Tin trong tỉnh

Trợ giúp pháp lý đồng hành cùng đồng bào DTTS vùng sâu xa Nghệ An

Thực hiện chức năng xã hội của Nhà nước, giúp đỡ về mặt pháp luật cho người nghèo, người dân tộc thiếu số (DTTS), người có công với cách mạng, người yếu thế trong xã hội. Các trợ giúp viên của Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước tỉnh Nghệ An đang dần trở thành một bộ phận không thể thiếu trong đời sống pháp luật của mọi người dân, đặc biệt là những người được thụ hưởng chính sách tại 3 huyện nghèo của tỉnh Nghệ An.

Đồng bào DTTS miền núi tại Nghệ An luôn được các trợ giúp viên đồng hành về pháp luật.

Trong những năm qua, rất nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đã được các trợ giúp viên của Trung tâm hỗ trợ miễn phí về pháp luật. Vì thế, nhiều người đã nắm rõ hơn về pháp luật, hoặc đòi lại được những quyền lợi của mình mà do mình thiếu hiểu biết về pháp luật nên không biết.

Để thực hiện các kế hoạch trợ giúp Sở Tư pháp Nghệ An đã ban hành kế hoạch số 24 ngày 10/1/2023 về kế hoạch trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2023. Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Nghệ An đã tổ chức 4 cuộc tập huấn về trợ giúp pháp lý với hơn 500 người tham dự.

Qua đó những người tham gia đã nắm bắt được những quy định của pháp luật về chính sách trợ giúp pháp lý, nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Các trợ giúp viên trợ giúp pháp lý cho đồng bào miền núi

Kết quả, trong năm 2023, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Nghệ An thụ lý 1291 vụ, việc trong đó việc tư vấn 159 việc; vụ việc đại diện ngoài tố tụng là: 9; vụ việc tham gia tố tụng và là 1123 vụ việc (kì trước chuyển qua 327, thụ lý trong kỳ 805 vụ, việc). Tổng số vụ việc của Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Nghệ An tăng cao (299 vụ, việc) chiếm 30,14%.

Trong năm, Trung tâm đã kí hợp đồng thực hiện TGPL với 3 Luật sư để thực hiện các đợt trợ giúp. Tổng số lượt người được TGPL là 915 lượt/1291 vụ việc chiếm 70,87% , trong đó số lượt người được trợ giúp bằng hình thức tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng là 756 lượt/1123 vụ việc chiếm 67,4%. So với cùng kì năm 2022 số lượt người được trợ giúp pháp lý tăng 199 lượt.

Những buổi tập huấn, trợ giúp thu hút rất đông người dân tham gia.

Nhìn chung các đối tượng được trợ giúp pháp lý chủ yếu là nam giới 762/915 chiếm 83,27%; Đối tượng thuộc diện người dân tộc thiểu số 423/915 chiếm 46,22%; Người bị buộc tội từ đủ 16 đến 18 tuổi 194/915 chiếm 21,2 %; Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo 56/915 chiếm 6,1 %; người thuộc hộ nghèo 36/915 chiếm 3,9%...

Trong năm 2023, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Nghệ An đã triển khai được 37 đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý và tư vấn pháp luật về cơ sở cho các xã, thôn, bản thuộc các huyện Tương Dương, Tân Kỳ, Quỳ Châu, Con Cuông. Số người tham dự truyền thông hơn 2.300 lượt người.

Hội nghị tập huấn về tiếp cận trợ giúp pháp lý vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Nghệ An

Cùng với đó, Trung tâm đã tổ chức thực hiện 2 cuộc tập huấn điểm về tiếp cận trợ giúp pháp lý cho 328 già làng, trưởng bản của hai huyện Tương Dương và Kì Sơn. Cung cấp 130 Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý cho 130 thôn, bản thuộc huyện Tương Dương và 5000 tờ gấp pháp luật cho các thôn, bản thuộc huyện Kì Sơn.

Ngoài trụ sở chính, Trung tâm mở hai chi nhánh đóng tại TX Thái Hoà (tuyến đường QL 48) thuận tiện cho đồng bào DTTS các huyện miền núi như Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn đi lại và chi nhánh đặt tại huyện Tương Dương tuyến QL7A nơi đồng bào DTTS các huyện miền núi như Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông sẽ thuận tiện trong giao thông khi đến liên hệ để được trợ giúp.

Trợ giúp viên Nguyễn Văn Hùng - Trưởng chi nhánh TGPL số 3 tại Tương Dương luôn đồng hành sát cánh cùng với những bà con DTTS, những người yếu thế.

Hiệu quả hoạt động của Chi nhánh ngày càng được khẳng định, nhiều đối tượng thuộc diện TGPL đã được hướng dẫn, giải quyết vướng mắc, tranh chấp ngay tại cơ sở, giảm tải việc đi lại của người dân, góp phần giảm bớt đơn thư, khiếu kiện vượt cấp, kéo dài. Hiệu quả của hoạt động phối hợp TGPL giữa một số cơ quan tiến hành tố tụng với Trung tâm TGPL ngày càng hiệu quả và thực chất.

Nghệ An là tỉnh có địa bàn rộng, đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý chiếm khoảng 50% dân số nhưng lại tập trung ở những vùng có địa hình phức tạp, hiểm trở, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn.

Vì vậy, công tác tuyên truyền pháp luật chưa đến được với nhiều thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng cao. Những cán bộ Trợ giúp pháp lý luôn là điểm tựa để những người yếu thế tìm đến khi có những vướng mắc về mặt pháp luật.

Tác giả: Ngô Toàn

Nguồn tin: baophapluat.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP