Kinh tế

Không tiêu nổi tiền, PetroVietNam đọng gần 2.900 tỷ đồng

Chính phủ cho biết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2019 bố trí và giao dự toán cho PVN là 2.860 tỷ đồng nhưng đến nay chưa giao được kế hoạch chi tiết.

Điều này thể hiện tại báo cáo thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2019 và dự kiến năm 2020 được Chính phủ gửi Quốc hội.

Chính phủ cho biết Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc trong việc giải ngân các dự án nên đề nghị chuyển nguồn sang năm 2020 theo quy định của Luật Đầu tư công để thực hiện.

Theo báo cáo của PVN vào tháng 9/2019, nguyên nhân do các dự án dự kiến triển khai nguồn vốn này của PVN đang gặp khó khăn.

Cụ thể: Dự án “Nhà máy nhiệt điện Long Phú I” không giải ngân được do lệnh cấm vận của Chính phủ Mỹ đối với nhà thầu Power Machines.

Nhiều nguyên nhân khiến việc giải ngân cho các dự án của PVN gặp khó.

Ngoài ra, Dự án phát triển mỏ Lô B&48/95, Lô 52/97 và Dự án đường ống dẫn khí Lô B không triển khai, giải ngân được do phương án thu xếp vốn cho chuỗi dự án khí điện Lô B chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Mặt khác, chưa có phê duyệt nhà đầu tư của nhà máy điện Ô Môn II và chưa có phê duyệt Báo cáo Pre-FS của nhà máy điện Ô Môn III ảnh hưởng đến tiến độ phát triển mỏ khí tại lô B; Chưa có phê duyệt các cơ chế bao tiêu và chuyển ngang của cấp có thẩm quyền, việc này ảnh hưởng tới quá trình đàm phán thương mại với Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Chưa thống nhất để ký bảo lãnh Chính phủ với các bên đối tác nước ngoài.

Do vốn đã giao năm 2019 không thực hiện được PVN đề nghị chuyển nguồn sang năm 2020 để tiếp tục triển khai.

Báo cáo Quốc hội, để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, Chính phủ kiến nghị trước mắt chưa bố trí vốn kế hoạch năm 2020 cho PVN để tập trung thực hiện hết số vốn năm 2019 đã giao.

Căn cứ tiến độ giải ngân vốn của PVN trong năm 2020, sẽ xem xét, bổ sung vốn cho PVN phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách trung ương, hoặc bố trí dự toán các năm tiếp theo, đảm bảo yêu cầu của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 41-NQ/TW năm 2015 về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035.

Theo báo cáo của Chính phủ, số vốn còn lại chưa giao kế hoạch năm 2019 là gần 28 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, vốn ngân sách trong nước còn lại chưa giao là 12.840 tỷ đồng; hơn 14 nghìn tỷ đồng vốn ODA và vốn vay nước ngoài.

Vốn ngân sách trong nước chưa được giao kế hoạch gồm 7.040 tỷ đồng của Bộ Quốc phòng bố trí phân bổ cho các dự án đầu tư; 2.860 tỷ đồng của PVN; 977 tỷ đồng của các đơn vị bộ; gần 2.000 tỷ của các địa phương dự kiến bố trí cho dự án thuộc Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội các vùng có kết luận của Kiểm toán nhà nước tạm dừng không bố trí vốn cho một số dự án do chưa đảm bảo điều kiện.

Tác giả: Lương Bằng

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP