Kinh tế

“Kênh đào Panama của Việt Nam” trị giá hơn 100 triệu USD vừa gặp sự cố gì?

Trong quá trình vận hành, kênh đào này gặp phải một sự cố.

Vào ngày 9/8 vừa qua, theo thông tin từ Công ty CP Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 10, đơn vị quản lý Âu tàu của kênh đào Nghĩa Hưng, sự cố xảy ra đối với dây cáp tời kéo cánh phai cửa âu tàu.

Theo đó, vào lúc 11h30' cùng ngày, trong quá trình vận hành, dây cáp tời kéo cánh phai cửa âu tàu đã bị đứt. Trong lúc đó, có 2 phương tiện đang ở trong buồng âu tàu nên chưa thể di chuyển ra bên ngoài.

Ngay sau khi phát hiện ra sự cố này, đơn vị quản lý kênh đào Nghĩa Hưng đã tạm dừng hoạt động của âu tàu nhằm khắc phục hiện tượng rò rỉ dầu của hộp số cửa van cân bằng nước ở phía đầu sông Đấy và tiến hành lên phương án khắc phúc. Đồng thời, đơn vị quản lý âu tàu còn khuyến cáo những chủ phương tiện vẫn đang lưu thông trên tuyến tiến hành điều chỉnh lộ trình trong thời gian họ khắc phục sự cố.

Âu tàu là hạng mục có giá trị nhất của kênh Nghĩa Hưng. Cửa âu được làm từ cửa thép, nặng 87 tấn, có kết cấu phẳng kéo ngang, di chuyển bằng hệ thống đường ray, dây cáp và tời điện. Trên cửa âu còn có hai van điều tiết nước. Ảnh: VOV

Cách đây hơn 1 năm, vào ngày 25/7/2023, Bộ Giao thông vận tải chính thức mổ luồng đường thủy nội địa Quốc gia – cụm công trình kênh đào nối với sông Đáy – Ninh Cơ (gọi là kênh Nghĩa Hưng), nằm trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

Cụm công trình này thuộc Dự án Phát triển Giao thông vận tải khu vực đồng bằng Bắc bộ (Dự án WB6), chính thức được động thổ ngày 19/11/2020. Kênh đào này có tổng mức đầu tư là 107,19 triệu USD, trong đó vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới là 78,74 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 28,45 triệu USD.

Sau khi cụm công trình kênh nối sông Đáy với sông Ninh Cơ hoàn thành xây dựng, Bộ Giao thông vận tải đã đặt tên cụm công trình là "Kênh Nghĩa Hưng" và "Âu tàu Nghĩa Hưng".

Một con tàu lưu thông qua kênh Nghĩa Hưng. Việc các tàu di chuyển qua kênh đào này giúp rút ngắn đáng kể lộ trình đường thủy từ cụm cảng Ninh Phúc đến cảng Hải Phòng, Quảng Ninh hoặc các tỉnh Duyên hải phía Nam. Ảnh: TP

Âu tàu Nghĩa Hưng có chiều dài 179 m, rộng 17 m, cao 10,5 m, với kết cấu bê tông cốt thép, tường đứng hình chữ U với 2 khu chờ tàu. Trọng tải của tàu qua âu tàu này tối đa là 3.000 tấn. Mỗi lần đi qua kênh đào có thể là 3 tàu, tùy theo khối lượng và kích thước.

Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, kênh Nghĩa Hưng đã đưa hàng nghìn tàu chở hàng, vận tải dầu, than,... đi qua, từ đó giúp rút ngắn thời gian đi lại, tạo điều kiện phát triển kinh doanh giao thương thuận tiện tại các vùng lân cận.

Trên thực tế, khi đi qua kênh Nghĩa Hưng, tàu trọng tải lớn tiết kiệm được 8h di chuyển, tương ứng với chi phí khoảng 20 triệu đồng.

Tác giả: Minh Hằng

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP