Thế giới

Hương vị Tết và nỗi niềm của những người Việt ở nước ngoài

Những người lao động xa quê không thể trở về sum họp với gia đình, nhưng họ cùng bạn bè đã chuẩn bị những món ăn đậm vị Tết quê hương.

Tết Nguyên đán là dịp để mọi người đoàn tụ với gia đình. Dịp này, ai đi xa cũng muốn được trở về, những người con xa quê lại càng nhớ mùi vị quê nhà, nhớ phiên chợ quê ngày cuối năm và cùng gia đình gói bánh chưng chuẩn bị đón Tết. Tuy nhiên, vì tương lai họ đành lỡ hẹn với quê nhà mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Những người xa quê tụ họp chuẩn bị bữa cơm tất niên chuẩn vị Tết.

Ở nơi cách xa hàng ngàn km, điều buồn nhất đối em Phạm Thị Nga, SN 1998, trú xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An đang làm việc tại Nhật Bản là không thể cảm nhận được không khí Tết cổ truyền một cách trọn vẹn. Không khí vui tươi, rạo rực ấy chỉ được nhìn qua điện thoại khi gọi về cho bố mẹ và 2 em. Những lúc ấy, em cảm thấy thèm Tết hơn bao giờ hết.

“Tết thì nhớ nhà lắm ạ. Năm nay là năm thứ 3 em ăn Tết xa quê nhà. Vì tương lai, em chấp nhận xa quê, xa nhà vài năm. Ở đây chỉ có những người đồng hương tụ tập với nhau chuẩn bị bữa cơm tất niên. Mặc dù, không đầy đủ như ở nhà nhưng cũng có bánh chưng xanh, dưa món,… Em cố gắng ăn thêm một cái Tết xa nhà nữa, hẹn với bố mẹ và các em Tết năm sau đoàn tụ ạ”, em Nga chia sẻ thêm.

Vì ở nhà công việc không ổn định nên chị Trần Ngọc, SN 1989, trú Nghệ An đã theo chồng sang Nhật Bản để làm việc. Lương hai vợ chồng không cao nhưng cũng đủ gửi cho ông bà nội một chút ít để lo cho hai đứa con nhỏ, số tiền còn lại gói gém để lo cho tương lai.

Năm nào cũng vậy, chị Ngọc mời những người bạn ở Nhật Bản thưởng thưởng bữa cơm đậm vị Tết cổ truyền Việt Nam.

“Đây là năm thứ tư tôi ăn Tết ở Nhật Bản. Mỗi khi Tết đến nỗi nhớ nhà, nhớ con da diết. Mỗi dịp Tết đến tôi muốn tự tay chuẩn bị cho con mình những bộ quần áo Tết, cùng chồng sắm sửa trong nhà để đón Tết,… Tuy nhiên, vì tương lai, tôi đành chấp nhận xa quê vài năm để con cái có cuộc sống ấm no hơn. Để vơi đi nỗi nhớ nhà, tôi cùng đồng nghiệp tự gói bánh chưng, làm những món ăn đậm hương vị Tết. Sau khi chuẩn bị xong, chúng tôi mời những người bạn Nhật đến dự bữa cơm tất niên đậm chất Việt cùng với họ đi chơi Xuân. Tôi rất vui vì người Nhật Bản rất hào hứng với Tết cổ truyền ở Việt Nam. Họ hứa năm sau có điều kiện sẽ cùng chúng tôi về Việt Nam ăn Tết”, chị Ngọc chia sẻ.

Cũng giống như bao người khác, mỗi khi Tết đến chị Thái Thị Liên lại nhớ nhà và quê hương da diết. Đây là năm thứ 6 chị ăn Tết ở Hàn Quốc. Vì cuộc sống mưu sinh, chị để con lại cho chồng và ông bà nội chăm sóc. Dù công việc vất vả nhưng chị vẫn hy sinh để gia đình có tương lai đầy đủ và đầm ấm hơn. “Cứ mỗi dịp Tết đến vì không có điều kiện về quê ăn Tết. Những người con xa quê lại cùng nhau làm mâm cơm tất niên. Mặc dù không được trọn vẹn như Tết ở Việt Nam nhưng có những người đồng hương, có những món ăn đậm vị Tết chúng tôi cảm thấy ấm lòng hơn. Ở đây, chúng tôi xem những người bạn, người đồng hương như người thân trong gia đình. Những lúc khó khăn nhất, chúng tôi động viên và giúp đỡ nhau”, chị Liên nghẹn giọng nói.

Dù làm việc ở đâu thì những người con xa quê luôn đau đáu nhớ hương vị, không khí đoàn viên mỗi khi Tết đến, xuân về. Bởi vậy, Tết Việt luôn đậm tình trong lòng những người con xa quê… Năm nào cũng vậy, chị Võ Thị Huệ, trú huyện Nam Đàn đang làm việc tại Hàn Quốc cũng chuẫn bị mâm cỗ có đầy đủ bánh chưng, bánh tét, xôi gà, mứt, bánh cà,… Vì có bàn tay khéo léo nên năm nào chị Huệ cũng được người thân và bạn bè giao nhiệm vụ chuẩn bị mâm cỗ giao thừa đậm vị Tết, những món ăn đậm vị Tết quê hương.

Mâm cỗ cúng Giao thừa tự tay chị Huệ chuẩn bị.

“Nơi đất khách quê người tôi nhớ da diết cái Tết ở Nghệ An. Ở đó có gia đình yêu thương của tôi, có người thân, bạn bè và hàng xóm nghĩa tình. Vì cuộc sống mưu sinh, hai năm nay vợ chồng tôi phải gửi con cho ông bà nội chăm sóc. Tết đến càng nhớ con và bố mẹ, anh chị em hai bên nội ngoại. Tôi may mắn hơn nhiều người khác vì có chồng cùng đồng hành nên cũng đỡ nhớ nhà đi phần nào. Mỗi khi xuân về, xem bạn bè đăng ảnh lên mạng, vợ chồng tôi đều thấy nhớ quê vô cùng. Dù xa quê song chúng tôi vẫn giữ phong tục chuẩn bị mâm cơm cúng Giao thừa và chúc nhau những điều tốt đẹp nhất vào năm mới. Hy vọng năm 2024 vợ chồng tôi sẽ được ăn Tết cùng gia đình”, chị Huệ tâm sự.

Anh chị em nhà chị Huệ bên mâm cơm tất niên đậm vị Tết Việt Nam ở Hàn Quốc.

Mỗi người con xa quê hương đều đón Tết theo cách riêng của mình. Họ tự tay chuẩn bị bữa cơm Tết, tự tay gói bánh, giò, luộc gà, làm xôi,… để vị Tết cổ truyền luôn ngập tràn trong những ngày đầu năm và đoàn tụ với gia đình qua màn hình điện thoại.

Tác giả: Hà Thị Hằng

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP