Tin trong tỉnh

Nghệ An: Nghẹn đắng tâm sự của người cựu binh khi bị “kết án” là “thương binh giả”

Từ khi bị “kết án” là “thương binh giả”, các chế độ bị cắt người cựu binh còn chịu nhiều áp lực về tinh thần. Mỗi lần trái gió trở trời các vết thương cũ đau nhức nhối, ký ức cái thời khói lửa vào sinh ra tử lại tràn về… Chiến tranh ác liệt, quân thù không thể quật ngã ông nhưng chính cái “bản án” nghiệt ngã ấy đã “giết” người lính năm nào.

Từ "cõi chết" trở về

Vừa qua, tòa soạn Pháp luật Plus nhận được đơn cầu cứu của ông Nguyễn Thế Thơ (SN 1958, trú tại xã Xuân Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An).

Trong đơn ông Thơ trình bày về việc bản thân bị cắt chế độ thương binh vì đã làm giả hồ sơ theo kết luận của Thanh tra Bộ Lao động thương binh và xã hội.

Nhưng chính cái kết luận đã “kết án” cho ông là “thương binh giả” ấy, bản thân ông vẫn chưa một lần được nhìn thấy.

Ông cho rằng mình đã bị “kết án” oan, dẫn đễn nhiều hệ lụy không chỉ về kinh tế mà còn cả tinh thần.

Bởi vậy nhiều năm ròng rã ông đã “đội đơn”, ôm bộ hồ sơ thương binh của mình đi khắp các nơi nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Nhiều năm quan ông Nguyễn Thế Thơ với bộ hồ sơ thương binh, lý lịch quân nhân đi khắp nơi nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Trong buổi làm việc với phóng viên, nhìn bộ hồ sơ được đặt trên bàn mà ông rơm rớm nước mắt: “Đã hơn 4 năm rồi, tiền chế độ thương binh bị cắt, họ còn yêu cầu phải thu hồi tiền tôi đã hưởng trước đó.

Từng đó tiền hỗ trợ mỗi tháng dù có bị cắt đi cũng không làm tôi chết được, nhưng bị kết án là thương binh giả tôi đau lắm.

Giờ tôi cũng không được vào Hội Cựu chiến binh, con vào Đảng họ cũng đưa vào diện xem xét, rồi đi đâu người ta cũng dị nghị… khổ lắm”, ông dứt lời trong tiếng thở dài mệt mỏi đầy ngao ngán.

Theo trình bày của ông Thơ, tháng 4/1978 ông lên đường nhập ngũ, sau thời gian huấn luyện ông được biên chế vào Trung đội vận tải, tiểu đoàn 20, Trung đoàn 198 – Bộ tư lệnh đặc công.

Sau đó ông được điều động tham gia làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia. Vào một ngày tháng 2/1979, ngay sau khi nhận thông tin một đơn vị của ta đang bị địch vây ráp, đơn vị vận tải của ông nhận lệnh từ tiểu đoàn nhanh chóng tiếp cận giải vây cho các đồng đội. Bản thân ông Thơ cùng 5 người khác tức tốc lên đường.

Tuy nhiên khi gần tiếp cận được nơi các đồng chí đang bị bao vây, nhóm của ông hứng một loạt đạn pháo DKZ từ phía địch, ông cùng với các đồng chí bị thương rất nặng, mảnh đạn găm đầy người, bất tỉnh tại chỗ.

Bản danh sách thương binh của đoàn 198 năm 1979 có tên ông Nguyễn Thế Thơ ghi đầy đủ các vết thương như ông đã trình bày.

May mắn sau đó, ông được đặc công Quân khu 9 giải vây đưa về trạm xá lưu động tại Quân đoàn 3 chữa trị. Sau 1 tháng điều trị các vết thương đã hồi phục, ông cùng các đồng đội lại nhận lệnh tức tốc ra mặt trận biên giới phía Bắc để chi viện.

Tại đây ông trực tiếp chiến đấu ở những nơi khốc liệt nhất như cao điểm 800, bình độ 400… tại Lạng Sơn. Đến tháng 3/1982 ông xuất ngũ trở về địa phương.

Trở về quê hương, với “kỷ niệm” nơi chiến trường là những mảnh đạn găm vào sau gáy, thắt lưng và nỗi đau dai dẳng từ các vết thương cũ mỗi lúc trái gió trở trời. Nhưng vượt qua tất cả, phát huy bản chất người lính, ông cần mẫn làm việc đến thời điểm hiện tại kinh tế gia đình cũng khá vững.

Sau đó, nhận được thông tin về việc làm các chế độ chính sách của Đảng, nhà nước.

Một mình ông lại lặn lội đi khắp các nơi để làm hồ sơ, từ ngày 1/6/2006 ông chính thức được hưởng chế độ thương binh theo Quyết định số 7952/QĐ-NCC, với tỷ lệ thương tật là 37 %, thương binh hạng 4/4.

Khốn khổ với “Bản án” thương binh giả

Từ đó đến tháng ông được nhà nước chi trả đầy đủ các chế độ theo quy định, đến tháng 3/2015 ông Thơ được mời lên chính quyền địa phương để nhận thông báo cắt chế độ thương binh.

Theo Quyết định số 1263/QĐ-NCC Sở LĐ-TB&XH Nghệ An về việc đình chỉ trợ cấp thương tật và các chế độ ưu đãi đối với thương binh, ngày 27/3/2015.

Cụ thể căn cứ công văn số 141/TTr-NCC ngày 13/3/2015 của Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, về kiến nghị biện pháp xử lý tiếp theo sau kết luận thanh tra số 178/KL-TTr ngày 5/9/2014 của Chánh thanh tra Bộ LĐ-TB&XH về việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng tại tỉnh Nghệ An.

Đình chỉ trợ cấp thương tật các chế độ ưu đãi thương binh đối với ông Nguyễn Thế Thơ (SN 1958, trú tại xã Xuân Sơn, huyện Đô Lương), thương binh 4/4 tỷ lệ 37%, loại A từ ngày 1/4/2015.

Lý do “giả mạo danh sách quân nhân bị thương để hưởng chế độ thương binh”. Đồng thời giao Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Đô Lương truy thu số tiền ông Nguyễn Thế Thơ đã hưởng từ ngày 1/6/2006 đến tháng 3 năm 2015…

Quyết định đình chỉ chế độ thương binh của ông Nguyễn Thế Thơ với lý do "giả mạo danh sách quân nhân bị thương để hưởng chế độ thương binh".

Theo ông Thơ, quá trình thanh tra không ai trực tiếp đến làm việc với ông hay thẩm tra xác minh gì từ quá trình tham gia chiến đấu, hồ sơ quân nhân, quá trình bị thương của ông.

Ông cũng không trực tiếp được xem kết luận thanh tra số 178/KL-TTr, căn cứ vào quyết định này ông bị “kết án” là thương binh giả với lý do “làm giả danh sách quân nhân bị thương để hưởng chế độ thương binh”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Thơ có “giấy chứng nhận thương tật” của Bộ tư lệnh đặc công, đoàn đặc công 198, nêu rõ: Ông Nguyễn Thế Thơ, đơn vị khi bị thương: Trung đội vận tải, tiểu đoàn 20, trung đoàn 198, Bộ tư lệnh đặc công, bị thương ngày 15/2/1979.

Nơi bị thương, thị trấn Tà Ly Phí, Tà Kẹo, Campuchia. Trường hợp khi bị thương tham gia chiến đấu. Các vết thương 2 mảnh vào đầu, 2 mảnh vào chân trái, 2 mảnh vào lưng, 1 mảnh vào sường trái.

Sau khi bị thương đã điều trị tại Bệnh xá Bộ tư lệnh Quân đoàn 3. Ngày nhập viện 15/2/1979 ra viện ngày 16/3/1979.

Giấy chứng nhận thương tật này được cấp theo danh sách thương binh quản lý tại đơn vị đoàn đặc công 198.

Giấy chứng nhận thương tật nêu rõ đơn vị, địa điểm và các vết thương trên cơ thể ông Nguyễn Thế Thơ.

Trong bản danh sách thương binh năm 1979, có dấu của đoàn đặc công 198 mà ông Thơ cung cấp cho phóng viên cũng xác thực ông có tên trong danh sách thương binh với các vết thương nêu rõ như trong giấy chứng nhận thương tật.

Bản thân ông cũng không hiểu vì lý do gì với những trường hợp cụ thể như ông, có đầy đủ các giấy tờ, được đơn vị xác nhận rõ ràng như thế nhưng vẫn bị kết luận là làm giả danh sách quân nhân bị thương: “Hiện tôi vẫn còn một số mảnh đạn trên người, như ở phía sau gáy, dưới thắt lưng.

Vết thương nơi chiến trường tôi còn mang trên cơ thể từ đó đến nay vậy mà họ lại kết luận tôi làm giả”. Để chứng minh cho điều mình nói ông Thơ lật giở trong bộ hồ sơ Kết quả chụp X-quang tại BVĐK huyện Đô Lương trong phần kết luận nêu rõ: bệnh nhân Nguyễn Thế Thơ có mảnh kim khí cản quang ở vùng cổ và lưng.

Ông Thơ khẳng định bản thân mình bị “kết án” oan theo Kết luận thanh tra số 178/KL-TTR ngà 5/9/2014 của Chánh thanh tra Bộ LĐ-TB&XH.

Cái kết luận mà ông chưa một lần nhìn thấy ấy như một “bản án” nghiệt ngã giữa thời bình nó có sức sát thương còn hơn viên đạn trong thời chiến, nó đã hạ gục người lính năm nào. Chiến trường khốc liệt, bom đạn kẻ thù…

Từ khi bị "kết án" là "thương binh giả" ông Nguyễn Thế Thơ đã chịu rất nhiều áp lực, đối với ông số tiền trợ cấp hàng tháng không quan trọng chính cái "án" thương binh giả mới làm ông suy sụp.

Phóng viên trình bày trường hợp của ông Nguyễn Thế Thơ với ông Đoàn Hồng Vũ - GĐ Sở LĐ-TB&XH Nghệ An, ông Vũ cho biết: Trường hợp như ông Thơ căn cứ vào kết luận thanh tra của Bộ LĐ-TB&XH nên Sở không có thẩm quyền.

Đối với trường hợp trên, nếu ông có các giấy tờ liên quan thì cần đưa lên Huyện đội để xem xét, sau đó sẽ trình lên Tỉnh đội, Quân khu… nếu xét thấy trường hợp này có đủ các điều kiện thì Quân khu sẽ trình ra Thanh tra Bộ xem xét trả lời Quân khu… Từ đó mới có căn cứ để phục hồi chế độ cho những trường hợp như trên…

Tuy nhiên sau nhiều năm ròng rã, ông Thơ đã ôm bộ hồ sơ của mình, cùng với những mảnh đạn trên cơ thể đi khắp các nơi nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời chính thức nào.

Từ đó đến nay, cái “bản án” “thương binh giả” gắn liền với ông và gia đình, nó dày vò, làm khổ người lính năm nào.

Tác giả: Quang Phong

Nguồn tin: Pháp Luật Plus

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP