Suốt những ngày vừa qua, hàng trăm người đã tụ tập trước cửa nhà bà Bùi Thị Nhưng, Trần Thị Hoan 57 tuổi và Trần Thị Vin 47 tuổi (cùng trú tại thôn Cộng Hòa, xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An), để gây sức ép với mục đích đòi lại tiền.
Nhiều người đã mang cả loa đến cổng nhà, liên tục hò hét, phát nhạc ầm ĩ… gây sức ép. Tuy nhiên, cả 3 gia đình trên đều đóng kín cổng, không tiếp bất cứ ai. Chính quyền địa phương đã phải cắt cử người túc trực để đảm bảo an ninh, tránh xảy ra sự cố đáng tiếc.
Hàng trăm người đã tụ tập để đòi nợ trăm tỷ. |
Trả lời trên báo Nghệ An, ông Trần Văn Nguyện – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Long cho biết: “Họ huy động vốn một cách rất bí mật, nên xã cũng rất khó nắm bắt”.
“Qua nắm tình hình ban đầu thì ít nhất hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã đã gửi tiền vào đường dây tín dụng đen này, với số tiền ước tính hàng trăm tỷ đồng. Đó là chưa kể, còn có nhiều nạn nhân khác ở khắp các xã khác trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu. Ở xã Quỳnh Long thì có ít nhất 4 đầu mối huy động tiền, những người này lâu nay đều có vỏ bọc thành đạt”.
Ông Bùi Hạm (61 tuổi, xã Quỳnh Long) đã mất ăn mất ngủ mấy ngày nay vì lo lắng. Không chỉ rót hết số tiền dành dụm sau một thời gian làm ăn ở trong Nam, gia đình ông còn còn đi vay mượn thêm bên ngoài để gửi vào đường dây tín dụng đen nói trên.
Ông Hạm đã gửi vào đường dây tín dụng tới hơn 9 tỷ đồng - Ảnh Báo Nghệ An. |
Do thấy nhiều người xung quanh gửi tiền lấy lãi suất cao nên ông Hạm cũng gửi theo. Ban đầu chỉ gửi 500 triệu đồng, lãi 1,5%/tháng, sau nhận tiền lãi đều đặn hàng tháng nên mới tin tưởng gửi vào thêm.
Tổng số tiền mà người đàn ông 61 tuổi này gửi cho bà Hoan, Nhưng và Vin lên tới hơn 9 tỷ đồng, lãi suất hàng tháng được nhận là 135 triệu đồng.
Ông Hạm cho biết đã tin tưởng khi thấy những người nay có cuộc sống bên ngoài rất thành đạt, thường xuyên đi phát cháo từ thiện khắp nơi, được vinh danh liên tục. Tưởng họ cần vốn để đầu tư bất động sản, ai ngờ là lừa đảo.
Mới đây, ông đã phải bán rẻ chiếc ô tô 480 triệu dù vừa mua 600 triệu đồng để trả bớt nợ.
Căn nhà bà Hoan đóng kín cửa nhiều ngày nay - Ảnh Báo Nghệ An. |
Chị N.H. (xã Quỳnh Long) chồng qua đời sớm, một mình nuôi 2 con thơ cũng gửi vào đường dây huy động vốn này 1,6 tỷ đồng. Đây là số tiền mà chị tích cóp suốt 10 năm khi đi xuất khẩu lao động.
Bán miếng đất được 500 triệu đồng, bà Bùi Thị Trọn (74 tuổi xã, Quỳnh Long), mang 140 triệu gửi cho bà Trần Thị Hoan với lãi suất 2,1 triệu đồng/tháng. Bà lấy tiền đó để nuôi đứa con bị bệnh tâm thần.
Bà Nguyễn Thị Mơi (70 tuổi, xã Quỳnh Thuận) cho biết, con bà gái bà vừa gom được hơn 1 tỷ đồng để xây nhà. Trong lúc chờ, bà Mơi cũng gửi vào để kiếm chút lãi nhưng giờ có nguy cơ mất hết. Mấy ngày qua bà Mơi đều quanh quẩn ở nhà các chủ nợ nhưng chưa thấy có kết quả gì khả quan.
Bà Mơi cũng gửi vào hơn 1 tỷ để lấy lãi suất |
Đáng chú ý là bà Trần Thị Vin, một trong những đầu mối gom tiền, cũng cho rằng mình là nạn nhân. Bà Vin cho hay thời gian trước có làm dịch vụ đáo hạn ngân hàng, do cần số tiền lớn nên huy động nhận tiền gửi từ bà con với mức lãi suất 1,5% đến 2%/tháng.
Cách đây chưa lâu, bà Trần Thị Hoài (lấy chồng xã Quỳnh Thạch) là chị bà Trần Thị Hoan đã liên hệ để hỏi gửi tiền qua với lãi suất 3%/tháng. Do là chị em họ nên tin tưởng, bà Vin đã gửi vào đó 13 tỷ đồng. Còn 14 tỷ đồng khác bà Vin gửi cho ông Bùi Quang D. (trú TP HCM), một người em họ, để huy động làm dịch vụ đáo hạn ngân hàng. Mới đây ông D. cũng tuyên bố vỡ nợ.
Theo chia sẻ của bà Vin, bà Hoài cũng đã huy động số tiền tới hơn 100 tỷ đồng từ bà con để gửi cho D.
Theo cơ quan chức năng, việc các cá nhân ở xã Quỳnh Long nhận tiền của người dân và ký thỏa thuận trả lãi suất là vi phạm pháp luật. “Nếu có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì sẽ khởi tố vụ án, xử lý nghiêm theo pháp luật”, ông Nguyễn Văn Thưởng – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu nhấn mạnh.
Tác giả: Khan
Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn