Sau khi UBND tỉnh có văn bản phê bình (tại các Công văn số 4684/UBND-NC và 4685/UBND-NC), ngày 5/7/2018, UBND các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên đã có văn bản báo cáo kết quả xử lý chấp hành pháp luật về hoạt động khoáng sản theo Công văn số 2302/UBND-NC của UBND tỉnh.
Một khu vực dày đặc bến bãi tập kết cát sỏi tại địa bàn xã Hưng Lĩnh, Hưng Nguyên. Tại đây, trục cần cẩu vẫn vươn cao, phương tiện vận tải vẫn vào ra vận chuyển cát. Ảnh ghi trong ngày 17/7/2018. Ảnh Nhật Lân. |
Với UBND huyện Hưng Nguyên, hiện đã thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, có công văn nhắc nhở, phê bình đối với các địa phương để xảy ra sai phạm trong công tác quản lý khoáng sản, đã để các bến bãi tập kết cát sỏi đã bị đình chỉ tái hoạt động và chỉ đạo UBND các xã này tổ chức kiểm điểm. Đồng thời, đã giao cho các chủ bến bãi ngừng các hoạt động tập kết, kinh doanh cát sỏi khi chưa được cấp giấy phép của cơ quan có thẩm quyền; giao trách nhiệm cho các Chủ tịch UBND các xã tăng cường công tác quản lý nhà nước. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện nếu để xảy ra hoạt động khai thác cát sỏi trái phép; các bến bãi tập kết kinh doanh cát sỏi trở lại hoạt động khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Việc huyện này đình chỉ được hoạt động bến cát sạn, huyện kia lại buông lỏng không triệt để đình chỉ, đã tạo ra sự mất công bằng. Trong ảnh là một bến tập kết cát sạn ở huyện Thanh Chương đã bị cấm hoạt động. Ảnh: Nhật Lân. |
Còn với UBND huyện Nam Đàn, tại văn bản báo cáo UBND tỉnh, đã nhận tồn tại hạn chế là việc thực hiện đình chỉ hoạt động của các bến thủy nội địa chưa thực sự quyết liệt; chưa thực hiện việc kiểm điểm các Chủ tịch UBND xã trong việc không thực hiện đình chỉ hoạt động của các bến không có trong quy hoạch, hoặc chưa có giấy phép hoạt động. Trong thời gian tới, sẽ thực hiện nghiêm túc nội dung Công văn số 2302/UBND-NC của UBND tỉnh; Thực hiện đình chỉ các bến không có giấy phép, không có trong quy hoạch; đồng thời tổ chức kiểm điểm các Chủ tịch UBND xã, thị trấn không thực hiện đình chỉ các bến cát sỏi theo quy định.
Tại các báo cáo, UBND huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn đưa ra một số kiến nghị, đề xuất lên UBND tỉnh. Trong đó, UBND huyện Nam Đàn đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành cấp tỉnh thực hiện nhanh các thủ tục về cấp phép bến thủy nội địa, nhất là thủ tục về đất đai, để các chủ bến hoàn thiện các thủ tục trình cấp giấy phép thủy nội địa. Còn UBND huyện Hưng Nguyên thì: “Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành cấp tỉnh sớm phê duyệt giá đất cho các bến trên địa bàn huyện đã trình qua bộ phận một cửa tại Trung tâm xúc tiến đầu tư của UBND tỉnh”.
Một khu vực ven sông Lam đoạn qua xã Nam Cường, huyện Nam Đàn cũng có những bến cát sỏi đang hoạt động. Ảnh: Nhật Lân. |
Những kiến nghị của UBND huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn lên UBND tỉnh là thực tế đã tồn tại từ hơn 2 năm qua chưa giải quyết được. Những vướng mắc này đã dẫn đến các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh cát sỏi gặp khó khăn, ngoài thiệt hại về kinh tế thì không đảm bảo được việc làm, thu nhập cho người lao động. Và từ đây, là một phần nguyên nhân khiến họ có những hành vi vi phạm pháp luật trong khai thác, kinh doanh.
Nhưng cần thấy rằng, đây là những tồn tại, vướng mắc mới phát sinh. Còn “cát tặc”, đã có từ rất lâu. Ở không ít địa phương có sông Lam chảy qua, “cát tặc” hoành hành gây điêu đứng cho dân. Người dân kêu đến chính quyền, từ xã, đến huyện nhưng không được quan tâm xử lý, hoặc xử lý thì hời hợt, cưỡi ngựa xem hoa. Trước sự bàng quan ấy, đã có những địa bàn dân cư, người dân tự lập tổ chống “cát tặc”. Bởi vậy, dẫn đến nạn “cát tặc” kéo dài không thể xử lý được triệt để, chính quyền địa phương không thể thoái thác trách nhiệm.
Thể hiện rõ điều này còn ở chỗ ngay tại thời điểm UBND tỉnh đã có văn bản phê bình hai huyện một thời gian thì Công an tỉnh vẫn xác định trên tuyến sông Lam còn tồn tại một số địa bàn phức tạp về hoạt động khai thác khoáng sản cát, sỏi. Trong đó có khu vực giáp ranh giữa xã Nam Thượng, huyện Nam Đàn với các xã Thanh Khai, Thanh Yên, huyện Thanh Chương; khu vực xã Hưng Lam, Hưng Phú, huyện Hưng Nguyên; khu vực giáp ranh giữa huyện Hưng Nguyên và địa phận tỉnh Hà Tĩnh. Và thông tin, từ ngày 4/6/2018 đến ngày 01/7/2018, Công an các đơn vị, địa phương đã tiếp tục phát hiện, bắt giữ và lập hồ sơ xử lý 51 vụ, 51 đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác cát, sỏi trái phép. Tạm giữ 1 ô tô, 6 máy múc, 14 tàu vỏ sắt, 10 máy hút cát, 10 m ống nhựa. Thu giữ 395,5 m3 cát, sỏi. Lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính 38 vụ, 38 đối tượng, thu nộp ngân sách 167 triệu đồng; chuyển cơ quan khác xử lý 1 vụ, 1 đối tượng; đang xác minh, xử lý 12 vụ, 12 đối tượng. Phòng Cảnh sát môi trường khám phá thành công 2 chuyên án; khởi tố 3 vụ, 3 bị can về hành vi “Vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” được quy định tại Điều 227 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tại Công văn 596/CV-CAT ngày 22/7/2018, đề xuất về giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác quản lý hoạt động, khai thác, vận chuyển, tập kết cát sỏi trên tuyến sông Lam, Công an tỉnh cũng chỉ ra những yếu kém trong công tác quản lý nhà nước.
Đó là: “Công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản (cát, sỏi) của một số ngành, địa phương còn nhiều sơ hở, nhất là việc quy hoạch và thủ tục cấp phép mỏ, bến thủy nội địa còn nhiều bất cập. Việc kiểm tra, giám sát các mỏ sau khi được cấp phép chưa được tiến hành thường xuyên, thiếu sự kiểm soát đối với các bến, bãi tập kết cát, sỏi hoạt động trái phép. Mặt khác, cấp ủy, chính quyền một số địa phương cấp huyện, cấp xã chưa quan tâm đúng mức công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản, chưa thực sự phát huy hết trách nhiệm còn trông chờ sự hỗ trợ của tỉnh. Trong khi đây là lực lượng thường xuyên có mặt tại địa bàn có nhiều thuận lợi trong phòng ngừa đấu tranh”.
Tại Hội nghị giao ban Khối Nội chính tháng 7/2018, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Phan Đức Đồng chỉ ra những nguyên nhân cơ bản dẫn đến những vi phạm pháp luật trong khai thác, kinh doanh cát sỏi chậm được xử lý triệt để. Ảnh: Nhật Lân. |
Trở lại Hội nghị giao ban Khối Nội chính được tổ chức ngày 24/7/2018, người đề cập xung quanh những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật trong khai thác kinh doanh cát sỏi lòng sông vẫn tồn tại dai dẳng là Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Phan Đức Đồng. Trong các nhóm nguyên nhân dẫn đến những tồn tại dai dẳng mà Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy phân tích, và bày tỏ sự băn khoăn, đó là còn có sự lơ là, thiếu trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền một số địa phương cơ sở; và xác định cần tiếp tục phải quan tâm theo dõi, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước ở các địa phương cơ sở. Những phân tích của ông, được đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị tham gia hội nghị nhất trí cao. Và người chủ trì hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông đã kết luận: Giao Ban Nội chính Tỉnh ủy tiếp tục theo dõi sát sao, đôn đốc các cơ quan chức năng và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc xử lý những bất cập vướng mắc, kiểm tra xử lý các vi phạm pháp luật trong khai thác kinh doanh cát sỏi lòng sông, và việc chấn chỉnh các địa phương có những biểu hiện thiếu trách nhiệm trong thi hành công vụ.
Thực tế cho thấy đây là việc cần hết sức quan tâm. Bởi với những gì đã và đang diễn ra, thì không còn chỉ là chuyện “cát tặc”. Và bởi, Nghệ An đã từng là một trong những tỉnh bị Chính phủ nhắc nhở phê bình vì để xảy ra tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép diễn ra phức tạp, gây bức xúc dư luận. Tại Văn bản số 4001/VPCP-NC ngày 2/6/2018, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng từng đã có chỉ đạo yêu cầu tỉnh tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm vi phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông kết luận Hội nghị giao ban Khối Nội chính, trong đó giao Ban Nội chính Tỉnh ủy tiếp tục theo dõi sát sao việc kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong khai thác, kinh doanh cát sỏi lòng sông. Ảnh: Nhật Lân. |
Cần thấy rằng, các quy định của pháp luật là rất rõ ràng về vai trò, quyền hạn và trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực khoáng sản. Và tỉnh, trên cơ sở các quy định của pháp luật, cũng đã từng ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 27/3/2017 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 47/QĐ-UBND ngày 1/6/2017 ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản. Thực thi tốt nhiệm vụ thì được động viên khen thưởng; nhược bằng, có sự bàng quan, lơ là, thiếu trách nhiệm thì cần chấn chỉnh theo các quy định, quy chế đã được ban hành. Phép nước đã đề ra, phải được tuân thủ nghiêm cẩn. Có như vậy, vấn nạn “cát tặc” mới được đẩy lùi!
Tác giả: Nhật Lân
Nguồn tin: Báo Nghệ An