Tin trong tỉnh

Hoạch định chính sách dân tộc từ kết quả điều tra 53 DTTS tại Nghệ An: Cần phải chú ý hơn ở những vùng sạt lở

Chỉ mới tính riêng tác động của hoàn lưu bão số 3 và số 4 mới đây, các huyện miền núi Nghệ An đã phải tổ chức di dời hàng trăm hộ dân đến nơi an toàn vì đất sụt, nhà sập. Đó là thông tin mới về thực trạng kinh tế - xã hội, cần phải được bổ sung, chú ý hơn khi thực hiện hoạch định chính sách phát triển vùng DTTS&MN Nghệ An trong những giai đoạn tiếp theo.

Sạt lở ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhà dân ở bản Xiêng Thù, xã Chiêu Lưu (Kỳ Sơn)

Thêm thông tin mới về thực trạng xã hội

Nghệ An là vùng đất dễ sạt trượt ở khu vực miền núi cao. Và gần như nơi này, cứ mưa xuống là có sạt lở. Nhìn từ huyện Tương Dương là thấy rõ. Chỉ tính riêng hoàn lưu mưa bão số 4 mới đây, đã tác động nhiều đến tình hình xã hội của địa phương này. Toàn huyện Tương Dương có đến 114 hộ dân bị ảnh hưởng về nhà ở, với các trạng thái như đất sụt, đá lăn… buộc phải di dời tạm thời. Những hình ảnh từ hiện trường cho thấy, hàng chục căn nhà tại các bản làng huyện Tương Dương sẽ chẳng thể ở được vì quá nguy hiểm do đất đá sạt xuống.

Huyện Kỳ Sơn, Quế Phong, Con Cuông… cũng chung tình cảnh với rất nhiều hộ dân nằm rải rác khắp các bản làng đang chịu số phận đất sạt tràn xuống vùi lấp nhà; thậm chí, nhiều ngôi nhà đã bị “xóa sổ”. Chủ tịch UBND huyện Quế Phong Dương Hoàng Vũ chia sẻ: Nhiều ngôi nhà bị đổ sập do sạt lở đất từ núi tràn xuống buộc phải di dời. Ngoài ra, còn có 41 hộ dân với 1.186 nhân khẩu cũng phải di dời tạm thời do xuất hiện sạt lở taluy dương, taluy âm.

Còn Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn Vi Hòe cũng cho rằng: Thực trạng đời sống dân cư sẽ còn diễn biến phức tạp do thiên tai gây ra. Ngay như ở huyện Kỳ Sơn, mỗi năm thiên tai sẽ lại làm biến đổi, thay đổi nhiều thông tin, số liệu về thực trạng kinh tế, xã hội của địa phương. Tất cả những thay đổi này, chúng tôi đều có báo cáo nhanh kịp thời gửi lên UBND tỉnh và các sở, ngành.

Sạt lở khiến người dân ở xã Lạng Khê, huyện Con Cuông phải di dời nhà ở


Không chỉ sạt lở đất ảnh hưởng đến các hộ dân cư, mà nhiều công trình khác như các tuyến đường giao thông huyết mạch, cầu, cống thoát nước… ở khu vực miền núi Nghệ An cũng đang bị ảnh hưởng, tiềm ẩn nhiều rủi ro do mưa kéo dài dẫn đến đất lở tràn xuống.

Căn cứ để quy hoạch dân cư

Tháng 7 và tháng 8/2024, toàn quốc nói chung, tỉnh Nghệ An nói riêng đã diễn ra cuộc điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS. Kết quả điều tra là nhằm phục vụ xây dựng và hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho các vùng DTTS trong những giai đoạn kế tiếp có ý nghĩa quan trọng. Bởi thông tin từ kết quả điều tra sẽ phản ánh rõ nét thực tế cơ sở; để xây dựng chính sách cũng như thực hiện công tác đầu tư sát đúng hơn, hiệu quả hơn.

Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn Vi Hòe nêu ý kiến: Từ thực trạng diễn biến thiên tai ở Kỳ Sơn, chúng tôi nhận thấy, rất cần một chiến lược bài bản, dài hơi về di dân, tái định cư hoặc xen dắm… Lâu nay, những điểm tái định cư được đầu tư đều là những giải pháp khắc phục hậu quả.

Theo đó, từ kết quả điều tra thực trạng 53 DTTS mới đây, và từ thực tế mưa lũ hằng năm của địa phương… thì rất cần có một quy hoạch bài bản về nơi ăn, chốn ở cho người dân theo phương châm chủ động. Việc chủ động có các giải pháp phòng chống sạt lở, chính là giải pháp ứng phó tốt nhất thay vì cứ chờ nó xảy ra rồi mới khắc phục, giải quyết.

Hỗ trợ nhà dân bị đổ sập do sạt lở đất ở xã Thông Thụ, huyện Quế Phong


Đồng quan điểm này, Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong Bùi Văn Hiền cũng nói: Địa bàn chúng tôi cũng đầy bất an mỗi khi có mưa bão xảy ra. Hằng năm, địa phương rất vất vả trong việc tổ chức di dời người dân và tài sản, khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Ngay đợt mưa kéo dài do hoàn lưu bão số 4 cũng đã làm thay đổi nhiều thông tin về hiện trạng kinh tế xã hội của huyện khi có đến nhiều hộ dân bị sập nhà, di dời nhà do sạt lở… Vì thế, có nhiều hộ từ khá, trung bình sẽ rớt ngay xuống hộ nghèo, cận nghèo do ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập, đời sống dân sinh sau mưa bão…

"Thế nên, những điều chỉnh khi thực hiện hoạch định chính sách cho vùng DTTS, nhất là vùng chịu nhiều thiên tai thì cần tham khảo, bổ sung thêm số liệu từ các đợt mưa lũ hằng năm để chính xác hơn. Đó cũng là căn cứ để quy hoạch dân cư hợp lý, khoa học, hiệu quả hơn", Phó Chủ tịch UBND huyện Bùi Văn Hiền nhấn mạnh.

Cuộc điều tra 53 DTTS vừa lắng xuống, thì thiên tai ập đến với những hậu quả nặng nề, làm thay đổi thực trạng kinh tế, xã hội của địa phương; trong đó có Nghệ An. Dẫu rằng, cuộc điều tra đã xảy ra từ trước những diễn biến mới về thực trạng kinh tế - xã hội của mỗi địa phương do thiên tai; nhưng những số liệu mới ấy, không thể xem thường.

Phó Cục trưởng Cục Thống kê Nghệ An Nguyễn Trung Kiên thông tin: Việc điều tra thực trạng 53 DTTS là tính theo thời điểm. Thống kê chỉ tính thực tế vào thời điểm điều tra để có mốc so sánh từng thời điểm; ví dụ như các mốc 1/1, 1/4, 1/7, 31/12… Và các mốc này là căn cứ để tính sự tăng trưởng, hoặc giảm đi trong một thời gian nhất định, 6 tháng hay 1 năm… Còn, những thay đổi của địa bàn điều tra do ảnh hưởng của thiên tai, như sạt lở đất, các thiết chế văn hóa và thông tin… thì các nhà hoạch định chính sách sẽ có sự điều chỉnh.

Tác giả: An Yên

Nguồn tin: baodantoc.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP