Tin trong tỉnh

Hội thảo đề xuất giải pháp cải tạo, phục hồi và phát triển cây cam trên địa bàn tỉnh

Chiều 5/1, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo đánh giá thực trạng suy thoái; đề xuất giải pháp cải tạo, phục hồi và phát triển cây cam trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Các đồng chí: Trần Quốc Thành – Giám đốc Sở KH&CN; Võ Thị Hồng Nhung – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội thảo

Đề xuất giải pháp chăm sóc, cải tạo, phục hồi diện tích cam hiện có

Giám đốc Sở KH&CN Trần Quốc Thành phát biểu

Phát biểu khai mạc, đồng chí Trần Quốc Thành – Giám đốc Sở KH&CN cho biết: Cây cam là cây trồng chính được trồng lâu đời ở tỉnh Nghệ An và đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội trong một thời gian dài cho tỉnh nhà, bên cạnh đó còn làm nên thương hiệu cho Nghệ An với chỉ dẫn địa lý “cam Vinh”. Theo các đề án trọng điểm của tỉnh thì kế hoạch phát triển cam đến năm 2025 đạt 6.100 ha và mục tiêu đến năm 2030 đạt 8.400 ha. Nếu đạt được các mục tiêu này, cây cam sẽ góp phần to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Tuy nhiên, trong khoảng 5 năm gần đây diện tích cam giảm nhiều do suy thoái; năng suất, chất lượng cam bị suy giảm. Do vậy việc tổ chức hội thảo khoa học “Đánh giá thực trạng suy thoái; đề xuất giải pháp cải tạo, phục hồi và phát triển cây cam trên địa bàn tỉnh Nghệ An” là rất cần thiết nhằm đánh giá rõ thực trạng và làm rõ các nguyên nhân suy thoái cam; từ đó đề xuất giải pháp chăm sóc, cải tạo, phục hồi diện tích cam hiện có; đề xuất các pháp phát triển trồng mới cây cam.

Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Lê Văn Khánh báo cáo “Đánh giá thực trạng suy thoái; đề xuất giải pháp cải tạo, phục hồi và phát triển cây cam trên địa bàn tỉnh Nghệ An”

Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Lê Văn Khánh cho biết: Tính đến tháng 10/2022, diện tích cây cam trên toàn tỉnh (10 huyện, thị trồng cam) khoảng hơn 2.700 ha. Quá trình khảo sát, làm việc với các huyện đầu tháng 11/2022 cho thấy, sau đợt mưa lớn, kéo dài trong tháng 10 vừa qua, diện tích thực tế đến nay có thể chỉ ở mức 2.200 - 2.500 ha. Năng suất cam trên địa bàn tỉnh ước đạt trung bình năm 2022 chỉ khoảng 7,0 – 7,5 tấn/ha.

Việc suy thoái cam trên địa bàn tỉnh hiện nay có nguyên nhân lớn từ dịch bệnh; trong đó nhiều vùng bị bệnh greening phổ biến, bệnh vàng lá thối rễ do nấm phá hoại nặng sau mùa mưa, bệnh thối nâu do nấm gây thối, rụng quả; ruồi vàng, ngài chích hút và các sâu bệnh khác. Bên cạnh đó, có một phần nhỏ từ việc giống trồng ban đầu không đảm bảo chất lượng và một phần giống bị suy thoái; người trồng cam chưa có nhiều kiến thức về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cam; môi trường trồng cam có sự biến đổi; hàm lượng, chất lượng vật tư nông nghiệp chưa được kiểm soát hoàn toàn...

Hiện diện tích cam sinh trưởng, phát triển, cho năng suất, chất lượng bình thường, chưa bị suy thoái là 1.019,9 ha, chiếm 38,3% diện tích cam hiện có. Đối với diện tích này, cần tổ chức đào tạo tập huấn quy trình kỹ thuật. Các đơn vị cấp tỉnh, huyện sử dụng các nguồn ngân sách khác nhau hỗ trợ người dân trong chăm sóc cam; tổ chức các hoạt động nhằm giúp người trồng cam tiêu thụ sản phẩm với giá bán không quá thấp (trên 30.000 đ/kg).

Đối với tổng diện tích cam suy thoái là 1.624,7 ha, trong đó suy thoái nặng là 345,3 ha, cần tiến hành phá bỏ càng sớm càng tốt để hạn chế lây lan dịch bệnh, đặc biệt là bệnh Greening.

Đối với diện tích cam suy thoái trung bình là 733,3 ha có cần đánh giá, xác định khả năng đầu tư, chăm sóc. Đối với diện tích cam suy thoái nhẹ là 546,1 ha thì cần đầu tư thâm canh để cải tạo, phục hồi; đồng thời đề xuất chính sách hỗ trợ để sản xuất chế phẩm phòng trừ sâu bệnh cung cấp cho việc chăm sóc, cải tạo, phục hồi các vườn cam hiện có.

Để phát triển diện tích trồng cây cam trong thời gian tới, cần thực hiện tốt công tác quy hoạch; xây dựng cơ chế, chính sách; sản xuất và cung ứng cây giống cam sạch bệnh; tập huấn quy trình kỹ thuật, phổ biến kiến thức; quản lý vật tư nông nghiệp; quản lý dinh dưỡng và dịch bệnh tổng hợp trên cây cam; ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất cam.

Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp Quán Vi Giang đề nghị xây dựng các nhà máy bảo quản, chế biến hoa quả tươi tại vùng trồng tập trung cây cam ở Phủ Quỳ nhằm góp phần chủ động giải quyết đầu ra sản phẩm cho người nông dân

Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông Vi Văn Quý đề xuất tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân để mở rộng diện tích cam trồng tập trung chuẩn VietGAP, sản xuất cam an toàn

Tại hội thảo, đại diện lãnh đạo UBND các huyện: Con Cuông, Quỳ Hợp, Yên Thành cho biết việc xây dựng mô hình áp dụng một số biện pháp kỹ thuật trong canh tác, phòng trừ sâu bệnh hại cam thời kỳ kinh doanh tại các địa phương đã mang lại hiệu quả thiết thực cho chủ vườn. Vườn cam được áp dụng mô hình đã giảm sự gây hại của sâu bệnh; giảm số lần phun thuốc hóa học, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế.

Các đại biểu đề nghị Sở KH&CN thường xuyên cử đoàn chuyên gia hướng dẫn tại vườn cho các hộ dân nắm rõ quy trình, cách cắt tỉa tạo tán, nhận biết và phòng trừ hiệu quả, an toàn các đối tượng dịch hại; có chính sách đầu tư xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến cho những vùng trồng tập trung, diện tích lớn hỗ trợ phá bỏ, tiêu hủy cây bị bệnh để trồng lại đối với những vùng trồng tập trung quy mô lớn; thay đổi công tác tập huấn tuyên truyền về kỹ thuật chăm sóc phòng trừ sâu bệnh hại cây cam theo mô hình tư vấn trực tiếp dạng bệnh viện cây trồng...

Xây dựng “Bộ quy trình cải tạo, phục hồi, chăm sóc cam suy thoái áp dụng cho các vườn cam suy thoái nhẹ và trung bình”

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Võ Thị Hồng Nhung phát biểu

Kết luận hội thảo, đồng chí Võ Thị Hồng Nhung – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhấn mạnh: Qua Hội thảo, cho thấy vấn đề suy thoái cây cam là rất nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến sản lượng cam mà còn ảnh hưởng đời sống dân sinh, kinh tế - xã hội của nhiều địa phương trong tỉnh, đặc biệt là ảnh hưởng rất lớn đến thương hiệu của chỉ dẫn địa lý “cam Vinh”.

Tiếp thu các ý kiến phát biểu tại Hội thảo, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết Sở NN&PTNT sẽ chủ trì phối hợp với Sở KH&CN tổng hợp kết quả xây dựng mô hình chăm sóc cam ở thời kỳ kinh doanh đã thực hiện trong các năm qua. Từ đó, phối hợp với các chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng như các tổ chức, cá nhân trồng cam tiêu biểu có nhiều kinh nghiệm để xây dựng “Bộ quy trình cải tạo, phục hồi, chăm sóc cam suy thoái áp dụng cho các vườn cam suy thoái nhẹ và trung bình”. Đồng thời, tham mưu các cơ chế, chính sách cải tạo đối với diện tích cam hiện có; quy hoạch mới vùng sản xuất cam cho tỉnh.

Đồng chí Võ Thị Nhung cho biết để duy trì và phát triển cây cam trên địa bàn tỉnh thì ngoài các nhiệm vụ của Sở NN&PTNT cần có sự phối hợp chặt chẽ từ Sở KH&CN, Sở Công thương. Trong đó, Sở NN&PTNT phối hợp với KH&CN tham mưu đề xuất chính sách đào tạo cán bộ kỹ thuật chuyên sâu về cây cam cho cấp tỉnh, cấp huyện; kêu gọi, tổng hợp và đề xuất các nhiệm vụ KH&CN về nhân giống cây cam sạch bệnh; nghiên cứu, ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ, chế phẩm sinh học tiên tiến, hiệu quả phục vụ cho sản xuất cam.

Cùng với đó, phối hợp với Sở Công thương tăng cường công tác xúc tiến thương mại các sản phẩm từ cam, nâng cao giá bán các sản phẩm từ cam. Hỗ trợ các trang thiết bị công nghiệp phục vụ sơ chế, chế biến các sản phẩm từ quả cam.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đề nghị chính quyền cấp huyện trước mắt, tổ chức đánh giá, tổng hợp lại diện tích cam cần cải tạo, phục hồi, trên cơ sở đó đề xuất nhu cầu tập huấn về quy trình kỹ thuật cải tạo, phục hồi. Sử dụng các nguồn kinh phí khác nhau, lồng nghép các chương trình để tổ chức tập huấn “Bộ quy trình cải tạo, phục hồi, chăm sóc cam suy thoái áp dụng cho các vườn cam suy thoái nhẹ và trung bình”; hỗ trợ người dân cải tạo, phục hồi cây cam suy thoái và chăm sóc cây cam chưa bị suy thoái, phối hợp với các cấp ngành kiểm tra, quản lý chặt chẽ vật tư nông nghiệp tại các vùng trồng cam.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cũng đề nghị các HTX, Doanh nghiệp, người sản xuất cam phân loại, xác định mức độ suy thoái cam để có các giải pháp phù hợp. Đối với diện tích đất trồng cam đã phá bỏ thì cần luân canh các cây trồng cải tạo đất như đậu đỗ, lạc… sau 3 – 5 năm để đất phục hồi và dịch bệnh đã giảm bớt thì tái canh theo quy hoạch trồng cam. Tăng cường việc tìm hiểu về quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cam; tham gia các lớp tập huấn, các chính sách, chương trình hỗ trợ cải tạo, phục hồi, chăm sóc và phát triển cây cam của các cấp.

Tác giả: Kim Oanh

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP