Sinh ra và lớn lên tại vùng heo hút của tỉnh Yên Bái, cũng như bao bạn bè đồng lứa khác, Thảo quá quen với cảnh sống vất vả, thiếu thốn trăm bề của gia đình, làng xóm.
Có điều may mắn hơn các cô gái khác, trời ban cho Thảo ngoại hình xinh đẹp nổi trội. Vì lẽ đó mà khi đỗ đại học, xuống thủ đô, Thảo được rất nhiều chàng trai theo đuổi. Trải qua 3 mối tình sinh viên, cuối cùng Thảo đồng ý cưới Thắng – chàng trai Hà Nội hào hoa, phong độ và tốt tính.
Tuy nhiên, cuộc đời không phải là mơ. Có về làm dâu Hà Nội, Thảo mới dần ngộ ra nhiều điều. Đầu tiên, đó là cả nhà chồng Thảo, nhất là mẹ chồng đều quan niệm rằng, một đứa con gái miền núi như Thảo lấy được Thắng là một điều rất may mắn, kiểu “đũa mốc mà chòi được mâm son”.
Chồng Thảo là con út, trước anh có 2 anh trai. Vợ chồng Thảo ở chung cùng bố mẹ chồng vì trước đó hai anh trai đều được ông bà mua nhà cho ở riêng.
Trong ba người con dâu, Thảo là người có hình thức xinh nhất, có công việc ổn định nhưng lại là người nghèo nhất với thu nhập chỉ 6 triệu/tháng.
Có lẽ đây chính là lý do mẹ chồng Thảo coi thường cô vì hai chị dâu kia kinh doanh nhà hàng, có tháng lãi lên đến cả trăm triệu. Trong khi hai chị dâu thường xuyên biếu tiền và mua quà cho mẹ chồng thì Thảo chỉ thỉnh thoảng mới biếu bà được bộ quần áo, đôi giầy hay mua cái chổi lau nhà, máy xay sinh tố, … Song mỗi khi nhà có giỗ, Tết, vợ chồng Thảo đều đóng góp và dậy sớm nấu nướng, rồi dọn dẹp "bãi chiến trường" cùng mẹ chồng trong khi hai chị dâu chỉ đến ăn rồi nhanh chóng kêu bận việc này việc kia “chuồn” sớm.
Hơn 2 năm làm dâu trôi qua, Thảo đã cố gắng sống chịu đựng, hòa đồng với gia đình chồng nhưng càng ngày Thảo càng thấy khó. Mẹ chồng Thảo ngày càng tỏ ra yêu quý hai chị dâu và coi thường cô.
Ảnh minh họa. |
Hôm trước, mẹ chồng Thảo lại so sánh và kể lể: “Cái Hương hôm qua mua cho mẹ cái vòng ngọc những gần 4 triệu. Sáng nay đi tập thể dục, mấy bà ở khu mình cứ tấm tắc khen”, “Con Thư (chị dâu thứ hai) không biết dạo này có phải làm việc nhiều quá không mà người có vẻ rộc đi. Kiếm tiền lo cho chồng con thì cũng vừa vừa thôi chứ”… Thảo nghe mà cảm thấy tủi thân vô cùng. Chưa bao giờ mẹ chồng hỏi han cô ngay cả khi Thảo ốm đau, mang bầu. Bà thường cạnh khóe Thảo là đã “ăn nhờ ở đậu” nhà chồng mà không biết điều, kiệt xỉ, chỉ bo bo giữ của mà không nghĩ rằng thu nhập của vợ chồng Thảo chỉ được 15 triệu thì đã đưa cho bà 7 triệu tiền ăn và sinh hoạt.
Nhiều lúc Thảo nghĩ, cùng phận đi làm dâu, chỉ vì đồng tiền mà cô thấy mình bị đối xử thiên lệch, chịu đủ nhục nhã. Đúng là Thảo nghèo nhưng vẫn có công ăn việc làm ổn định, không ăn bám chồng, cũng không xin xỏ bố mẹ chồng đồng nào. Không cho bố mẹ nhiều tiền, nhưng mỗi khi họ ốm đau, Thảo vẫn hết lòng chăm sóc, phụng dưỡng. Vậy mà bà vẫn nói xấu cô với họ hàng, hàng xóm và cả hai chị dâu. Nhiều lúc Thảo ấm ức chỉ muốn tìm cách nhanh chóng thoát khỏi gia đình ngột ngạt này. Nói thật, cứ từ tầng ba đi xuống dưới nhà gặp mẹ chồng là Thảo cảm thấy không thoải mái và khó chịu. Càng ngày khoảng cách mẹ chồng – nàng dâu càng xa hơn.
Đã quá nhiều lần Thảo muốn ra ở riêng nhưng mỗi khi nêu ý kiến này với chồng, anh đều gạt đi, nói rằng “Em chịu khó nhịn một chút, bố mẹ già rồi. Giờ mà mình ra ngoài thuê nhà thì người ta cười cho đấy. Mình ở với bố mẹ, trước là phụng dưỡng, sau cũng là vì tốt cho cuộc sống của vợ chồng mình. Em sinh con, ông bà sẽ trông và dậy dỗ giúp, “một bà bằng 3 osin” đấy”.
Hiện giờ, Thảo đang sống ở nhà chồng mà cảm giác như bị giam hãm trong một nhà tù. Chưa bao giờ cô thấy mình cô đơn, khó chịu đến thế. Nếu tiếp tục cuộc sống này kéo dài cho đến khi sinh con rồi đi học mẫu giáo, Thảo biết mình còn phải chịu nhiều khổ đau, tủi nhục. Tháng Sáu tới là Thảo sinh con rồi…
Tác giả: Vân Vũ
Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội