Số hải sản còn tồn kho ở cơ sở nước mắm Huỳnh Kế. Ảnh: CĐ. |
5 năm chịu đựng mùi thối từ hải sản tồn kho
Sau sự cố môi trường biển Formosa, cơ sở nước mắm Khiêm Trọng ở thôn Di Loan, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) còn tồn 44,4 tấn mắm chợp nguyên liệu và ruốc chưa được tiêu hủy. Việc chậm tiêu hủy số hải sản trên đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất của cơ sở này cũng như môi trường sống. Ông Bùi Xuân Khiêm, chủ cơ sở lắc đầu ngao ngán nói: "5 năm qua, chúng tôi phải chịu đựng mùi thối như vậy, ăn không ngon, ngủ không yên".
Theo ông Khiêm, sau khi sự cố môi trường biển xảy ra, cơ quan chức năng địa phương đã đến cơ sở sản xuất của ông để kiểm tra, đo đếm, lập biên bản hải sản tồn kho. Sau đó, ông còn dự thêm gần chục cuộc họp nữa. Thế nhưng, việc quan trọng nhất là tiêu hủy hải sản tồn kho và bồi thường cho gia đình ông đến nay chưa được cơ quan chức năng thực hiện.
Ông Khiêm cho biết thêm, tổng công suất kho chứa của ông Khiêm là 100 tấn hải sản, mỗi năm cho thu nhập vài trăm triệu đồng và tạo việc làm cho khoảng 10 lao động. Vậy nhưng, do sự cố môi trường biển Formosa, 5 năm qua, ông đã mất đi gần một nửa diện tích kho để chứa hàng chục tấn hải sản tồn kho, hư hỏng.
Ông Bùi Xuân Khiêm, chủ cơ sở nước mắm Khiêm Trọng bức xúc vì số lượng hải sản tồn kho chậm tiêu hủy. Ảnh: CĐ. |
Hơn nữa, vì còn hải sản tồn kho nên sản phẩm mới (nước mắm, ruốc) ông làm ra không ai mua. "Người ta thấy cơ sở mình còn hải sản tồn kho nên họ lo sợ mình dùng thứ đó để sản xuất nước mắm. Vì vậy, khách hàng không dám mua khiến gia đình tôi không thể tiếp tục sản xuất, mất thu nhập, công nhân nghỉ việc", ông Khiêm bức xúc nói.
Mong muốn lớn nhất của ông Khiêm hiện nay là đề nghị các cấp chính quyền sớm vào cuộc tiêu hủy số hải sản tồn kho để cơ sở nước mắm của gia đình ông ổn định sản xuất.
Cách cơ sở nước mắm Khiêm Trọng không xa là cơ sở nước mắm Huỳnh Kế (trú khu phố An Du Đông 2, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh) cũng chịu cảnh tương tự. Hiện cơ sở này còn tồn kho 252,6 tấn mắm chợp và 17 tấn ruốc đặc, lỏng.
Hàng tồn kho đã hư hỏng, bốc mùi hôi thối nồng nặc, ruồi bâu đen đặc khiến cuộc sống gia đình bà và hàng xóm đảo lộn. Bà Lê Thị Huỳnh, chủ cơ sở này cho biết, gia đình bà sản xuất nước nắm đã 30 năm, 2 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, đóng góp cho địa phương rất nhiều, tạo công ăn việc làm cho 15 lao động.
Trước khi xảy ra sự cố môi trường biển do Formosa gây ra, mỗi năm gia đình bà có thu nhập khoảng 500 triệu đồng. Thế nhưng, 5 năm nay, bà Huỳnh phải giảm công suất của cơ sở, chỉ hoạt động cầm chừng, thu nhập thấp, lao động mất việc làm…
Theo bà Huỳnh, hàng tồn kho chưa tiêu hủy nên khách hàng nghi ngại chất lượng sản phẩm của các cơ sở, dẫn đến lượng tiêu thụ giảm sút nghiêm trọng. Các cơ quan ban ngành đã kiểm tra, xác định hàng hải sản tồn kho của cơ sở bà buộc phải tiêu hủy, nhưng đến bây giờ vẫn chưa thấy tiêu hủy. “Các cơ quan chức năng làm việc quá chậm, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, gây thiệt hại kinh tế cho các cơ sở sản xuất", bà Huỳnh cho hay.
Sẽ sớm tiêu hủy hải sản tồn kho
Liên quan đến vấn đề tiêu hủy số hải đang tồn kho tại các cơ sở trên địa bàn, ông Lê Vỹ, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Giang (huyện Vĩnh Linh) cho biết, hàng hải sản tồn kho quá nhiều năm, bốc mùi hôi thối đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nhân dân trên địa bàn. Hơn nữa, vì phải tốn diện tích bể chứa hàng tồn kho nên chủ cơ sở sản xuất không thể hoạt động, việc tiêu thụ sản phẩm làm ra khó khăn.
Ông Bùi Xuân Khiêm bên bồn chứa số hải sản tồn kho của gia đình. Ảnh: CĐ. |
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh) đồng quan điểm trên và đề nghị cơ quan thẩm quyền sớm tiêu hủy hàng tồn kho cho người dân để đảm bảo vệ sinh môi trường, sớm phục hồi sản xuất.
Để tìm câu trả lời về việc chậm tiêu hủy số hải sản tồn kho, PV đã liên hệ với ông Nguyễn Hữu Nam, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Quảng Trị. Lý giải về nguyên nhân chậm tiêu hủy số hải sản tồn kho, ông Nguyễn Hữu Nam, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Quảng Trị cho biết, khối lượng hải sản tẩm ướp bị hư hỏng của 1 trong 5 hộ kinh doanh (hộ Lê Thanh Tùng, khu phố An Hòa 2, Cửa Tùng) được Sở NN-PTNT tỉnh xác minh nguồn gốc, phân loại chênh lệch với khối lượng được Sở Y tế kiểm tra chất lượng. Vì vậy, việc tiêu hủy hải sản tồn kho theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Trị bị chậm.
Ông Nam cho hay, hiện Sở Tài nguyên – Môi trường đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị cho phép tiêu hủy hàng hải sản tồn kho theo khối lượng đã được Sở Y tế xác nhận không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (khoảng 600 tấn). Việc tiêu hủy số hải sản trên đã được Sở giao cho Chi cục Bảo vệ Môi trường thực hiện trong thời gian sớm nhất.
Liên quan đến sự cố môi trường biển Formosa, đến thời điểm này, riêng tại huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) có khoảng 600 tấn hải sản tồn kho ở 6 cơ sở sản xuất nước mắm, ruốc chưa được tiêu hủy. Số hải sản này đã được Sở Y tế Quảng Trị lấy mẫu kiểm tra, kết quả đều không đảm bảo an toàn thực phẩm, không sử dụng để làm thực phẩm hoặc chế biến thực phẩm.
Đến nay, có 5/6 cơ sở sản xuất đã được Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị xác minh nguồn gốc, đề nghị tiêu hủy hải sản tồn kho. Hiện UBND tỉnh Quảng Trị đã yêu cầu Sở Tài nguyên – Môi trường chủ trì, phối hợp các sở liên quan và huyện Vĩnh Linh tiêu hủy các mặt hàng hải sản tẩm ướp tồn kho bị hư hỏng nêu trên để đảm bảo vệ sinh môi trường.