Trước đó, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Iran đã đưa ra bình luận dường như gợi ý rằng vấn đề tên lửa có thể được dùng để đàm phán. Trong cuộc phỏng vấn của NBC News mới đây, ông nói nếu Mỹ muốn thương lượng về tên lửa của Iran, thì trước tiên cần "dừng bán tất cả các vũ khí, trong đó có tên lửa, cho khu vực của chúng tôi".
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif. (Ảnh: AP) |
Iran từ lâu quyết không đàm phán về chương trình tên lửa đạn đạo của nước này, vốn do lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) kiểm soát. Những phát biểu mới của Ngoại trưởng Zarif dường như gợi mở một sự đảo chiều khi căng thẳng giữa Tehran và Washington tiếp tục leo thang.
Tuy nhiên, ngay sau đó, phái bộ của Iran ở Liên Hợp Quốc khẳng định bình luận của Ngoại trưởng Zarif chỉ là "giả định" và các tên lửa của Iran "hoàn toàn không thể đàm phán với bất kỳ ai hay bất kỳ nước nào, thời kỳ nào". Từ Tehran, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi tuyên bố những lời của ông Zarif là nhằm phản đối Washington.
Sau đó, ngày 17/7, đích thân Ngoại trưởng Zarif tuyên bố Iran không có lựa chọn nào khác ngoài sản xuất tên lửa để tự bảo vệ mình. Ông viện đến cuộc chiến Iran – Iraq hồi những năm 1980 và viết trên Twitter: "Trong 8 năm, Saddam (Hussein) đã dội tên lửa và bom đạn được phương Đông và phương Tây cung cấp lên các thành phố của chúng tôi. Trong khi đó, không ai bán cho Iran bất kỳ phương tiện phòng thủ nào. Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác là phải tự phát triển. Mà giờ đây họ còn than phiền".
"Thay vì bám lấy vấn đề này, Mỹ phải dừng bán vũ khí cho những Saddam tái sinh", ông Zarif tuyên bố thêm.
Căng thẳng giữa Tehran và Washington leo thang chóng mặt kể từ khi Tổng thống Doanald Trump năm 2018 đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký với các cường quốc thế giới năm 2015, đồng thời tái áp đặt cấm vận lên nước Cộng hòa Hồi giáo. Mỹ cũng đưa thêm tới Trung Đông hàng nghìn binh sĩ, một hàng không mẫu hạm, các máy bay ném bom B-52 và chiến cơ tối tân.
Một loạt vụ tấn công tàu dầu gần Eo biển Hormuz mới đây càng làm nóng bầu không khí khu vực. Các bên liên quan liên tục có những hành động trả đũa lẫn nhau, gây lo ngại một cuộc xung đột rộng lớn hơn có thể nổ ra ở vùng biển huyết mạch đối với các nguồn cung năng lượng toàn cầu.
Tác giả: Thanh Hảo
Nguồn tin: Báo VietNamNet