Tin trong tỉnh

Hội thảo thúc đẩy liên kết và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Bắc Trung Bộ

Sáng 13/10, Sở KH&CN phối hợp với Học viện Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo tổ chức Hội thảo thúc đẩy liên kết và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) vùng Bắc Trung Bộ.

Các đồng chí: Thân Ngọc Hoàng – Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Bộ KH&CN; Nguyễn Ngọc Song – Phó Giám đốc Học viện KH&CN và Đổi mới sáng tạo; Nguyễn Quý Linh - Giám đốc Sở KH&CN Nghệ An chủ trì hội thảo.

Quang cảnh hội thảo

Phối hợp chặt chẽ nhằm gia tăng đổi mới sáng tạo, xây dựng hệ sinh thái KNĐMST vùng Bắc Trung Bộ

Giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Quý Linh phát biểu đề dẫn

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Quý Linh – Giám đốc Sở KH&CN nhấn mạnh: Hệ sinh thái KNĐMST có 3 nhóm chủ thể chính: Một là các sáng lập viên, các Startup. Hai là những người hỗ trợ, cố vấn, huấn luyện viên. Ba là các nhà đầu tư, nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư khởi nghiệp. Khi 3 nhóm chủ thể này cùng chung một tầm nhìn, một tâm huyết để xây dựng được những mô hình kinh doanh đột phá, sẽ tạo ra hiệu quả chung của hệ sinh thái.

Tuy nhiên, vấn đề liên kết phát triển hệ sinh thái KNĐMST của vùng Bắc Trung Bộ chưa được quan tâm và sự kết nối chưa nhiều. Thực tế này, đòi hỏi Sở KH&CN các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ, các thành tố trong hệ sinh thái KNĐMST phải phối hợp chặt chẽ và hợp tác cùng nhau nhằm gia tăng đổi mới sáng tạo (ĐMST), xây dựng hệ sinh thái KNĐMST vùng Bắc Trung Bộ gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị.

Chính vì thế, Giám đốc Sở KH&CN đề nghị các đại biểu quan tâm, làm rõ hơn ba vấn đề: Thứ nhất, lý luận và kinh nghiệm về phát triển hệ sinh thái KNĐMST bao gồm các thành tố và mối liên kết các thành tố hệ sinh thái KNĐMST vùng Bắc Trung Bộ; vai trò của các tổ chức ươm tạo phát triển hệ sinh thái KNĐMST địa phương; kinh nghiệm kết nối hệ sinh thái KNĐMST vùng.

Thứ hai, thực trạng và giải pháp liên kết, phát triển hệ sinh thái KNĐMST vùng Bắc Trung Bộ; cơ chế, chính sách, huy động các nguồn lực, phát triển nguồn nhân lực, phát triển mạng lưới kết nối KNĐMST các địa phương vùng Bắc Trung Bộ, các tỉnh, thành và quốc tế. Vai trò của các hội doanh nghiệp trong việc hỗ trợ doanh nghiệp KNĐMST. Những khó khăn, thách thức phát triển hệ sinh thái KNĐMST vùng Bắc Trung Bộ.

Thứ ba, thảo luận về nội dung, lĩnh vực, chương trình và hình thức kết nối, hợp tác phát triển hệ sinh thái KNĐMST để phát huy thế mạnh vùng Bắc Trung Bộ.

Thực hiện 4 nhóm giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh Nghệ An và khu vực Bắc Trung Bộ

Chủ tịch hội đồng cố vấn khởi nghiệp Quốc gia Đàm Quang Thắng trình bày tham luận “Hệ sinh thái khởi nghiệp khu vực Bắc Trung Bộ liên kết các thành tố”

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung tham luận vào các nội dung, gồm: Hình thành Trung tâm KNĐMST vùng và liên kết, thúc đẩy hệ sinh thái KNĐMST vùng Bắc Trung Bộ; xây dựng cộng đồng hỗ trợ KNĐMST; vai trò của các tổ chức ươm tạo phát triển hệ sinh thái KNĐMST địa phương; lý luận và kinh nghiệm về phát triển hệ sinh thái KNĐMST; thực trạng và giải pháp liên kết, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Bắc trung Bộ...

Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh Nguyễn Huy Bằng tham luận về “Phát triển nguồn nhân lực cho KNĐMST địa phương và vùng Bắc Trung Bộ”

Theo các đại biểu, để phát triển nguồn nhân lực cho KNĐMST của tỉnh Nghệ An và khu vực Bắc Trung Bộ, cần thực hiện tốt 4 nhóm giải pháp gồm: Thứ nhất, cần thống nhất nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực cho KNĐMST đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng và quốc gia thông qua việc đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền về vai trò của phát triển nguồn nhân lực cho KNĐMST tới toàn thể các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Thứ hai, xây dựng và hoàn thiện chiến lược tổng thể phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Căn cứ vào dự báo nhu cầu, các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kì, UBND tỉnh cần xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực KHCN và ĐMST cụ thể, trong đó xác định rõ mục tiêu, quy mô, lộ trình và những cơ chế, chính sách tổng thể phù hợp cho từng loại nhân lực KHCN và ĐMST trong từng lĩnh vực kinh tế, nhằm phát triển lực lượng lao động ĐMST đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, toàn diện và đồng bộ.

Thứ ba, đẩy mạnh và đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực KHCN, ĐMST, nâng cao vai trò của các cơ sở giáo dục đại học lớn trong tỉnh và vùng trong việc phát triển, bồi dưỡng nhân lực cho KNĐMST. Chú trọng hình thức hợp tác đào tạo giữa nhà trường với các doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư trong tỉnh và khu vực; tăng cường gửi sinh viên đi đào tạo, nghiên cứu, làm việc ở nước ngoài, nhất là ở những lĩnh vực mà địa phương còn đang yếu, các lĩnh vực công nghệ cao và mới.

Thứ tư, đổi mới tổ chức và cơ chế quản lý nguồn nhân lực KHCN và ĐMST theo hướng trao quyền cho các tổ chức KHCN để phù hợp hơn với nhân lực chất lượng cao; tạo điều kiện cho các nhà khoa học đi đào tạo, bồi dưỡng, học tập trao đổi, hợp tác nghiên cứu khoa học ở những nước có trình độ KHCN tiên tiến, hiện đại.

Các đại biểu cũng khẳng định việc xây dựng hệ thống ĐMST ở Nghệ An đã đi đúng hướng, đạt kế hoạch đề ra, góp phần tạo lập một hệ sinh thái KNĐMST vững chắc, từ đó tạo môi trường KNĐMST đủ mạnh, thu hút được các nhà đầu tư lớn. Nhằm giữ vững và phát huy hơn nữa những thành quả đạt được và xây dựng các kế hoạch dài hạn thúc đẩy, phát triển hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn tỉnh Nghệ An, theo các đại biểu, cần đẩy mạnh truyền thông, thay đổi tư duy về ĐMST, xây dựng nguồn lực chất lượng cao nhằm tạo cơ hội cho các cá nhân, tổ chức có thể nâng cao kiến thức về ĐMST, tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia, góp phần hình thành hệ sinh thái KNĐMST vững chắc. Xây dựng “vườn ươm” hỗ trợ phát triển ý tưởng, hoàn thành sản phẩm/dịch vụ và thử nghiệm trên thị trường trước khi thương mại hóa chúng. Thành lập Trung tâm hỗ trợ ươm tạo KNĐMST...

Các em sinh viên tham dự hội thảo

Viện nghiên cứu, trường đại học cần thúc đẩy thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu, đồng thời kết hợp với các doanh nghiệp trong việc hoàn thiện và thương mại hóa sản phẩm; đặt ưu tiên cho KNĐMST. Các doanh nghiệp KNĐMST cần được trang bị đầy đủ các kiến thức về quản trị doanh nghiệp, kiến thức thị trường, quản trị nhân sự...

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã thống nhất định hướng chương trình khung hợp tác giữa các Sở KH&CN vùng Bắc Trung Bộ về việc tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin và nguồn lực về các hoạt động KHCN và ĐMST. Theo đó, các Sở KH&CN vùng Bắc Trung Bộ sẽ hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; trong đó, xây dựng và thực hiện nhiệm vụ KH&CN phục vụ phát triển Vùng; cung cấp trao đổi thông tin khoa học và công nghệ; hợp tác về chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học; hợp tác trong truyền thông các kết quả nghiên cứu KH&CN. Bên cạnh đó, hợp tác phát triển hệ sinh thái KNĐMST của vùng Bắc Trung Bộ; trong đó, có chính sách và luật pháp của nhà nước, cơ sở hạ tầng dành cho khởi nghiệp, vốn và tài chính dành cho KNĐMST; tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp, các huấn luyện viên khởi nghiệp và nhà tư vấn KNĐMST; kêu gọi nhà đầu tư, các quỹ đầu tư cho khởi nghiệp, nhân lực cho doanh nghiệp khởi nghiệp, thị trường trong nước và quốc tế.

Phó Giám đốc Học viện KHCN và ĐMST Nguyễn Ngọc Song phát biểu

Tiếp thu các ý kiến tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Ngọc Song - Phó Giám đốc Học viện KHCN và ĐMST đề nghị cần có sự lãnh đạo nhất quán trong định hướng và hành động, huy động sự vào cuộc của các thành tố của hệ sinh thái ĐMST, cơ quan nhà nước, viện trường, tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức ươm tạo. Thúc đẩy và khơi dậy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo trong cộng đồng doanh nghiệp và người dân, nhất là lực lượng thanh niên, sinh viên.

Xác định rõ mục tiêu, quy mô, lộ trình và những cơ chế, chính sách phù hợp cho từng loại nhân lực KHCN và ĐMST trong từng lĩnh vực kinh tế. Trang bị kiến thức về khởi nghiệp, kỹ năng điều hành sản xuất, nâng cao năng lực đổi mới, hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp. Tập trung kết nối hệ sinh thái KNĐMST vùng Bắc Trung Bộ.

Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ kết nối các tỉnh Bắc trung bộ kêu gọi vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp một cách thiết thực. Đa dạng nguồn lực theo hướng mô hình KNĐMST mở để thu hút đầu tư chuyển giao công nghệ, thu hút nguồn lực từ các làng công nghệ. Tăng cường hợp tác quốc gia, quốc tế và kết nối với các quỹ đầu tư mạo hiểm các quốc gia...

Tác giả: Kim Oanh

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP