Tình trạng chuyến bay bị chậm giờ, thậm chí hủy chuyến đã không còn xa lạ với hành khách đi máy bay. Không ít lần khách ra sân bay làm thủ tục xong, đợi gần giờ lên máy bay thì được thông báo chuyến bay bị chậm, có chuyến chậm tới lần thứ 2, 3.
Thậm chí, có chuyến bay bị hủy, nhưng hành khách không nhận được thông báo, chỉ khi ra sân bay làm thủ tục mới ngớ người.
Ngày 20/7/2018, chị Hiền mua vé máy bay của hãng Jetsar Pacific từ Thanh Hoá đi TP.HCM, khởi hành lúc 8h55. Đến 4h sáng, hãng nhắn tin báo hoãn chuyến đến 11h trưa. 9h sáng chị Hiền có mặt tại sân bay Thọ Xuân làm thủ tục thì lại nhận được thông báo giờ khởi hành là 12h20, do máy bay về trễ.
Máy bay delay quá nhiều khiến hành khách đi máy bay phát hoảng |
Đến 30/7, chị Hiền mua vé của Vietjet Air từ TP.HCM về Thanh Hoá, khởi hành lúc 19h. Khi ra sân bay Tân Sơn Nhất làm xong thủ tục, chị nhận được thông báo máy bay đến trễ nên lùi giờ khởi hành lên 20h, sau nhiều lần thông báo, 22h chuyến bay mới có thể khởi hành.
Vạ vật cả buổi tối ở sân bay, chị Hiền cho rằng, hãng hàng không đã không tôn trọng hành khách khi để khách phải chờ nhiều giờ đồng hồ tại sân bay mà không có thông báo cụ thể.
“Lẽ ra 22h đêm mình đã về đến nhà, nhưng thực tế lúc đó lại đang vạ vật ở sân bay nên rất mệt mỏi...”, chị Hiền nói.
Phó TGĐ Vietjet Air Lương Thế Phúc cho biết, việc có hành khách không được thông báo chuyến bay bị chậm, hủy do mua vé qua đại lý hoặc nhờ người khác mua hộ nên không cung cấp số điện thoại của mình.
Do đó, khi chuyến bay bị chậm, hủy hãng không có số để thông báo cho hành khách, dẫn tới các sự cố đáng tiếc sau đó.
Ông cũng thừa nhận, có những chuyến bay hãng chưa đáp ứng được theo yêu cầu của khách, hãng sẽ khắc phục tình trạng này.
Theo ông, có nhiều nguyên nhân dẫn đến máy bay bị chậm, huỷ chuyến như do không lưu, chậm quay đầu máy bay và lỗi kỹ thuật.
Sân bay Tân Sơn Nhất quá tải được xem là một trong những nguyên nhân chậm chuyến |
Việc quá tải sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) cũng ảnh hưởng tới hoạt động khai thác và chuyến bay đúng giờ của hãng. Đó là chưa kể việc chuyến bay hạ cánh chậm vì sân bay quá tải, mưa bão, hành khách tới muộn…
Ông Đinh Văn Tuấn, GĐ Trung tâm điều hành khai thác Vietnam Airlines chia sẻ, hãng có chỉ số đúng giờ cao nhất trong các hãng hàng không Việt Nam nhưng vẫn còn 10% chuyến bị chậm, hủy chuyến.
Ngoài lý do lỗi kỹ thuật máy bay, thời tiết xấu…, còn có nguyên nhân do các đường bay đi và đến Trung Quốc của hãng bị ảnh hưởng do mật độ chuyến bay tại các sân bay nước này quá lớn, nên phải bay chờ làm cho các chuyến sau đó bị chậm theo.
“Có những chuyến bay phải bay vòng chờ hạ cánh 3-4 tiếng. Việc chậm, hủy chuyến gây thiệt hại lớn nên không một hãng hàng không nào mong muốn…”, ông Tuấn nói.
Tại cuộc họp với các đơn vị hàng không mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, nếu chậm, huỷ chuyến hãng phải thông báo rõ, xin lỗi, bồi thường kịp thời theo đúng quy định cho khách.
“Hãy đối xử công bằng với người dân. Sai thì phải sửa”, ông nhấn mạnh.
Chậm, huỷ chuyến nhiều làm xấu hình ảnh
Phó cục trưởng Hàng không VN Võ Huy Cường khẳng định, tới đây hãng nào để chậm, hủy chuyến cao sẽ không được tăng chuyến và không được cấp đường bay mới (bay đúng giờ thấp hơn 70% trong 3 tuần liên tiếp). Cục sẽ công khai tỷ lệ chậm, hủy chuyến của các hãng để hành khách lựa chọn.
Cục cũng chỉ đạo các hãng phải tăng máy bay, tổ bay dự phòng để kịp thời thay thế khi chuyến bay về trễ hoặc gặp sự cố kỹ thuật, tăng cường chuyến bay đúng giờ...
Tại hội nghị mới đây với các hãng hàng không, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng nói rõ, việc chậm, huỷ chuyến bay thời gian qua nhiều, làm xấu hình ảnh hàng không. Đặc biệt, việc cấp phép bay tập trung vào “đường bay vàng, giờ vàng”, khiến hạ tầng hàng không lúc quá tải, khi lại dư thừa.
Ông chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu cho Bộ giải pháp giảm tối đa chuyến bay chậm, huỷ, dồn chuyến.
“Cần giải pháp tăng cường quản lý nhà nước, đảm bảo công bằng giữa hãng hàng không và hành khách, nghiên cứu giá vé theo khung giờ”, ông Thể nói.
Bộ trưởng cũng đánh giá Tết vừa qua, tình trạng chậm chuyến còn nhiều. Việc đi lại của hành khách hết sức vất vả. Vì thế, tuyệt đối Tết năm nay không được để lặp lại tình trạng chậm, huỷ chuyến như những năm trước.
Ông cũng yêu cầu Cục Hàng không cần nghiên cứu chế tài thu hồi slot theo hướng phải nghiêm hơn, chặt chẽ hơn; Có chế tài rõ ràng đối với những trường hợp dồn chuyến, chậm, huỷ chuyến.
Tác giả: Vũ Điệp
Nguồn tin: Báo VietNamNet