PV: Thưa TS. Trần Bá Dung, thời gian qua, ông đánh giá như thế nào về đóng góp của các nhà báo, các cơ quan báo chí trong việc góp phần đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí?
TS. Trần Bá Dung: Đóng góp lớn nhất, theo tôi, là việc báo chí thể hiện được vai trò xung kích, đi đầu trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí (PCTNLP), trong việc phát hiện các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, đưa ra ánh sáng công lý. Hơn 70% vụ việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí là do báo chí phát hiện và công bố. Nhờ đó, cơ quan chức năng có căn cứ để điều tra, thẩm tra, xác minh, xử lý.
Rất nhiều vụ tiêu cực, tham nhũng lớn được đưa ra xét xử thời gian gần đây, công lớn đầu tiên thuộc về báo chí: Vụ Trịnh Xuân Thanh, vụ Vinashin, vụ PMU 18, vụ "hot girl" xứ Thanh...
Thực tiễn đã khẳng định, báo chí có vai trò tiên phong, vai trò xung kích trong PCTNLP. Vai trò này được thể hiện trên các mặt sau đây của công cuộc đấu tranh PCTNLP.
PV: Theo ông, việc các nhà báo, cơ quan báo chí phát hiện tiêu cực, tham nhũng có tầm quan trọng thế nào trong việc góp phần loại bỏ một bộ phận cán bộ tha hóa, biến chất?
TS. Trần Bá Dung: Quan trọng trước hết ở chỗ có tính cảnh báo, ngăn ngừa những vi phạm trong đội ngũ cán bộ.
Thứ hai, báo chí đưa ra ánh sáng, cung cấp tư liệu, hồ sơ cho các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của Đảng, quy định của pháp luật. Kể cả ở góc độ chỉ cảnh báo về đạo đức cũng đã là tiếng nói đóng góp quan trọng của báo chí.
Thứ ba, báo chí củng cố lòng tin của nhân dân trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng lãng phí, tạo sức mạnh tổng hợp và sự đồng thuận xã hội.
TS. Trần Bá Dung trao đổi về vai trò của báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. |
PV: Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan báo chí thế nào trong công tác đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực?
TS. Trần Bá Dung: Hội Nhà báo Việt Nam luôn luôn ủng hộ, khích lệ tinh thần của các nhà báo, hội viên trong công tác đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, bằng tác phẩm báo chí và bằng hoạt động báo chí. Ban Nghiệp vụ đã tổ chức các hội thảo nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng và đạo đức cho các hội viên – nhà báo về công tác đấu tranh PCTNLP. Đồng thời, luôn bảo vệ các hội viên trong hoạt động báo chí đấu tranh PCTNLP, can thiệp khi cần thiết.
PV: Theo ông, người làm báo hiện nay có những thách thức thế nào trong thời đại công nghệ 4.0? Những trăn trở của ông trong quá trình làm báo thời hiện đại?
TS. Trần Bá Dung: Thách thức lớn nhất với người làm báo hiện nay, trong thời đại công nghệ 4.0 là thu thập và xử lý thông tin trong một không gian mạng kết nối mở, không có giới hạn và khó thẩm định, khó kiểm soát.
Đây vừa là sức ép về cường độ lao động, cạnh tranh thông tin, cạnh tranh công chúng và cạnh tranh thị phần báo chí – truyền thông; vừa là sức ép, thách thức về mặt đạo đức nghề nghiệp. Nhà báo dễ bị cám dỗ vật chất, bị cuốn theo thông tin, cuốn theo tốc độ thông tin và lợi ích trước mắt, dễ bỏ qua những khâu kiểm chứng nguồn tin, nên dễ sai phạm, nhầm lẫn thông tin, do vô tình hoặc cố ý.
Thông tin mạng xã hội cũng dễ làm cho nhà báo lười suy nghĩ, khám phá, tìm kiếm, lười học hỏi. Và đó cũng là thách thức lớn khiến nhà báo dễ tụt hậu trong thế giới phẳng.
PV: Trong thời gian tới, Hội Nhà báo Việt Nam có những phương hướng, nhiệm vụ nào cho các nhà báo, cơ quan báo chí tham gia tích cực hơn nữa trong việc phát hiện, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí?
TS. Trần Bá Dung: Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, như hội thảo, tọa đàm nhằm bồi dưỡng kiến thức về pháp luật, kiến thức về PCTNLP, kỹ năng tác nghiệp trong lĩnh vực này và cả đạo đức nghề nghiệp cần thiết, để nhà báo tham gia tích cực hơn nữa trong việc phát hiện, đấu tranh tham nhũng lãng phí.
Tác giả: Thanh Lam
Nguồn tin: Báo Người đưa tin