Cuộc sống

Hành trình mang thai, nuôi con tủi phận của người phụ nữ đất Cảng từng bị xâm hại, làm mẹ từ năm 14 tuổi

Được sư thầy cưu mang, chị Hạnh (Hải Phòng) đã tá túc lại một ngôi chùa tại Sài Gòn. Cảm nhận sự lớn lên của đứa con trong bụng, chị nhận ra “nếu mình chết là giết thêm một sinh linh vô tội”.

Những ngày thai kỳ đau đớn

Trong suốt 2 tháng 11 ngày ở chùa, chị Hạnh đã khóc rất nhiều. Cứ sáng ngủ dậy, quét lá đa trong chùa là chị lại bật khóc. Chị chỉ thấy niềm vui được thắp lên khi cảm nhận đứa con đang “máy”, rồi đạp những cú đầu tiên trong bụng mẹ.

Cảm nhận sự sống của con, chị mới nhận ra nếu mình khóc lóc, nghĩ đến cái chết thì đồng nghĩa đang giết thêm một sinh linh vô tội. Vì thế, chị gượng dậy, xin sư thầy được trở về quê nhà, nói thật mọi chuyện với gia đình và làm lại từ đầu.

“Sư thầy đã cho tôi 500.000 đồng làm lộ phí đi đường và mua vé tàu cho tôi về quê. Lúc đó, cổ họng tôi nghẹn lại, không thể nói nên lời trước tấm ân tình của thầy”, chị Hạnh nhớ lại.

Thấy chị nhỏ con, yếu ớt, lại đang mang thai, nhân viên đường sắt đã cho chị nằm trong buồng nhân viên. Suốt mấy ngày đi tàu, chị không thể ăn uống gì được.

Nơi đầu tiên chị đặt chân đến là nhà bà ngoại. Bà ngoại đã ngoài 80 tuổi, nghe chị kể về việc bị xâm hại dẫn tới mang thai, bà lặng người đi. Bà chỉ nói đúng một câu “thôi đẻ đi bà nuôi” dù bà không biết mình sống được bao nhiêu ngày nữa.

Bà móc từ cái túi ruột ngựa ở đai quần ra một nửa chỉ vàng và đôi khuyên tai vàng tây. Đây là khoản riêng tiết kiệm từ tiền lương của bà, không ai biết. Giờ bà đưa cả cho cháu để cháu nuôi con. Chị cảm thấy đau đớn, xấu hổ tột cùng, vì mình trẻ thế này để một người già cả phải bao bọc.

Lấy hết dũng cảm, chị Hạnh đi cùng bà ngoại về nhà thưa chuyện với bố mẹ đẻ. Bố chửi chị là đồ “con hoang”, “bôi tro chát trấu” vào mặt cả nhà, định trói và đánh chị. Nhưng nhờ có bà ngoại, mẹ con chị lại được cứu sống thêm lần nữa. Chị quyết định khăn gói về ở với bà từ đó.

Định kiến "chửa hoang" có thể khiến mẹ buồn nhưng không thể giết chết hy vọng sống của mẹ. Ảnh minh họa.

Lúc ấy, đứa con trong bụng đã được 8 tháng tuổi. Mỗi khi thấy chị đi qua, người ta lại túm năm tụm ba xì xào, chửi đổng chị “chửa hoang”, “đi làm gái”, “mặt dày hơn mông con trâu”… Tức mình, chị ưỡn bụng lên, xoa bụng đi qua họ và nói “con ngoan ở trong bụng mẹ, ai nói gì không quan trọng”.

Chị đạp lên dư luận để mang thai, sinh con vì chị nghĩ “nếu mình chết thì con sẽ chết theo”.

Cho đến giờ phút này, chị Hạnh vẫn một mực cảm ơn mẹ chị vì sau khi chị sinh con, mẹ chị đã đi phụ hồ để có tiền mua sữa cho cháu. Mẹ khắt khe với chị, chỉ vì áp lực từ bố, chứ không phải do mẹ không thương chị.

Niềm hạnh phúc của người mẹ bán hoa quả rong

Sinh con được nửa tháng, chị Hạnh đã lao đi kiếm tiền. Dù ốm chị cũng không thể nghỉ chợ vì nghỉ ngày nào là con nhịn, nhà chẳng còn cái ăn ngày đó.

Đều đặn ngày nào cũng vậy, chị đạp xe 50 cây số đi lấy bắp cải, khoai tây, hoa quả. Chị ra khỏi nhà lúc 2h sáng và về nhà khi trời đã nhá nhem. May mắn trời thương, gần như hôm nào chị cũng bán hết hàng. Hôm nào “ế” cũng chỉ còn vài cân hoa quả, đem gán trong xóm trọ là hết.

Sau tất cả, món quà lớn nhất với chị chính là được nhìn thấy con trai lớn lên từng ngày. Năm con lên 12 tuổi, chị Hạnh đã kể toàn bộ quá khứ cho con nghe để con hiểu và không bị sốc. Hiện con trai chị học cấp 3, cháu rất ngoan và thương mẹ.

Chị Hạnh làm nghề bán hoa quả rong ở các khu chợ tại TP. Hải Phòng để nuôi con. Trên đường đi bán hoa quả rong, chị tranh thủ lượm thêm chút ve chai để có thêm thu nhập.

Con trai khôn lớn, ngoan ngoãn trở thành động lực để chị Hạnh vững bước trong cuộc sống. Ảnh minh họa.

Dù phải chạy chợ kiếm cái ăn, vẫn còn đi ở trọ nhưng chị vẫn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện như nấu cháo, phát cháo miễn phí cho bệnh nhân nghèo.

Nghĩ lại chị cũng không hiểu sao có thể vượt qua những cú sốc kinh khủng đó và sống cho đến giờ này trong khi không có gì để bấu víu và tương lai phía trước như bên bờ vực thẳm. Chị bảo có lẽ chị giữ con và làm mọi thứ để nuôi con bằng bản năng của người làm mẹ. Chị cảm thấy mình may mắn vì ngày ấy quyết định có con chứ không phá bỏ dù chị không có gì trong tay và đang ở độ tuổi còn quá trẻ.

Chính vì lẽ đó, chị Hạnh đã đồng ý chia sẻ câu chuyện cuộc đời của chị cho chúng tôi nghe. Kể câu chuyện của mình, chị không mong ai thương xót mà chỉ mong những người mẹ lỡ dở đừng nhẫn tâm phá bỏ thai nhi và có thể tìm được nguồn sáng cuộc đời từ chính bào thai đang lớn dần trong bụng mẹ.

(Họ tên nhân vật đã được thay đổi)

Tác giả: Thu Hà

Nguồn tin: emdep.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP