Trong nước

Hỗ trợ Thanh Hóa khắc phục hậu quả mưa lũ do bão số 3

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cử thêm một đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp dẫn đầu vào hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa khắc phục hậu quả mưa lũ do bão số 3.

Sáng nay, 4-8, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp chỉ đạo về công tác ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ sau bão số 3.

Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sau suy yếu thành vùng áp thấp nên ngày và đêm qua Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; riêng khu đông bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình và Thanh Hóa có mưa to đến rất to.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp chỉ đạo về công tác ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ sau bão số 3, sáng 04-8.

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua giữa khu vực Nam Đồng Bằng và Bắc Trung Bộ nên trong ngày và đêm nay (04-8), ở Bắc Bộ và Thanh Hóa tiếp tục có mưa vừa, có nơi mưa to và dông.

Ông Khiêm cũng cho biết lũ các sông ở Thanh Hóa đang lên, như ở sông Mã tại Cẩm Thủy là 19,87m, trên BĐ2 0,87m; tại Lý Nhân 9,40m, dưới BĐ1 0,1m; tại Giàng 2,30m, dưới BĐ1 1,7m.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết, có 05 hồ tại các tỉnh phía bắc đang xả tràn. Các hồ khu vực Bắc Trung Bộ ở mức thấp, đạt 30-50% dung tích. Đặc biệt có 113 hồ hư hỏng và 55 hồ đang thi công có nguy cơ xảy ra mất an toàn, cần tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo an toàn khi có lũ.

Trước tình hình trên, Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu:

- Cử thêm 01 đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp dẫn đầu vào trực tiếp tại huyện Quan Sơn - Thanh hóa để phối hợp hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa công tác cứu trợ và cung cấp lương thực, nước uống, điện sinh hoạt cho người dân các bản bị chia cắt.

- Khẩn trương tìm kiếm người mất tích, tiếp cận hỗ trợ, cứu trợ cho các khu vực bị chia cắt, cô lập tại Thanh Hóa. Thiết lập, duy trì thông tin liên lạc tại các địa bàn, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, khu vực bị chia cắt.

- Kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập; nhất là các công trình đang thi công; triển khai phương án chống ngập úng tại đô thị; Rà soát khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

- Sẵn sàng phương án ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất; Tổ chức canh gác tại các ngầm tràn, các tuyến đường dễ xảy ra ngập, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, phương tiện khắc phục sự cố các tuyến đường giao thông bị sạt lở.

Ngày 04-8, báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai cho biết, thiệt hại do mưa lũ sau bão số 3 đã có 2 người chết và 13 người hiện còn đang bị mất tích. Lũ quét, sạt lở đất khiến hàng trăm nhà dân, chủ yếu ở tỉnh Thanh Hóa, bị hư hỏng nặng. Nhiều diện tích canh tác nông nghiệp cũng bị ngập úng nặng. Trong đó, riêng Hà Nội đã có khoảng 885 ha cây trồng bị ảnh hưởng năng suất.

Tác giả: M.HIỀN

Nguồn tin: Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP