Kinh tế

Huyện ở Nghệ An thu 500 tỷ đồng/năm từ xuất khẩu lao động

Bình quân mỗi năm ở huyện Diễn Châu (Nghệ An) có khoảng 1.000 người đi xuất khẩu lao động có thời hạn tại thị trường các nước Nhật Bản, Đài Loan, Rumani... mỗi năm chuyển về khoảng trên 500 tỷ đồng.

Diễn Bích là xã vùng biển, đời sống người dân chủ yếu dựa vào khai thác đánh bắt hải sản, thế nhưng 2 năm gần đây, xã mỗi năm khoảng 50 người đi XKLĐ. Nhờ nguồn thu nhập từ XKLĐ, nhiều hộ dân ở đây đã thoát nghèo trở thành hộ khá giả.

Vốn là gia đình khó khăn, bà Vũ Thị Thu ở xóm Hải Trung, xã Diễn Bích có 3 người con đi XKLĐ ở Đài Loan, mỗi năm tích góp gửi về cho gia đình gần 400 triệu đồng. Nhờ đó gia đình bà đã xây dựng được nhà cửa khang trang và mua sắm các vật dụng đắt tiền. Bà Vũ Thị Thu cho biết, các con bà đi xuất khẩu lao động theo các công ty uy tín nên có thu nhập ổn định, sau khi trả nợ còn giúp làm nhà cho bố mẹ.

Các học viên được học nghề tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Diễn Châu trước khi đi xuất khẩu lao động. Ảnh: Lê Đồng

Hiện nay, toàn xã Diễn Nguyên đang có 285 người đi XKLĐ tại các nước Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc… mỗi năm lực lượng này không chỉ gửi về cho gia đình khoảng 40 tỷ đồng, ngoài ra họ còn xung phong đóng góp xây dựng các phong trào ở địa phương trên 200 triệu đồng. Đây là kết quả của việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người XKLĐ của địa phương: thực hiện theo đúng hợp đồng ký kết với đối tác, không ở lại khi hết hạn hợp đồng. Diễn Nguyên hiện trở thành 1 trong 5 xã điển hình của huyện Diễn Châu trong công tác XKLĐ.

Ông Đàm Văn Hiên - Chủ tịch UBND xã Diễn Nguyên cho biết, xã tạo mọi điều kiện về hồ sơ để các em vay vốn đi XKLĐ. Từ nguồn thu XKLĐ, đã giúp nhiều gia đình ở Diễn Châu thoát nghèo, vươn lên làm giàu; nhiều hộ đầu tư xây dựng và phát triển kinh tế trở thành các mô hình điển hình ở địa phương. Cũng từ lực lượng này, hàng năm đã đóng góp xây dựng nông thôn mới, thay đổi diện mạo vùng nông thôn.

Bộ mặt nông thôn xã Diễn Tháp, huyện Diễn Châu đổi mới một phần nhờ xuất khẩu lao động. Ảnh: Xuân Hoàng

Đạt được kết quả này là nhờ Diễn Châu đẩy mạnh các giải pháp về đào tạo nghề; mỗi năm có trên 500 lao động được đào tạo và hướng nghiệp nghề... Các xã làm tốt việc hỗ trợ người lao động được tiếp cận được nguồn vốn vay tại các ngân hàng. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và hướng dẫn người dân tìm đến các tổ chức làm công tác XKLĐ có uy tín, trong diện quản lý của huyện để tránh thiệt hại.

Những hiệu quả tích cực trong công tác XKLĐ đã góp phần quan trọng trong công tác an sinh xã hội trên địa bàn, tuy nhiên, bên cạnh việc tích cực đẩy mạnh XKLĐ đến với các thị trường tiềm năng, thì hiện nay Diễn Châu cũng đang nỗ lực vận động gia đình có con em lao động "chui" ở nước ngoài đưa về nước nhằm đảm an toàn cũng như đúng quy định pháp luật.

Tác giả: Mai Sao - Lê Đồng

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP