Nằm dọc theo Quốc lộ 1A, con đường huyết mạch chiến lược của đất nước, thị xã Hoàng Mai là điểm giao thoa giữa hai đô thị lớn của khu vực Bắc miền Trung là Thanh Hóa và Vinh, có vị trí tiếp giáp với khu kinh tế Nghi Sơn, vùng Phủ Quỳ và huyện Quỳnh Lưu của tỉnh Nghệ An. Nhìn ở phạm vi địa phương, nếu xem Nghệ An là hình ảnh thu nhỏ của Việt Nam thì Hoàng Mai lại là hình ảnh thu nhỏ của Nghệ An.
Biển Quỳnh Phương |
Là vùng đất hội đủ ba vùng sinh thái biển, đồng bằng và rừng núi, với những lợi thế để phát triển nông - lâm - ngư nghiệp và đặc biệt là du lịch, với một hệ thống giao thông cũng hết sức thuận lợi. Chính vì vậy mà trong chiến lược phát triển của địa phương, thị xã trẻ Hoàng Mai còn gánh thêm trọng trách là thị xã công nghiệp, một trong ba cực tăng trưởng của tỉnh Nghệ An.
Tiềm năng và định hướng
Tiềm năng ấy, chiến lược ấy thời gian qua đã đem đến những kết quả mang tính định lượng: Tính đến nay, Hoàng Mai có trong tay một nguồn “vốn liếng” đáng để tự tin là ba khu công nghiệp đã và đang đi vào hoạt động, là các Khu công nghiệp Hoàng Mai, Đông Hồi và Căn Bòng.
Ngoài ra, với lợi thế đặc biệt về các nguồn tài nguyên thiên nhiên phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng, từ lâu nay Hoàng Mai cũng đã có chiến lược tập trung ưu tiên phát triển ngành công nghiệp này, với các nhà máy xi măng, nhà máy sản xuất bột đá trắng, gạch tuynel…
Đi liền với đó là các Nhà máy Tôn Hoa Sen, Nhà máy May Vinatex; tổ hợp khách sạn 4 sao và thương mại tổng hợp Mường Thanh đang hoạt động có hiệu quả… và đang tiếp tục triển khai các dự án lớn khác như Dự án Tổ hợp Nhiệt điện Quỳnh Lập có tổng vốn đầu tư trên 2 tỷ USD.
Thế nhưng nếu xem một vùng kinh tế công nghiệp trên đà phát triển mạnh mẽ là một lợi thế để phát triển, thì với xuất phát điểm của một địa phương có gốc gác từ nông nghiệp, với tỷ lệ người dân sống dựa vào nghề nông còn khá cao như Hoàng Mai hiện nay, thì xét góc độ nào đó, lợi thế đó cũng là thách thức phải tính tới để vượt qua.
Mặc dù được định hướng chú trọng phát triển công nghiệp, dịch vụ, thương mại và du lịch. Nhưng thực tế, 70% thu nhập của người dân vẫn dựa vào nông nghiệp. Bên cạnh các ưu thế phát triển ngành mũi nhọn, Hoàng Mai có đủ điều kiện về đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu để kỳ vọng về một lối đi riêng, trong lĩnh vực này.
Về mặt tự nhiên, diện tích đất nông nghiệp của Hoàng Mai có 17 ngàn ha, có triền dốc và bãi ngang, là mảnh đất màu mỡ để phát triển các loại rau màu, hay cây nông nghiệp có giá trị cao.
Hoàng Mai cũng được kế thừa những làng nghề truyền thống nơi địa đầu xứ Nghệ, với những sản phẩm đã có uy tín và thương hiệu trên thị trường. Đặc biệt là những sản phẩm có tính đặc thù do thổ nhưỡng hay công nghệ chế biến như su su Quỳnh Liên; nước mắm, ruốc Quỳnh Dị; mực, cá trỏng, tôm nõn Quỳnh Lập, Quỳnh Phương; tinh bột nghệ Quỳnh Vinh; rau thơm Quỳnh Vinh, Quỳnh Dị, Quỳnh Thiện…
Rõ ràng cơ hội là có, nhưng tận dụng những cơ hội đó như thế nào để hoàn thành công cuộc công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn từ những tiềm năng ấy? Trả lời câu hỏi này chắc chắn không thể chỉ dựa vào kinh nghiệm mà cần có sự đột phá về mặt tư duy.
Một ví dụ về tư duy hay kinh nghiệm
Có một câu chuyện rất ý nghĩa tôi tình cờ đọc được trên báo. Chuyện kể về hai người bán lạc rang trên cùng một con phố nhỏ. Người thứ nhất, cứ sau mỗi lần rang lạc bỏ đầy vào túi, ông ta lại lấy bớt vài hạt cho vào một cái hộp, làm xong thì đã có mấy túi lạc rang để trong hộp riêng… Hao tâm tổn sức vì hạt lạc, so đo tính toán từng ly từng tý, nhưng cuối cùng anh ta cũng không thay đổi được cuộc sống của mình.
Người thứ hai thì ngược lại. Anh ta đặt trước cửa hàng của mình một tấm biển: “Lạc của tôi cam đoan là tồi nhất thị trấn này”. Ai đi qua cũng không nhịn được cười. Nhưng vẫn dừng lại mua. Sau một thời gian, anh ta đã cho in dòng chữ này lên túi lạc. Công việc làm ăn ngày càng phát đạt, anh ta phải thuê thêm người đi bán lạc cho mình, rồi dần dần trở nên giàu có.
Hai người bán cùng một sản phẩm, trên cùng một khu vực, nhưng phương pháp khác nhau, nên cho thành quả khác nhau. Dẫn một ví dụ có vẻ không liên quan đến nghề nông, tôi muốn nhấn mạnh đến yếu tố tư duy trong cách làm ăn của bà con nông dân. Dù bán buôn nhỏ lẻ hay đầu tư tiền tỷ vào một đầm tôm, một khu vườn trồng rau sạch, đều cần được tiến hành bằng cả hai vốn quý: kinh nghiệm và tư duy.
Rõ ràng là tư duy không chỉ quyết định cơ hội của một con người mà còn thay đổi cả số phận của họ. Xã hội càng phát triển, chất lượng cuộc sống của con người được nâng cao thì nhu cầu của con người về lương thực, thực phẩm cũng ngày càng tăng cả về số lượng, chất lượng và chủng loại. Đây là cơ hội lớn của ngành nông nghiệp nói chung, nông nghiệp Hoàng Mai nói riêng.
Được thành lập từ năm 1994, Công ty TNHH Hải Tuấn chuyên sản xuất tôm giống, nuôi tôm thương phẩm. Sau 20 năm khởi nghiệp, công ty đã có 15 ha nuôi tôm thương phẩm, thu hoạch gần 200 tấn tôm thương phẩm, trại sản xuất tôm giống cung cấp 60 - 100 triệu tôm/năm cho người nuôi, giải quyết việc làm cho 40 lao động địa phương. Đây là cơ sở đầu tiên trong tỉnh Nghệ An cho sinh sản thành công giống tôm thẻ chân trắng.
Nếu như chỉ nhìn vào con số báo cáo thì có lẽ bất kỳ ai cũng cho rằng, công cuộc start-up với tôm giống của Nguyễn Hồng Cương, Giám đốc Công ty TNHH Hải Tuấn vô cùng suôn sẻ, thậm chí, người lạc quan còn ví von là được trải bằng hoa hồng.
Thế nhưng chẳng có thành công nào lại dễ dàng đến thế. Làm nông nghiệp truyền thống đương nhiên phải “trông trời trông đất trông mây”. Sau bao tháng ngày bươn chải, nếu may mắn thì thành công gặt hái được cũng chỉ là kết tinh của mồ hôi công sức. Thế nhưng chẳng may nếu mưa không thuận gió chẳng hòa thì bao nhiều công sức ấy lại thành vô nghĩa hết.
Gặp Nguyễn Hồng Cương, nghe anh chia sẻ câu chuyện về những ngày đầu khởi nghiệp, đối mặt với bao bỡ ngỡ do thiếu kinh nghiệm… Thời gian đầu do môi trường còn sạch nên được mùa. Nhưng được vài vụ, do sự biến đổi và đặc tính nhạy cảm của tôm, nên dịch bệnh xuất hiện, lo cho tôm còn hơn lo cho thân mình… Không ít mùa, người nuôi tôm phải vật lộn chống chọi với dịch bệnh, trong nỗi ám ảnh “dã tràng xe cát”. Ấy là còn chưa nói đến thiên tai mà câu chuyện gần nhất là về trận lũ năm 2013 vẫn còn đầy ám ảnh…
Năm ấy đê vỡ, lũ tràn về trong chốc lát, nước dâng lên quá nhanh khiến người nuôi tôm trở tay không kịp. Những ao tôm đến kỳ thu hoạch trôi đi cùng dòng nước xiết. Nhà kho chứa thức ăn vật tư bị nhấn chìm. Tay trắng. Tiền hỗ trợ thiên tai sau lũ không đủ để bắt đầu vụ mới…
Những mất mát tưởng không thể nào gượng dậy nổi ấy đã đặt người nông dân vào cái thế buộc phải hiểu ra rằng, nếu không thay đổi công nghệ và kỹ thuật cho phù hợp, chỉ phó thác hoàn toàn cho ông trời, thì mồ hôi nước mắt tài sản của mình, của gia đình ắt sẽ có ngày đổ sông đổ bể… Vậy là một tư duy mới đã thực sự hình thành từ kinh nghiệm sống còn
Con đường nào cho nông nghiệp Hoàng Mai?
Trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng chủ đạo và tất yếu, là giải pháp mạnh, hiệu quả trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Ngoài vai trò chính là cung cấp lương thực thực phẩm cho xã hội, nông nghiệp và nông thôn còn là thị trường tiêu thụ lớn của công nghiệp.
Sự thay đổi về cầu trong khu vực nông nghiệp, nông thôn sẽ có tác động trực tiếp đến sản lượng ở khu vực phi nông nghiệp. Phát triển mạnh mẽ nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho dân cư nông nghiệp, làm tăng sức mua từ khu vực nông thôn sẽ làm cho nhu cầu về sản phẩm công nghiệp tăng, thúc đẩy công nghiệp phát triển và ngược lại, khi công nghiệp phát triển sẽ từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm của nông nghiệp, tăng sức cạnh tranh với thị trường thế giới.
Trước thực tế đầy cơ hội nhưng lại cũng vô cùng thách thức ấy, một trong những hướng đi phù hợp cho nông nghiệp Hoàng Mai là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa mang tính đặc thù chỉ nơi này mới có, khẳng định bằng chất lượng để cạnh tranh trên thị trường. Để làm được điều đó, bài toán cho những địa phương muốn cất cánh từ nông nghiệp như Hoàng Mai cần phải giải quyết những vấn đề cụ thể sau:
Thứ nhất: Quy hoạch vùng sản xuất, có cơ chế để tích tụ ruộng đất theo phương châm ai giỏi nghề gì thì đầu tư để phát triển nghề đó; Thứ hai: Tạo sự liên kết trong sản xuất, hình thành các HTX và hội nghề nghiệp để tương trợ nhau về sản xuất và tìm kiếm thị trường; Thứ ba: Khơi dậy và đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ sản xuất mới vào chế biến truyền thống để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, nhất là chất lượng giống, quy trình sản xuất sạch, an toàn; Thứ tư: Đăng ký thương hiệu sản phẩm, tạo uy tín trên thương trường; Thứ năm: Liên kết sản xuất với tiêu thụ, nhất là các siêu thị lớn, và thị trường trong và ngoài nước.
Tất cả những yếu tố trên là động lực để Hoàng Mai tự tin tiến tới mục tiêu: mỗi làng xã là một sản phẩm. Không chỉ tận dụng ưu thế có tính đặc thù của địa phương, thông qua các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao có thương hiệu, uy tín, nông nghiệp Hoàng Mai sẽ tạo đà để công nghiệp, thương mại và dịch vụ - ngành kinh tế mũi nhọn của thị xã cất cánh bay cao.
Tác giả: H.Y (t/h)
Nguồn tin: Thời báo Ngân hàng