Giáo dục

Hình phạt nào cho học sinh đánh hội đồng, lột áo bạn quay clip?

Nhiều bạn đọc không đồng tình với hình thức kỷ luật cho nghỉ học một tuần mà Trường THCS Quảng Phú (Quảng Trạch, Quảng Bình) đưa ra với nhóm học sinh đánh hội đồng, lột áo nữ sinh lớp 9 quay clip.

Nhóm học sinh đánh hội đồng dã man nữ sinh lớp 9 tại Quảng Bình, rồi lột áo quay clip làm nhục bị kỷ luật, nghỉ học một tuần khiến nhiều người không đồng tình - Ảnh cắt từ clip

Hội đồng kỷ luật Trường THCS Quảng Phú (Quảng Trạch, Quảng Bình) vừa đưa ra hình thức kỷ luật cho 3 học sinh liên quan đến vụ lột áo quay clip, đánh hội đồng bạn dã man nữ sinh lớp 9 Trường THCS xã Quảng Châu. Nhưng cách xử phạt cho hành vi này đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều về tính răn đe.

Vậy hình phạt nào cho học sinh đánh, làm nhục bạn là hợp lý?

Cho nghỉ học một tuần chưa phải là phạt

Theo thông báo từ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quảng Trạch, hai học sinh gồm một người trực tiếp đánh và lột áo, người quay clip phát tán lên mạng xã hội đã bị buộc ngừng học một tuần. Người còn lại không can ngăn mà còn cổ vũ thì bị khiển trách.

Những hình phạt này được nhiều bạn đọc cho rằng là quá hời hợt và không đủ sức răn đe để ngăn chặn bạo lực học đường tái diễn.

Những nhận xét này càng có phần có lý hơn khi đối chiếu với những cú đạp, tát, túm tóc kéo lê liên tục trong nhiều phút mà nhóm học sinh đã dùng để hành hạ nữ sinh lớp 9. Còn nguy hiểm và để lại hậu quả lâu dài hơn khi nhóm này còn lột áo quay clip phát tán lên mạng xã hội để làm nhục nạn nhân.

Nếu không có hình phạt cứng rắn, những vụ đánh hội đồng học sinh sẽ tiếp tục xảy ra - Ảnh cắt từ clip tư liệu

Bạn đọc Thanh Duy cho rằng với những đứa trẻ côn đồ, không còn thích đi học thì cho nghỉ học không phải phạt.

Bạn đọc Nguyễn Quốc Thanh nói những học sinh mà đi đánh người này là không muốn đi học, do đó với hình phạt là tạm đình chỉ thì không có ý nghĩa răn đe.

Cần một hình phạt mạnh tay hơn với đánh hội đồng?

Nhiều bạn đọc trên mạng xã hội sau khi xem các clip nữ sinh đánh bạn và lột đồ quay clip đều có chung cảm xúc là phẫn nộ. Ở lứa tuổi học sinh nhưng các em đã sớm học được tính bạo lực để hành hạ hoặc trả đũa người khác.

Nhiều người còn tỏ ra lo lắng vì không biết nạn nhân tiếp theo có là con em của mình hay không? Nhất là khi chỉ trong vài tháng sau Tết đã có hàng loạt vụ bạo lực học đường xảy ra trên khắp các địa phương. Có nhiều học sinh bị bạn đánh đến chấn động não, quên cả tên mình.

Một khi học sinh nào đó trở thành nạn nhân của trận đánh hội đồng kèm lột đồ quay clip làm nhục thì hậu quả để lại với học sinh đó không chỉ là những vết thương trên thân thể phải nhập viện điều trị, mà còn là vết thương tâm lý sâu thẳm mà không biết đến bao giờ mới lành.

Một điều nữa khiến phụ huynh lo hơn là những hình phạt dành cho những hành vi này đang là chuyện khá bối rối với các trường học.

Tấm áo chưa đủ tuổi vị thành niên luôn là tấm khiên che chắn quá dày cho những hành vi mang hậu quả khủng khiếp ấy. Và nỗi đau cuối cùng vẫn chỉ có nạn nhân và gia đình phải gánh chịu.

Vì vậy nhiều bạn đọc đã yêu cầu nhà trường cũng như cơ quan quản lý giáo dục phải đưa ra được những hình thức kỷ luật cứng rắn hơn để đủ sức răn đe và ngăn chặn những hành vi bạo lực học đường tái diễn.

Bạn đọc Đoàn Phi nêu quan điểm phải đình chỉ học một năm, bắt trình diện công an hằng tuần, lên trường trực nhật tại sân trường mỗi tháng một tuần. Làm như vậy mới hết bạo lực học đường được.

"Lao động công ích, quản thúc, ghi vào lý lịch suốt đời, kèm theo có quy định những trường đại học, cao đẳng, những ngành nghề không tuyển sinh, tuyển dụng những người đã có lý lịch xấu như vậy. Vết nhơ vẫn có thể rửa, nhưng phải là một quá trình, của một con người thật sự khác; chứ không phải cấm túc một tuần là xóa bỏ", một bạn đọc khác đề nghị.

Tác giả: Quốc Nam

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP