Người thương binh nặng có quá khứ hào hùng!
Mặc dù đã có 2 người anh đang trong quân ngũ, năm 1966, ông Đặng Văn Phương, ở xóm 8, xã Đỉnh Sơn vẫn xung phong lên đường bảo vệ Tổ quốc, gia đình vinh dự được Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng ''Bảng gia đình vẻ vang".
Vào bộ đội, ông Phương được biên chế vào E 3, F 324, chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị. Chiến dịch Mậu Thân 1968, trong một trận chống càn, ông bị thương nặng, phải cắt bỏ 8 xương sườn, bị một mảnh kim loại nằm trong màng tim. Điều trị hàng năm trời ở Viện Quân y 108, ra viện, ông được xếp hạng thương tật vĩnh viễn 81%, loại thương binh nặng có trợ cấp người phục vụ. Phát huy bản chất "Anh bộ đội Cụ Hồ, thương binh tàn nhưng không phế”, Đặng Văn Phương không ở lại trại thương binh để Nhà nước phục vụ mà xung phong trở về địa phương sinh sống và cống hiến sức lực còn lại cho quê hương. Về quê, ông lấy vợ, sinh con, tham gia nhiều tổ chức xã hội ở địa phương như làm đội trưởng đội gạch ngói của hợp tác xã. Tham gia 2 khóa MTTQ huyện Anh Sơn. Hoạt động năng nổ, dành tiền trợ cấp thương tật mua công trái xây dựng quê hương, được đi báo cáo thành tích cho Nhân dân trong huyện học tập. Ông Phương được Nhân dân tín nhiệm bầu là Đại biểu HĐND xã Đỉnh Sơn nhiệm kỳ 2004 -2009.
Nguyện vọng xin mua 100 m2 đất của thương binh Đặng Văn Phương là chính đáng.
Trên đường 7, đoạn qua chợ Cây Chanh (cũ) có một gian quán nhỏ, mặt tiền rộng 4 m, dột nát tạm bợ, phía trước căng tấm băng rôn ghi dòng chữ "Đất nước có chiến tranh, tôi hy sinh xương máu để bảo vệ tổ quốc tôi. Đất nước hòa bình, tôi đóng góp tiền của để xây dựng đất nước tôi giàu và đẹp. Tôi què nhưng chưa phế, vì tôi là người Việt Nam". Đó là gia cảnh của thương binh nặng Đặng Văn Phương - Người có nhu cầu và nguyện vọng mua một mảnh đất diện tích 100 m2 để ở, nhưng qua 6 nhiệm kì Chủ tịch xã và hàng chục lần chuyển đơn đi đơn lại vẫn chưa được giải quyết. "Kêu trời, trời chẳng thấu, gọi đất, đất không hay", không biết làm sao, nên gần 8 năm qua, ông thuê kẻ băng rôn trên treo trước ki ốt, nhằm gửi gắm nguyện vọng của mình tới mọi người.
Băng rôn nêu cảnh ngộ của thương binh nặng Đặng Văn Phương |
Theo lời trình bày của ông Phương, năm 1984, ông được xã Đỉnh Sơn ưu tiên cho mượn "bằng miệng" một lô đất trước cổng chợ Cây Chanh với diện tích bám mặt đường 16 mét. Sau khi có đất, ông xây 4 ki ốt bán hàng và đưa cả nhà ra đó sinh sống. Sống yên ổn 25 năm trên thửa đất, đến năm 2009, xã quy hoạch chuyển chợ Cây Chanh đến địa điểm mới. Phần đất của ông đang ở, được thành 4 lô, mỗi lô rộng 4 mét để đấu giá đất ở. Sau khi có chủ trương, ông Phương đã làm đơn xin mua lại 1 lô trên gian ốt cũ của ông với chiều rộng 4 mét, để làm nhà ở và buôn bán, 3 lô còn lại ông tự tháo dỡ và bàn giao mặt bằng để địa phương đấu giá cho người khác. Đơn ông gửi từ năm 2010, gửi đi nhiều nơi nhưng không ai giải quyết.
Sau nhiều lần đơn đi, đơn về, mãi đến ngày 17/5/2013, UBND xã Đỉnh Sơn mới tổ chức buổi làm việc giữa ông Phương với lãnh đạo chủ chốt của xã, thống nhất như sau: "Ý kiến đề nghị của ông Đặng Văn Phương, UBND xã ghi nhận, có trách nhiệm hướng dẫn cho ông Đặng Văn Phương làm đầy đủ các thủ tục đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Trước mắt đề nghị ông Phương thực hiện giải phóng mặt bằng từ lô số 1, 2,3 để UBND xã tổ chức đấu giá theo quy định. Riêng lô số 4 cũng phải giải phóng mặt bằng, làm hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xem xét cấp hoặc bán theo giá quy định của Nhà nước cho ông Đặng Văn Phương". Biên bản làm việc và cam kết rõ ràng, ông Phương đã bàn giao mặt bằng 3 lô đất cho xã Đỉnh Sơn để bán. Việc bàn giao đã hơn 6 năm, 3 lô đất trên đã có chủ. Tuy nhiên, lô số 4, ông có nguyện vọng mua lại theo giá thị trường nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Đó chính là lý do gian ki ốt dột nát mà thương binh nặng Đặng Văn Phương ở nhưng không giám sửa vì chưa được mua đất.
Qua 6 đời Chủ tịch xã, chưa giải quyết nổi 100 m2 đất cho thương binh nặng.
|
Đơn mua đất của ông Phương nêu: "Tôi có nguyện vọng đề nghị Nhà nước cấp, tặng, hoặc bán theo giá ưu tiên cho đối tượng chính sách một mảnh đất có diện tích 100 m2 đất để làm chỗ cho con, cháu phụng thờ lâu dài. Miếng đất kề góc chợ cũ mà gia đình tôi đã bán quán ổn định từ năm 1984 đến nay". Thế nhưng từ năm 2013 đến nay, nguyện vọng chính đáng của ông Phương vẫn nằm trên giấy. Đơn ông gửi lên xã thì xã chuyển lên huyện đề nghị xem xét giải quyết. Đơn gửi cho Bí thư Huyện ủy thì được chuyển sang UBND huyện, rồi huyện lại chuyển cho Phòng TN&MT, Phòng này lại hướng dẫn liên hệ với Ban chính sách xã Đỉnh Sơn và Phòng LĐ-TB&XH huyện… Quá chán nản với việc đơn đi, thư về như “quả bóng trách nhiệm” được đẩy chỗ này đến chỗ khác.
Ngày 6/8/2014, ông Phương viết đơn trình bày về việc bản thân ông là người có công, là thương binh nặng, nhưng từ khi về địa phương năm 1970 đến nay, ông chưa được ưu tiên mua một cái gì ở địa phương. Đơn của ông đã được các ông bà Lê Thị Nhì, ông Nguyễn Huy Tập, ông Nguyễn Văn Sơn, ông Nguyễn Văn Ba, ông Trịnh Xuân Quý, nguyên là Chủ tịch UBND xã Đỉnh Sơn qua các thời kỳ từ năm 1970 đến năm 2008 đều xác nhận, từng giai đoạn, các ông các bà trên làm Chủ tịch UBND xã, nhưng ông Phương chưa được cấp hay được hỗ trợ mua một mảnh đất nào.
Như vậy qua 5 đời Chủ tịch xã Đỉnh Sơn từ năm 1970 đến 2008, nay bước sang đời Chủ tịch UBND xã thứ 6, nguyện vọng xin mua 100 m2 đất ở của ông Phương vẫn nằm trên giấy. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch UBND xã Đỉnh Sơn cho biết: "Việc bán đất cho ông Phương, UBND xã không đủ thẩm quyền còn việc xin mua đất của ông, UBND huyện đã có công văn trả lời, theo quy định đất phải đấu giá, không thể bán ngang không qua đấu giá…". Ông Phương cho biết: “Tôi làm đơn xin mua 100 m2 đất trên theo giá thị trường. Tôi không mua qua đấu giá vì tôi là thương binh nặng…”. Hiện tại đến thời điểm này nguyện vọng mua 100m2 đất của thương binh Đặng Văn Phương vẫn là nguyện vọng. UBND huyện Anh Sơn đã quên mất chính sách cho người có công quy định tại Khoản 2 Điều 1 Quyết định số 117/2007/QĐ-TTg ngày 25/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ : “Người có công với cách mạng được hỗ trợ toàn bộ tiền sử dụng đất đối với: Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh, có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật, bệnh tật từ 81% trở lên…” Trường hợp thương binh nặng Đặng Văn Phương, thương tật vĩnh viễn 81% là người có công với cách mạng thuộc diện được giảm toàn bộ tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về người có công.
Báo điện tử Ngày mới, (Báo Người cao tuổi) đề nghị UBND huyện Anh Sơn thực hiện đúng chính sách của Nhà nước đối với thương binh nặng Đặng Văn Phương, người có công với cách mạng.
Tác giả: Nguyễn Hữu Mai
Nguồn tin: Ngaymoionline.com.vn