơn và TP Vinh.

Bến cát của ông Lê Văn Hạ, xóm Đồng Văn, xã Hùng Tiến xe vẫn vào lấy cát như thường

Theo đó, có 73/91 bến thủy nội địa chưa được cấp phép; trong số 73 bến chưa được cấp phép này Tổ công tác của Ban Nội chính Tỉnh ủy đã khảo sát 54 bến thì phát hiện có 30 bến kinh doanh cát sỏi đang hoạt động trái phép. Đặc biệt, riêng huyện Nam Đàn có 10/22 bến đang hoạt động trái phép khi Tổ công tác có mặt tại thực địa. Thực trạng trên đã được Ban Nội chính Tỉnh ủy báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy tại Báo cáo số 21-BC/BNCTU, ngày 31/5/2018. Trên cơ sở đó, ngày 18/6/2018, Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An đã có CV số 3313-CV/TU gửi Ban cán sự đảng UBND tỉnh Nghệ An thực hiện các kiến nghị của Ban Nội chính Tỉnh ủy.

Hai bến cát tại xóm 3 và xóm 8, xã Hồng Long cũng đều hoạt động như thường lệ dù mới bị UBND xã Hồng Long và Phòng KT – HT huyện Nam Đàn kiểm tra, đình chỉ ngày 31/7

Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản cát, sỏi trên địa bàn, ngày 29/6/2018, UBND tỉnh Nghệ An đã có Công văn “hỏa tốc” số 4683/UBND-NC gửi các sở, ngành và UBND các huyện có liên quan. Theo đó, Công văn yêu cầu các huyện phải đặc biệt tăng cường kiểm tra hoạt động các bến thủy nội địa trên địa bàn, kiên quyết đình chỉ đối với các bến hoạt động chưa được cấp phép, đình chỉ và chấm dứt hoàn toàn các bến thủy nội địa không nằm trong quy hoạch được phê duyệt. Chỉ đạo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân có liên quan trong việc để các bến thủy nội địa chưa được cấp phép hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sỏi…

Dưới vẫn chưa nghiêm?

Chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh Nghệ An là vậy. Thế nhưng, trên thực tế ở nhiều huyện trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Nam Đàn nói riêng công tác kiểm tra, giám sát, chấm dứt hoạt động của các bến thủy nội địa không phép chưa được triển khai một cách nghiêm túc, quyết liệt và hiệu quả như mong đợi.

Xây dựng nhà điều hành kiên cố trái phép trên bến bãi ở bến xã Hồng Long

Theo bán cáo của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Nam Đàn, đến cuối tháng 7/2018, trên địa bàn huyện này có 25 bến thủy nội địa (bến tập kết, kinh doanh cát sỏi). Tuy nhiên cho đến nay mới chỉ có 3 bến có giấy phép bến thủy nội địa theo quy định. Gồm bến ở xóm Trường Lưu, xã Hùng Tiến của Công ty TNHH Hoa Hùng Anh; bến trong khuôn viên của Công ty CP Trung Đô Nam Giang; bến từ Km61+550 đến Km61+732, xã Vân Diên của Công ty TNHH cát sạn Cầu Rộ Thanh Chương. Số còn lại là 14 bến đang thực hiện quy trình thủ tục đầu tư gồm 7 bến ở khối Lam Sơn, thị trấn Nam Đàn; 2 bến ở xã Hồng Long; 1 bến ở xã Nam Tân; 1 bến ở xã Xuân Lâm; 1 bến ở xã Khánh Sơn và 1 bến ở Nam Giang; ngoài ra còn 5 bến đang xin chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện dự án và 3 bến không có trong quy hoạch vẫn tái hoạt động ở các xã Nam Giang; Nam Anh và Khánh Sơn.

Mặc dù UBND tỉnh Nghệ An đã có Công văn “hỏa tốc” về tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản cát, sỏi trên địa bàn

Được biết, dù các cơ quan chức năng từ xã, huyện đến tỉnh đã có nhiều cuộc kiểm tra hoạt động bến thủy nội địa chưa được cấp phép và xử lý, xử phạt, đình chỉ nhiều lần nhưng đến nay nhiều bến thủy nội địa không phép nói trên vẫn “phớt lờ” lệnh cấm, vẫn lén lút hoạt động, gây bức xúc trong dư luận.

Theo ghi nhận của PV vào sáng ngày 1/8, có hàng loạt bến thủy nội địa trong danh sách kể trên ở huyện Nam Đàn vẫn đang hoạt động bình thường như chưa có chuyện gì xảy ra.

Vào lúc 7h30, sáng 1/8, đứng trên cầu Nam Đàn, PV ghi nhận xe tải đang vào ra lấy cát tại bến cách cây cầu này khoảng 150m, tại xóm Cây Dừa, xã Nam Tân. Theo quan sát của PV, dù bến này đang bị đình chỉ nhưng 1 cần cẩu vẫn đang hoạt động; 1 máy xúc lật cát vẫn hoạt động đưa cát lên xe trên bến; phía dưới sông là 2 sà lan mới đưa cát lên bờ xong đang neo đậu.

Nhưng hàng loạt bến thủy nội địa tập kết, kinh doanh cát sỏi ở khối Sa Nam và khối Lam Sơn (thị trấn Nam Đàn) vẫn chưa hạ cần cẩu để lén lút hoạt động khi có cơ hội

Cũng trong tình trạng tương tự là hàng loạt bến ở khối Sa Nam, khối Lam Sơn, thị trấn Nam Đàn như Thu Minh; Hà Thơ; Thủy Lan; Hà Hoàn…vẫn đang thường trực từ 1 đến 3 cần cẩu cùng với máy xúc lật cát để khi có xe tải vào mua cát là lại hoạt động như thường.

Khoảng 9h sáng cùng ngày, xuôi theo đường ven sông Lam, chúng tôi tiếp tục ghi nhận được hàng loạt bến cát khác tại các xã Hùng Tiến, Hồng Long, Xuân Lâm vẫn đang còn hoạt động. Theo đó, tại bến của ông Lê Văn Hạ, ở xóm Đồng Văn, xã Hùng Tiến xe tải chở cát vẫn ngang nhiên vào ra lấy hàng như thường. Trên bãi vẫn có 1 cần cẩu để múc cát từ các tàu thuyền, sà lan ở dưới sông lên, trên bến là 1 máy xúc lật đang vận hành xúc cát lên xe tải. Cứ thế, hết xe này đến xe khác vào bến cát mua hàng rồi tỏa đi khắp các hướng.

Tại các bến của ông Phạm Văn Dũng ở xóm 3 và bến của ông Nguyễn Xuân Linh ở xóm 8, xã Hồng Long tình trạng xe tải vào ra lấy cát cũng đang diễn ra như thường ngày. Được biết, cả 2 bến này đều mới được phê duyệt quy hoạch còn các quyết định phê duyệt giá đất, quyết định cho thuê đất và giấy phép hoạt động vẫn chưa được các cơ quan chức năng chấp thuận phê duyệt theo quy định.

Trước thực trạng trên, ông Phạm Hữu Hồng - Chủ tịch UBND xã Hồng Long, cho biết, xã đã có chỉ đạo quyết liệt hai bến cát của ông Dũng và ông Linh phải tạm dừng hoạt động: “Mới ngày hôm qua (31/7 - PV), phòng Kinh tế - Hạ tầng và UBND xã đã kiểm tra hai bến nói trên và yêu cầu nghiêm túc dừng hoạt động theo chỉ đạo. Sáng nay vừa họp xong tôi cũng yêu cầu anh em cán bộ địa chính ra kiểm tra. Nếu họ vẫn tiếp tục làm thì sẽ kiến nghị phía điện lực cắt điện”. Khi PV cho biết xe tải vừa vào bến tại xóm 8 để lấy cát thì lãnh đạo xã Hồng Long điện cho cán bộ kiểm tra lại.

Còn ông Lê Văn Sỹ - Phó trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Nam Đàn vẫn tự tin cho rằng, hiện nay trên địa bàn huyện Nam Đàn chỉ có 3 bến đã được cấp phép hoạt động; còn lại các bến khác đều đã dừng hoạt động, hiện chỉ còn 1 bến của ông Phạm Viết Văn ở xóm 1, xã Khánh Sơn không có trong quy hoạch nhưng vẫn tái hoạt động vì ông Văn cho rằng “đất vườn nhà ông nên muốn làm gì thì làm”!

Cũng cần phải nói thêm rằng, trong Báo cáo số 21-BC/BNCTU, ngày 31/5/2018 của Ban Nội chính Tỉnh ủy cũng nêu rõ, cùng với huyện Hưng Nguyên thì UBND huyện Nam Đàn là huyện chưa thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An. Cụ thể là chưa hoàn thiện hồ sơ vụ việc vi phạm hành chính và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân; chưa lập biên bản đình chỉ hoạt động và giao trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân là các chủ bến thủy nội địa phải chấm dứt hoạt động do không có giấy phép hoạt động; chưa tổ chức kiểm điểm trách nhiệm chủ tịch UBND các xã, thị trấn có liên quan trong vụ việc để các bến thủy nội địa trái phép đi vào hoạt động, tái hoạt động…

Việc hàng loạt bến thủy nội địa tại huyện Nam Đàn dù chưa được cấp phép và đã bị các cơ quan chức năng đình chỉ nhưng vẫn cố tình hoạt động đã gây không ít bức xúc trong dư luận. Một trong những nguyên nhân để xảy ra tình trạng trên cũng là do sự lỏng lẻo, thiếu quyết liệt trong công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên của cấp xã và huyện trong suốt thời gian qua.

Theo báo cáo mới nhất của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Nam Đàn, thời gian qua Đoàn của Thanh tra Sở GTVT Nghệ An đã lập biên bản xử phạt 15 bến thủy nội địa với số tiền 127 triệu đồng. Thế nhưng cũng thời gian gần đây đoàn kiểm tra của huyện Nam Đàn mới chỉ kiểm tra 1 bến và xử phạt…5 triệu đồng!

Tác giả: Đình Tiệp

Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP