Trong nước

Hơn 35.000 tỷ vốn đầu tư công cho Bộ GTVT trong năm 2020

Ngày đầu tiên của năm mới, Bộ GTVT chính thức công bố năm 2019 đã giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 90% kế hoạch; đồng thời thông báo, năm nay ngành này được giao hơn 35.000 tỷ đồng vốn đầu tư công - cao hơn năm trước khoảng 5.000 tỷ.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 của Bộ GTVT.

Không tính vốn ngoại, Bộ mới giải ngân được trên 92%

Ngày 2/1, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019, triển khai kế hoạch năm 2020 của Bộ GTVT, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, năm 2019 Bộ này được giao kế hoạch vốn đầu tư công 30.134 tỷ đồng, gồm 28.988 tỷ đồng kế hoạch năm và 1.146 tỷ đồng kế hoạch kéo dài; trong đó, vốn nước ngoài 7.971 tỷ đồng, vốn ngân sách trong nước 5.787 tỷ đồng, vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) 16.376 tỷ đồng.

Theo ông Nhật, về tổng thể, nguồn vốn kế hoạch năm 2019 được bố trí đầy đủ so với nhu cầu đăng ký. Trên cơ sở nguồn vốn được giao, Bộ GTVT đã tập trung bố trí vốn để trả nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB), thực hiện quyết toán các dự án đã hoàn thành, triển khai các dự án chuyển tiếp. Cụ thể, Bộ đã bố trí vốn cho 46 dự án ODA; 14 dự án giao thông trong nước; 34 dự án sử dụng vốn TPCP dư từ dự án QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (QL14); trả nợ đọng XDCB 39 dự án...

Về kết quả thực hiện giải ngân năm 2019, theo Thứ trưởng Nhật, dự kiến đến hết thời hạn giải ngân kế hoạch năm (31/1/2020), Bộ GTVT sẽ giải ngân được khoảng 26.700 tỷ đồng trên tổng số 30.134 tỷ đồng kế hoạch được giao - đạt hơn 88% tổng nguồn vốn được giao trong năm 2019.

Tại Hội nghị, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận và đánh giá cao kết quả Bộ GTVT đạt được trong năm qua. Phó thủ tướng cũng chỉ rõ các tồn tại, hạn chế của ngành GTVT, nhất là tiến độ thi công một dự án còn chậm như Cao tốc Bến Lức - Long Thành, Trung Lương - Mỹ Thuận; các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh; tình trạng quá tải tại nhiều sân bay; hệ thống giao thông đường thủy chưa được chú trọng đầu tư phát triển…

Tuy nhiên, theo ông Nhật, trong tổng số các nguồn vốn kế hoạch được giao trong năm 2019, do có vướng mắc trong triển khai các dự án, Bộ đã có văn bản đề nghị điều chỉnh giảm 1.341 tỷ đồng vốn nước ngoài của một số dự án ODA. “Nếu không tính số vốn nước ngoài xin điều chỉnh giảm, tỷ lệ giải ngân kế hoạch năm đạt khoảng 92,7%, tức 26.700/28.793 tỷ đồng”, lời ông Nhật.

Về kế hoạch năm 2020, Bộ GTVT cho hay, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1706/QĐ-TTg ngày 29/11/2019 giao kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2020 cho Bộ GTVT tổng số hơn 35.300 tỷ đồng, bao gồm 6.131,4 tỷ đồng vốn nước ngoài; 20.895,2 tỷ đồng vốn trong nước của các dự án đã được giao giai đoạn 2016-2020 và 8.274,24 tỷ đồng vốn dự phòng kế hoạch trung hạn.

Dựa vào quyết định trên, Bộ GTVT đã xây dựng phương án phân bổ kế hoạch cả năm 2020 và phương án giao đợt I kế hoạch năm 2020 cho các dự án đủ thủ tục, điều kiện giao vốn. Cụ thể, Bộ này sẽ phân bổ 35.040,72 tỷ đồng kế hoạch năm 2020 cho các dự án; đồng thời tạm thời chưa phân bổ 260,12 tỷ đồng kế hoạch vốn nước ngoài dư so với nhu cầu.

Nhiều PMU đăng ký vốn không sát thực tế

Bộ GTVT thừa nhận, trong năm 2019, dù công tác xây dựng kế hoạch và theo dõi giải ngân kế hoạch đã có sự nỗ lực, tăng cường rà soát so với những năm trước nhưng kết quả vẫn không được như mong muốn, không đạt 100% mức vốn được giao trong năm, phải kéo dài giải ngân sang năm sau hoặc phải giảm trừ kế hoạch năm.

“Có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến việc giải ngân không hoàn thành”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nói và cho biết, về chủ quan, một số đơn vị chủ đầu tư, ban quản lý dự án (PMU) đã không đăng ký sát thực tế dẫn đến đăng ký vốn quá cao. “Ngoài ra, việc xử lý các thủ tục phát sinh trong quá trình thực hiện dự án không dứt điểm, mất nhiều thời gian cũng ảnh hưởng đến kế hoạch giải ngân”, ông Nhật nói.


Ngoài nguyên nhân đăng ký vốn không sát thực tế, việc chậm GPMB một số dự án cũng khiến kế hoạch giải ngân 2019 của Bộ GTVT gặp nhiều khó khăn.

Về khách quan, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, trong quá trình thực hiện các dự án có thể phát sinh thêm một số vấn đề như gặp sự cố khi thực hiện đấu thầu, công tác giải phóng mặt bằng gặp vướng mắc, kéo dài; gặp điều kiện thời tiết bất lợi trong thời gian dài như mưa, bão đúng vào thời điểm phải đẩy nhanh tiến độ…

Về giải pháp để thúc đẩy giải ngân, lãnh đạo Bộ GTVT đề nghị các chủ đầu tư, các PMU có kế hoạch giải ngân chi tiết từng tháng, từng quý trong năm; đồng thời người đứng đầu đơn vị phải sâu sát với thực tế, thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo thực hiện dự án đúng tiến độ.

Trước đó - đầu tháng 11/2019, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã nhắc nhở các PMU, yêu cầu phải giải ngân đạt từ 95% trở lên thì mới là đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ; PMU nào không giải ngân đạt tỷ lệ trên thì lãnh đạo không hoàn thành nhiệm vụ và sẽ bị xem xét điều chuyển cán bộ./.

Tác giả: Minh Hữu

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

  Từ khóa: Trịnh Đình Dũng , PMU , Bộ GTVT

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP