Tin trong tỉnh

Khoét đất nông nghiệp đem bán cho nhà máy gạch?

Dù chưa có sự đồng ý từ UBND huyện Nghi Lộc, nhưng Chủ tịch UBND xã Nghi Mỹ đã tự ý cho người dân cải tạo đất nông nghiệp. Phải chăng, việc "cải tạo" đất để thuận lợi cho canh tác là cái cớ, còn việc đem bán đất cho nhà máy gạch mới là chính?!

Người dân phản ánh đến PL&DS, thời gian gần đây, mỗi ngày có tới hàng chục chuyến xe chất đất cao vút thùng xe, chạy nườm nượp xuyên làng, rồi ra đường 534 chạy thẳng về nhà máy sản xuất gạch ngói tại xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc, Nghệ An gây bụi bẩn, ảnh hưởng đến chất lượng đường dân sinh, khó khăn trong việc đi lại.

Theo những chiếc xe quá tải, chúng tôi tìm về xóm 2 xã Nghi Mỹ, nơi đang diễn ra hoạt động khai thác đất nông nghiệp hết sức rầm rộ.

Những chiếc xe trọng tải lớn chất cao vút đất nông nghiệp đang di chuyển từ xóm 2 xã Nghi Mỹ xuyên qua nhiều địa bàn xóm, xã rồi về thẳng nhà máy sản xuất gạch ngói

Một con đường nội đồng, dành cho việc sản xuất nông nghiệp lâu nay đã được sửa chữa, bồi đắp lớn hơn, chắc hơn để những chiếc xe tải chở đất có thể chạy an toàn. Từ ngôi làng nhìn ra, trên cánh đồng lớn, nhiều chiếc xe tải chạy nườm nượp ra vào khu vực khai thác đất, cảnh tượng hết sức nhộn nhịp. Kéo theo đó là hình ảnh bụi bẩn bay mù trời, một cảnh tượng “công nghiệp hóa” giữa thôn quê.

Chúng tôi tận mắt ghi nhận “công trường” khai thác đất nông nghiệp, và những chuyến xe tải “ăn hàng” hết sức nhanh lẹ. Chiếc máy múc lớn, hoạt động không ngừng nghỉ, liên tiếp cào sâu vào lòng những mảnh ruộng, đổ đất đầy ắp lên xe tải. Một khu vực đất nông nghiệp rộng lớn đã bị múc sâu trên dưới 1 mét, trở thành "ao" lớn, và khả năng sau này sẽ trở thành nơi nuôi cá, chứ khó có thể canh tác hoa màu. Thật khó hình dung được cách “cải tạo” đất nông nghiệp để dễ canh tác theo kiểu này của xã Nghi Mỹ hiệu quả ở đâu?

Điều khiến chúng tôi bất ngờ, đó là, việc khai thác đất này nằm trong diện “cải tạo” nhằm thuận lợi cho canh tác, với lý do khu đất cao, cằn cỗi là lời giải thích của ông Hoàng Đức Trì, Chủ tịch UBND xã Nghi Mỹ về nguyên nhân đất ruộng nơi đây bị “đào xới” sâu tới mức khủng khiếp như vậy.

Đất ruộng bị khoét sâu khoảng 1 mét

Ông Trì cho rằng khu đất cao, xóm xin cải tạo lại, toàn bộ đất được dùng để đắp trong nội đồng, chứ không được mang ra ngoài, đi bán.

“Xóm có đề cập với xã, xã làm tờ trình xin huyện, nhưng huyện bảo thuộc trách nhiệm của xã nên xã cho xóm cải tạo. Việc bán đất cho nhà máy gạch tôi không nắm được, tôi sẽ cho kiểm tra, nếu đúng phải đình chỉ…”- ông Trì khẳng định.

Liên quan tới việc đất nông nghiệp "cải tạo" rồi đem bán mỗi khối đất lên tới 42 nghìn đồng, người đàn ông tự xưng tên là D (ở xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc) cho hay: "Biết khai thác là sai, cũng chỉ mới làm vài hôm nay, chưa có giấy tờ pháp lý gì cả, khai thác đất bán cho nhà máy sản xuất gạch ngói Hoàng Nguyên, cũng vừa giúp xóm “cải tạo” đất".

Với lý do "cải tạo" để canh tác, nếu không dừng lại ngay thì những "bờ xôi ruộng mật" sẽ biến thành...ao!?

Sáng 28/5,trao đổi với ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc và ông Nguyễn Bá Điệp – Trưởng phòng TN&MT huyện Nghi Lộc thì cả hai ông đều cho biết không nắm được sự việc, cũng như không có chuyện xã trình hồ sơ xin cải tạo, huyện sẽ cho kiểm tra xử lý.

Thế nhưng, tới chiều cùng ngày, hiện tượng khai thác đất nông nghiệp trái pháp luật vẫn diễn ra bình thường, không có biểu hiện được chấn chỉnh, dừng lại.

Liệu rằng Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc có làm nghiêm vụ việc này không?

PL&DS sẽ tiếp tục thông tin rõ.

Tác giả: Hoàng Phạm

Nguồn tin: Báo Pháp luật & Dân sinh

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP