Bên cạnh lợi nhuận đạt mức cao, một điểm đáng chú ý trong báo cáo tài chính quý II và nửa đầu năm 2019 của các nhà băng là việc các nhóm nợ xấu có xu hướng tăng.
Đáng chú ý, theo Tinnhanhchungkhoan, tại Sacombank, trong khi nợ nhóm 5 giảm mạnh đến hơn 164 tỷ đồng so với đầu năm, thì nợ nhóm 3 và nhóm 4 lại tăng lên gần 220 tỷ đồng, khiến tổng nợ xấu của Ngân hàng đạt con số hơn 5.702 tỷ đồng tính đến cuối tháng 6/2019.
Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của nhà băng này ở mức 2,04%, giảm so với mức 2,2% hồi đầu năm, và nợ ngoại bảng tại VAMC cũng giảm khoảng hơn 2.100 tỷ đồng so với đầu năm.
Không chỉ tỷ lệ nợ xấu nội bảng và ngoại bảng, lượng nợ xấu tiềm ẩn của Ngân hàng Sacombank cũng đi xuống trong 6 tháng đầu năm nay.
Điều này thể hiện ở việc các khoản lãi, phí phải thu giảm gần 1.900 tỷ đồng và các khoản phải thu giảm gần 2.200 tỷ đồng. Dù vậy, hai khoản mục này vẫn ở mức cao, lần lượt là 21.561 tỷ đồng và 21.260 tỷ đồng, cho thấy việc xử lý nợ xấu vẫn là rất gian nan với Sacombank trong thời gian tới.
Ở một diễn biến khác, theo tìm hiểu của PV, Sacombank đang rao bán hàng loạt tài sản thế chấp là bất động sản ở TP HCM và nhiều tỉnh, thành để thu hồi nợ. Cụ thể, nhà băng này rao bán đấu giá quyền tài sản phát sinh từ 27 hồ sơ đền bù với diện tích lên đến hơn 2 ha tại Q.8. Các hồ sơ đất này thuộc dự án khu dân cư Bảo Hưng và 2 quyền sử dụng đất khác cũng tại Q.8 có diện tích 12.669 m2 với giá khởi điểm là 928 tỷ đồng.
Sacombank cũng đang rao bán 2 lô đất rộng 76.246 m2 tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP HCM với giá khởi điểm là 1.330 tỷ đồng.
Nợ nhóm 3 và 4 của Sacombank tăng. Ảnh: Người tiêu dùng. |
Không chỉ ở TP HCM, Sacombank còn thông báo bán đấu giá 15 quyền sử dụng đất ở tỉnh Bình Dương với tổng diện tích hơn 29.600 m2, giá khởi điểm 897 tỷ đồng.
Sacombank cho biết từ đầu năm đến nay, ngân hàng đã tăng cường thu hồi nợ xấu và tài sản tồn đọng với hơn 11.000 tỷ đồng. Lũy kế từ khi triển khai đề án tái cơ cấu đến nay, Sacombank đã thu hồi được gần 35.700 tỷ đồng.
Có thể nói, nợ xấu của Sacombank trở nên nổi cộm nhất khi ông Trầm Bê - nguyên Phó Chủ tịch thường trực HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank bị xử lý vì tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Tại thời điểm tháng 8/2017, ông Trầm Bê để lại là 2 khoản nợ rất lớn tại Sacombank, một là khoản nợ liên quan tới bất động sản với giá trị khoảng 33.000 tỷ đồng. Khoản nợ thứ 2 là cổ phiếu khoảng 10.000 tỷ đồng, tổng cộng là 43.000 tỷ. Tất cả khoản nợ này được cho rằng đều có tài sản bảo đảm, tuy nhiên, cần khoảng 3 năm để thu hồi. Cũng tại thời điểm trên, Sacombank có khoảng 60.000 tỷ đồng nợ xấu.
Gần 2 năm qua, Sacombank vẫn "đánh vật" với khoản nợ khổng lồ từ thời ông Trầm Bê để lại.
Tác giả: Hoàng Minh
Nguồn tin: Báo Kiến thức