Cô Ngô Thụy Nam Phương, giáo viên trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm |
Cô Ngô Thụy Nam Phương, giáo viên trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1, TP.HCM: Dạy trong nỗi sợ và nỗi buồn
Tôi đã có những ngày tháng thật buồn. Thời điểm chuẩn bị bước vào năm học mới gia đình tôi là F0, mọi người đều may mắn vượt qua, riêng bà ngoại tôi đã mất và ba ruột rơi vào hôn mê nhưng may mắn qua khỏi, đang trong giai đoạn hồi phục.
Tôi dạy học trong tâm trạng lo lắng và nỗi đau chưa nguôi ngoai. Có đôi lần tôi rơi nước mắt qua màn hình máy tính khi nhìn thấy hình ảnh bà dạy cháu học tôi bỗng thấy nhớ bà ngoại mình rất nhiều. Nhiều đêm liền tôi không ngủ được khi nghe phụ huynh học sinh báo học sinh lớp mình bị nhiễm COVID- 19.
Vượt qua bao nỗi lo, nỗi sợ và nỗi buồn, tôi đã cố gắng vực dậy tinh thần, để bắt đầu 1 năm học mới đầy thách thức nhưng cũng rất thú vị vì đây là năm học đặc biệt chưa từng có trong lịch sử, giáo viên được trải nghiệm dạy trực tuyến.
Sau đó, tôi được chọn là giáo viên sẽ ghi hình Tiếng Việt lớp 1 qua truyền hình, tôi càng có động lực cố gắng nhiều hơn nên hiện tại tôi đã không còn cảm thấy áp lực và dần quen với trạng thái bình thường mới của thành phố.
Khi dạy trực tuyến mà học sinh là lớp 1, tôi đã gặp 1 số khó khăn như đường truyền không ổn định, trình độ học sinh không đồng đều, thao tác chưa thành thạo nhưng với 5 năm dạy lớp 1 tôi đã có chút ít kinh nghiệm cộng với lợi thế kĩ năng ứng dụng công nghệ thông tin tôi đã xây dựng nội quy lớp học trực tuyến và chia lớp nhỏ thành nhiều nhóm theo trình độ để dạy.
Tôi nhờ sự hỗ trợ thêm của phụ huynh giúp học sinh trong thời gian đầu học trực tuyến. Sau 2 - 3 tuần, thao tác của học sinh đã thành thạo và tương tác với giáo viên khá tốt. Hơn nữa, trước khi bắt đầu dạy giáo viên đã có khoảng thời gian là 1 tuần để làm quen với học sinh. Tôi đã tận dụng khoảng thời gian này để rèn nề nếp và nội quy học trực tuyến.
Tôi thiết nghĩ, lực lượng y tế cũng chưa khi nào phải làm việc căng thẳng và vất vả đến mức kiệt sức, vậy mà giờ đây hằng ngày, hằng giờ, hằng phút, hằng giây họ phải chiến đấu với tử thần covid 19 để giành giật sự sống thì khó khăn của giáo viên không là gì, cái gì mới thì mình làm quen và khó khăn thì tìm cách khắc phục.
Bản thân tôi là một giáo viên trẻ và là một đoàn viên, luôn phải xung kích trong các hoạt động, tôi phải truyền năng lượng tích cực và lan tỏa đến tất cả mọi người.
Năm 2022 tôi chỉ mong muốn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng sớm khống chế được dịch bệnh để không ai phải chịu nỗi đau mất người thân như tôi và hàng ngàn hàng triệu đồng bào đang trải qua. Học sinh sớm quay trở lại trường học để được học tập và vui chơi. TP.HCM giờ đã quay trở lại trạng thái bình thường mới
Cô giáo Nguyễn Thị Huyền Thảo- giáo viên THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TPHCM |
Cô giáo Nguyễn Thị Huyền Thảo- giáo viên THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TPHCM: Mong rằng mọi mệt mỏi, căng thẳng từ việc dạy và học online sẽ được tạm khép lại
Năm học 2020-2021 diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, việc học trực tiếp bị gián đoạn và phải chuyển đổi sang học trực tuyến điều này vừa là cơ hội và thách thức đối với ngành giáo dục nói chung và đối với giáo viên.
Việc chuyển đổi hình thức dạy học cũng đồng thời đặt ra yêu cầu và nhiệm vụ mới cho giáo viên về phương pháp dạy học, tổ chức lớp học, soạn giảng bài học và ứng dụng 100% công nghệ thông tin vào công việc. Điều này gây khó khăn cho không ít các thầy cô giáo trong điều kiện dạy học và làm việc còn nhiều khó khăn như công cụ dạy học, phòng dạy học và áp dụng công nghệ trong thời gian rất ngắn. Đến nay gần 1 học kỳ sắp kết thúc và ôn tập trực tuyến đã ổn định và mang lại những hiệu quả tích cực bên cạnh những hạn chế và tồn tại trong dạy và học cũng bộc lộ.
Nhìn lại một năm đã qua, còn nhiều trăn trở, băn khoăn nhưng cũng đạt được nhiều kết quả khả quan về hình thức dạy và học trực tuyến. Dù thầy và trò cũng vất vả, căng thẳng và mệt mỏi trong thời gian dài cũng như tác động và ảnh hưởng đến tâm sinh lý của cả thầy và trò cũng đang được đặt ra...cần lắm sự quan tâm, động viên từ các cấp lãnh đạo để thầy và trò có thêm động lực cũng như có thêm sự quan tâm từ phía xã hội để cùng nhau vượt qua khó khăn.
Mong rằng năm 2022 dịch bệnh khả quan hơn để thầy và trò được quay lại trạng thái bình thường và mọi mệt mỏi, căng thẳng từ việc dạy và học online sẽ được tạm khép lại.
Thầy Nguyễn Thành Công |
Thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên trường THPT chuyên Sư phạm Hà Nội: Khó khăn, thách thức, thích ứng để đảm bảo chất lượng.
Đại dịch COVID - 19 đã tác động quá lớn lên mọi mặt của đời sống xã hội trong đó có các hoạt động căn bản của giáo dục. Nếu như năm học 2020 - 2021 còn bề bộn lo toan, lập cập để thích ứng với diễn biến của dịch thì năm học 2021-2022 chúng ta đã có kinh nghiệm hơn, quyết đoán hơn trong việc xây dựng, tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với tình hình dịch ở mỗi địa phương cho một năm học lần đầu tiên khai giảng trực tuyến.
Khó khăn còn đó, là cơ sở hạ tầng chưa được đồng bộ, trang thiết bị giảng dạy và học tập của cả giáo viên và học sinh còn thiếu, còn phải tận dụng đặc biệt là ở các vùng khó khăn, là kĩ năng thích ứng với “chuyển đổi số” của cả giáo viên và học sinh, là sức khỏe thể chất và tinh thần của người dạy và người học bị ảnh hưởng bởi các hoạt động trước màn hình máy tính, là chất lượng giáo dục qua giảng dạy trực tuyến, là độ chính xác của các bài kiểm tra đánh giá,…
Bất cập vẫn còn đó chờ đợi hướng giải quyết, hàng loạt vấn đề nổi cộm của ngành giáo dục được đưa ra như những sai phạm trong cấp bằng của một trường đại học, nghi vấn lộ, lọt đề thi môn Sinh trong kì thi tốt nghiệp năm 2021 vẫn chưa được giải quyết rõ ràng...
Nhưng thách thức thì luôn đi kèm với cơ hội, đó là cơ hội tuyệt vời để thực hiện chuyển đổi số, đào tạo kĩ năng làm việc với máy tính cho giáo viên và học sinh, bổ sung thêm các phương thức giao tiếp và làm việc nhanh chóng hơn, hiện đại hơn trong một xã hội hiện đại.
Giáo dục đã dần thích ứng, thay đổi học trực tuyến hoặc trực tiếp hoặc song song hai hình thức một cách phù hợp với tình hình dịch bệnh tại mỗi địa phương. Áp lực từ dịch bệnh cũng khiến thầy, cô thay đổi mạnh mẽ trong phương pháp giảng dạy.
Các học sinh, sinh viên trong cả nước có thể “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”, cả người dạy và người học dần quen với các “lớp học ảo”. Trong dịch bệnh, chúng ta mới thấy giá trị của sự thích ứng, nếu thích ứng sẽ được giữ lại còn không sẽ bị đào thải trong xã hội đầy biến động phức tạp ngày nay.
Tác giả: Đỗ Hợp
Nguồn tin: Báo Tiền Phong