Trong nước

Không nên biến Quốc hội thành cơ quan hành chính

Ngoài vấn đề ĐB chuyên trách, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý việc phải tránh biến Quốc hội thành một cơ quan hành chính, thứ bậc.

Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp - Ảnh: Gia Hân

Chiều 14.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến về luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Quốc hội và chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 8.

Về việc tăng đại biểu (ĐB) chuyên trách, Trưởng ban soạn thảo dự án luật, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, hiện vẫn có 2 loại ý kiến về vấn đề này. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, luật Tổ chức QH hiện hành đã quy định số lượng ĐB chuyên trách ít nhất là 35% tổng số ĐB, nhưng không hạn chế việc nâng tỷ lệ này lên.

Do đó, để thực hiện yêu cầu về tăng tỷ lệ ĐB chuyên trách thì không cần thiết phải sửa đổi quy định của luật. Ngược lại, loại ý kiến thứ hai đề nghị sửa quy định của luật hiện hành theo hướng nâng tỷ lệ ĐB chuyên trách lên mức cao hơn (37 - 40%, hoặc thậm chí 50%) để có cơ sở phấn đấu, sắp xếp cán bộ và quy định cơ cấu ĐBQH hợp lý, giảm số lượng ĐB kiêm nhiệm, tạo cơ sở pháp lý mạnh mẽ hơn cho việc thực hiện yêu cầu mà T.Ư đã đề ra.

Dù vậy, ban soạn thảo cho rằng, với tỷ lệ hiện nay (có 167 ĐB chuyên trách trên tổng số 484 ĐB, chiếm 34,5%) đã khó đáp ứng đủ, dù đã có nhiều cố gắng trong việc quy hoạch, chuẩn bị nguồn nhân sự từ sớm. Do đó, nếu sửa đổi luật theo hướng tăng tỷ lệ ĐB lên mức cao hơn trong khi chưa tính toán kỹ về nguồn nhân sự đầu vào, thì sẽ rất khó khả thi, ảnh hưởng đến hiệu lực của luật.

Ngoài vấn đề ĐB chuyên trách, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ QH cũng lưu ý việc phải tránh biến QH thành một cơ quan hành chính, thứ bậc. Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho rằng, lần sửa đổi luật lần này phải giúp QH gần hơn với thông lệ quốc tế, thực hiện nguyên tắc các ĐBQH là bình đẳng, làm việc tập thể, quyết định theo đa số... Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chỉ ra thực tế “các ủy ban của QH rất khó tìm người, chỉ khi không còn đi đâu được nữa người ta mới về QH”. Tương tự, Ủy ban Tài chính - Ngân sách “cũng rất khó tìm chuyên trách vì người ta không chịu về, kể cả quy hoạch người ta cũng bảo đưa em ra khỏi quy hoạch”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu - Ảnh: Quochoi.vn

Ngày 14.9, Ủy ban Thường vụ QH cũng cho ý kiến về chương trình kỳ họp thứ 8, dự kiến khai mạc vào ngày 21.10 và bế mạc vào ngày 20.11 (23 ngày làm việc). Đây là kỳ họp cuối năm nên Thủ tướng sẽ trả lời chất vấn.

Tại phiên làm việc, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ QH cho đưa nội dung cho ý kiến về báo cáo khả thi sân bay Long Thành giai đoạn 1 vào chương trình kỳ họp. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra là Ủy ban Kinh tế cho biết với khối lượng tài liệu lên tới hàng tạ, thời gian gấp rút như vậy sẽ không thể đảm bảo chất lượng.

Phó chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nhất trí quan điểm trên, đề nghị không đưa ra ở kỳ họp này mà lùi lại kỳ họp thứ 9 vì dự án quá lớn, đòi hỏi phải có hội thảo, nghiên cứu kỹ càng.

Tuy nhiên, Chính phủ tha thiết đề nghị và Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã giao Ủy ban Kinh tế và Bộ GTVT xem xét xem có thể trình ra Quốc hội tại kỳ họp này không.

Tác giả: Vũ Hân

Nguồn tin: Báo Thanh niên

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP