Cần thiết sửa đổi Luật Thanh niên đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới
Trình bày Tờ trình dự án Luật Thanh niên (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nêu rõ, ngày 29/11/2005 tại kỳ họp lần thứ 8, Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật Thanh niên và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2006. Sau 13 năm triển khai thực hiện và tổng kết thi hành Luật Thanh niên cho thấy việc ban hành Luật Thanh niên đã tạo cơ sở pháp lý cho việc chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng và phát huy thanh niên; tác động tích cực đối với phong trào thanh niên; đồng thời phát huy vai trò của tổ chức thanh niên, trong đó trung tâm là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày Tờ trình dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Luật Thanh niên đã bộc lộ một số tồn tại và bất cập. Trong bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước và nhu cầu của thanh niên đã có nhiều thay đổi so với thời điểm thông qua Luật năm 2005, hệ thống pháp luật chuyên ngành đã được sửa đổi, bổ sung khá nhiều, tác động trực tiếp đến các chính sách dành cho thanh niên, đặc biệt là sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 2013. Trước yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các chính sách, pháp luật đối với thanh niên cần phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện để đáp ứng bối cảnh hiện nay và tạo điều kiện cho thanh niên phát triển.
Do đó, việc sửa đổi Luật Thanh niên năm 2005 là cần thiết nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đối với thanh niên phù hợp với tình hình mới; đồng thời phát huy đầy đủ vai trò xung kích, quyền và nghĩa vụ của thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh.
Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi), gồm có 6 Chương và 62 Điều; tăng 26 Điều so với Luật năm 2005.
Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) xây dựng trên cơ sở các chính sách quy định về đối thoại với thanh niên, Tháng Thanh niên và bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách phát triển thanh niên; quy định về trách nhiệm của thanh niên trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; trách nhiệm của Nhà nước đối với thanh niên và đối với một số nhóm thanh niên cụ thể như: thanh niên từ đủ mười sáu tuổi đến dưới mười tám tuổi cần được hưởng các chính sách, biện pháp bảo vệ và sự phát triển toàn diện; nhóm thanh niên yếu thế gồm thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên khuyết tật, thanh niên nhiễm HIV/AIDS, thanh niên sau cai nghiện ma túy, sau cải tạo, thanh niên làm việc ở các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất cần có chính sách hỗ trợ từ Nhà nước để tạo cơ hội bình đẳng.
Cùng với đó các các chính sách quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về thanh niên; trách nhiệm của tổ chức thanh niên; trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội đối với thanh niên.
Không nên sửa nếu quy định cho thanh niên chỉ như công dân nói chung, không đặc thù
Báo cáo một số vấn đề xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, qua thẩm tra sơ bộ đa sôý́ kiến thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật Thanh niên. Khẳng định việc sửa đổi Luật Thanh niên là yêu cầu tất yếu khách quan, một mặt đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đề ra, mặt khác nhằm thể chế hóa các quan điểm của Đảng về công tác thanh niên, cụ thể hóa tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013, khắc phục những bất cập trong thực tiễn thi hành, tạo hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho thanh niên phát huy sức trẻ, trí tuệ đóng góp vào sự phát triển của quốc gia, dân tộc. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị nếu Dự thảo vẫn chỉ quy định về quyền, nghĩa vụ, chính sách đối với thanh niên với tư cách là công dân nói chung và không có đặc thù so với các công dân khác thì chưa nên ban hành Luật mới.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình |
Bên cạnh đó, Ủy ban Văn hóa, Giáo giục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng xin ý kiến về Ủy ban Thường vụ Quốc hội về định hướng xây dựng luật, quản lý nhà nước về công tác thanh niên, Ủy ban quốc gia về thanh niên, các tổ chức thanh niên.
Theo đó, về định hướng xây dựng Luật, thống nhất với định hướng xây dựng Luật vừa quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc vừa quy định cụ thể, chi tiết, đồng thời có các biện pháp đảm bảo thi hành và nhấn mạnh dự thảo Luật cần phải tạo hành lang pháp lý để phát triển thanh niên - một lực lượng xã hội to lớn, một trong những nhân tố quan trọng quyết định tương lai, vận mệnh dân tộc; trở thành lực lượng đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc.
Về quản lý nhà nước về công tác thanh niên, có ý kiến đề nghị không nên quy định cụ thể Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên; vấn đề này nên quy định chung và giao Chính phủ phân công căn cứ vào tình hình cụ thể. Có ý kiến còn băn khoăn về việc giao trách nhiệm quản lý nhà nước về thanh niên cho Bộ Nội vụ; đề nghị sắp xếp lại tổ chức bộ máy sao cho phù hợp.
Về Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam, một số ý kiến đồng ý theo dự thảo, quy định về Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam trong dự thảo Luật. Một số ý kiến khác lại cho rằng không nên quy định vì Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam là cơ quan tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, giải quyết các công việc liên ngành về công tác thanh niên, không phải là cơ quan quản lý nhà nước. Việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan tư vấn thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Về các tổ chức thanh niên, có ý kiến còn băn khoăn về việc có nên quy định về một số tổ chức tập hợp thanh niên đang hoạt động trong dự thảo Luật bên cạnh tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Hội sinh viên Việt Nam.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành thảo luận tại phiên họp |
Ngay sau khi nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo của cơ quan chủ trì thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về sự cần thiết ban hành luật, định hướng xây dựng luật, tính khả thi, cụ thể của các điều luật, bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, các chính sách và một số vấn đề lớn mà cơ quan thẩm tra nêu ra.