Tin trong tỉnh

Hồi sinh loài cây "biểu tượng" đất Phủ Quỳ những năm 90

Những cánh rừng quế bạt ngàn đang dần phủ kín ở nhiều làng ở huyện biên giới Quế Phong, Nghệ An. Một loại cây được xem như "biểu tượng" đang dần trở lại với vị thế vốn có ở vùng đất Phủ Quỳ xưa kia…

Cây quế - "biểu tượng" trên vùng đất biên giới

Khoảng những năm 70 đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi nhắc đến cây quế ở vùng đất phủ Quỳ gồm các huyện như: Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Nghĩa Đàn không ai là không biết đến. Việc khai thác, bán quế thời đó cũng "nổi tiếng" không kém gì "cơn sốt" đá đỏ Quỳ Châu vào những năm thập niên 80, đầu những năm 90 của thế kỷ trước.

Hồi xưa, họ biết cây quế từ những cánh rừng tự nhiên, khi ấy cây quế mọc tự nhiên xen kẽ với những cây rừng khác. Quế thời đó rất nhiều, nhiều nhất là các vùng Quỳ Châu và Quế Phong ngày nay.

Những cánh rừng quế xanh mướt ở khắp bản làng huyện biên giới Quế Phong.

Cùng với sự thu hẹp của những cánh rừng tự nhiên theo thời gian, những cây quế cổ thụ đã dần bị đốn hạ để bán cho thương lái với cái giá mà nhiều người dân nghèo ở vùng cao thời đó dù có làm việc vất vả cả đời chưa chắc đã dám mơ tới. Khi đó, cây quế dường như là "biểu tượng" của vùng đất này.

Anh Bùi Văn Hùng, ở xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu, người một thời từng đi buôn quế, nhớ lại: "Thời đó giá quế vỏ đắt lắm. Những cây quế ở trong rừng vì thế bị người dân đi khai thác trộm nhiều. Khi đó lực lượng kiểm lâm, công an và chính quyền kiểm tra, xử lý gắt gao nhưng vì giá quế đắt nên người dân vẫn cứ vào rừng bóc trộm".

Anh Ngân Văn Tuấn, Trưởng bản Na Hứm, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong, kể lại: Xưa kia ở xã Thông Thụ cây quế rất nhiều.

"Tôi lớn lên đã thấy cây quế già ở trong rừng, thế nhưng sau đó do giá quế đắt, nhiều thương lái ở dưới xuôi đi tìm thu mua nên dân bản vào rừng bóc trộm về bán kiếm lời. Dần dà, quế rừng gần như hết…", anh Tuấn kể lại.

Vườn ươm giống quế Quỳ ở bản Na Chạng, xã Tiền Phong với quy mô trên 10 vạn cây để cung ứng cho người dân mở rộng diện tích cây quế.

Anh Hà Minh Tuấn - Bí thư Đảng ủy xã Châu Kim, huyện Quế Phong trên đường dẫn chúng tôi vào trang trại rộng 3ha của gia đình kể: "Trước đây quế chủ yếu mọc tự nhiên thôi, nhưng sau đó người dân khai thác trộm nhiều nên cây to hầu như đã bị chặt hạ. Ở xã Châu Kim chúng tôi một số khu vực nay vẫn còn sót lại những cây có đường kính 10-20cm. Sau khi chủ trương giao đất, giao rừng thì những cánh rừng gần như đã có chủ nên giờ người dân bảo vệ được cây quế tự nhiên khá nhiều".

Xanh lại những cánh rừng quế

Trang trại của gia đình anh Tuấn không rộng. Chỉ khoảng 3ha nhưng có đầy đủ suối, đồi và nhiều hồ được đào theo hình bậc thang để nuôi cá và lấy nước tưới cho vườn ươm giống chè hoa vàng của gia đình.

Nói thêm về cây quế, anh Tuấn, cho hay, trang trại của gia đình rộng khoảng 3ha thì cây quế chiếm khoảng 2ha. Những cây quế lớn mọc tự nhiên còn sót lại, còn những cây nhỏ hơn là gia đình trồng thêm qua các năm. Trồng cây quế là để thu hoạch lá, cành chiết xuất tinh dầu, còn vỏ để bán cho thương lái được giá khá cao.

"Ngoài ra, mục đích trồng quế của gia đình tôi là để tận dụng tán mát để che cho cây chè hoa vàng. Bởi cây chè hoa vàng thích hợp trồng xen những cây bóng mát chứ để nắng trực tiếp là cây bị héo rất dễ rồi chết", anh Tuấn chia sẻ thêm.

Cán bộ Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc cây quế.

Cũng theo anh Tuấn, cả xã Châu Kim hiện nay diện tích trồng cây quế khoảng trên dưới 200 héc ta, hàng năm người dân nơi đây bán và cho thu nhập khá cao. Diện tích trồng cây quế ở xã Châu Kim vì thế sẽ còn tăng thêm theo thời gian…

Anh Nguyễn Văn Mạnh - Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế (Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt) cùng đồng nghiệp chở chúng tôi vào bản Na Hứm, xã Thông Thụ - nơi có 50 hộ dân trồng khoảng trên 70 héc ta cây quế.

"Dân bản ở đây rất khoái trồng cây quế. Trước đây, có thời họ nói "không" với loại cây này vì lúc đó giá rẻ, đời sống của bà con khó khăn nên họ chuyển sang trồng cây keo cho thu hoạch sớm hơn. Thế nhưng, thời gian gần đây sau khi bán keo họ lại chuyển sang trồng cây quế vì những lợi ích kinh tế vượt trội mà loài cây này mang lại", anh Mạnh nói.

Cánh rừng quế của anh Ngân Văn Tuấn, ở bản Na Hứm, xã Thông Thụ.

Anh Ngân Văn Tuấn, người đang sở hữu khoảng 1 vạn cây quế trên diện tích hơn 4ha ở bản Na Hứm, cho biết: "Sau khi vào tái định cư tại bản Na Hứm từ dự án thủy điện Hủa Na, tôi bắt đầu trồng cây quế từ năm 2004. Lúc đó, giá thương lái thu mua quế đã bắt đầu tăng, hơn nữa bản thân tôi nghĩ cây quế là loài cây bản địa. Từ thời cha ông đều trồng cây quế, đất vùng này rất hợp, phát triển rất tốt. Tương lai sẽ rất đáng chờ đợi…".

Cũng theo anh Tuấn, trong những năm gần đây, được sự vận động của cán bộ Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt cũng như hỗ trợ về giống cây, kỹ thuật, phân bón…nên người dân như anh rất tự tin trồng loại cây này thay thế cây keo có nhiều rủi ro gãy đổ do mưa bão, giá trị kinh tế thấp.

"Cán bộ Pù Hoạt hướng dẫn chúng tôi trồng quế mỗi cây phải cách nhau 3 đến 3,5m; đào hố sâu 20x20cm, phân không nên bón nhiều vì quế là cây có tính chất nóng… có thế cây mới phát triển tốt", anh Tuấn, cho biết thêm.

Anh Lang Văn Châu, ở bản Na Hứm, xã Thông Thụ, tâm sự rằng: Trước đây gia đình cũng trồng cây keo, từ 5-7 năm là cho thu hoạch, nhưng mức đầu tư về giống, phân bón, hàng rào, chăm sóc…chi phí đầu tư rất cao; đặc thù vùng núi cũng hay bị gió lốc khiến keo bị gãy đổ rất nhiều, năng suất thấp nên thu hoạch không được bao nhiêu.

Mô hình trồng cây quế tại xã Tiền Phong, huyện Quế Phong.

Sau khi tìm hiểu, gia đình anh Châu thấy được những giá trị của việc trồng cây quế nên từ năm 2014 anh đã trồng 7.000 cây trên diện tích khoảng 2ha.

"Cây quế phát triển rất tốt, cho thu hoạch phần tỉa cành, lá bán cho thương lái chiết xuất tinh dầu. Mỗi đợt cắt tỉa cảnh như vậy cũng bán được vài triệu đồng. Lấy ngắn nuôi dài, cây quế chỉ cần trồng vài ba năm là cắt tỉa cành để bán, cho thu nhập, vừa để "nuôi" thân cây, cho cây phát triển nhanh hơn. Phần thu hoạch từ việc cắt tỉa cành, lá cây quế để quay vòng đầu tư phân bón, công chăm sóc và các chi phí đầu tư khác…", anh Châu, phấn khởi cho biết.

Ông Nguyễn Văn Sinh - Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt được biết, từ năm 2018, Ban quản lý Khu bảo tồn phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ đã tổ chức điều tra, đánh giá, chọn lọc cây trội quế quỳ trong rừng trồng tại xã Tiền Phong, Mường Nọc với một quy trình khắt khe được đưa về vườn ươm giống cây Na Chạng, xã Tiền Phong.

Theo đó, cây quế được sưu tầm chọn lựa ở hàng trăm hộ dân, được tính toán các giá trị trung bình của đường kính, chiều cao vút ngọn, chiều cao dưới cành, đường kính tán, độ dày vỏ trên cây vào phiếu điều tra cây trội.

"Trong hàng ngàn cây, các chuyên gia chỉ chọn được 10 cây trội đạt các tiêu chuẩn. Các cây này sau khi được Sở, ngành thẩm định, công nhận và cấp chứng chỉ đã được lập hồ sơ quản lý để phục vụ việc nhân giống lâu dài", ông Sinh cho biết.

Những cây quế phát triển tốt ở các khu rừng trên địa bàn Quế Phong hiện nay.

"Quế ở vùng đất này là cây đặc sản, tinh dầu quế của nó có các thông số vượt trội so với các giống quế ở các địa phương khác. Quế là nguyên liệu quý trong công nghiệp dược phẩm và thực phẩm, gỗ quế còn được dùng làm đồ mộc gia dụng. Vì thế, cây quế là cây đa mục đích không chỉ nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo mà kỳ vọng sẽ là cây làm giàu cho đồng bào vùng sâu, vùng xa của huyện miền núi Quế Phong", ông Sinh chia sẻ thêm.

Tại vườn ươm Na Chạng đang có trên 10 vạn cây quế giống hơn 4 tháng tuổi. Cây giống khi đến 1 năm tuổi là sẽ bắt đầu đủ điều kiện cung ứng cho người dân trồng. Từ năm 2017 đến nay, được sự hỗ trợ giống và kỹ thuật của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt thì người dân ở nhiều xã như Thông Thụ, Đồng Văn, Tiền Phong, Hạnh Dịch…đã trồng được hơn 250ha cây quế.

Tác giả: Nguyễn Duy

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP