Mấy hôm trước, tôi đọc được lá thư do cô Nguyễn Thúy Uyên Phương - nhà sáng lập trường ngoại khóa TOMATO children’s home - gửi đến. Sẽ chẳng có gì đặc biệt bởi hàng ngày, phụ huynh và học sinh nhận rất nhiều thông báo từ nhà trường. Tuy nhiên, lá thư này thu hút tôi ngay từ những dòng đầu tiên. Tôi và các bậc cha mẹ khác trăn trở rất nhiều trước câu chuyện cũ, vấn đề cũ nhưng vẫn để lại nhiều nhức nhối, day dứt.
Trong lá thư ấy, cô giáo kể về câu hỏi ngây ngô của một cậu bé: “Ba ơi! một giờ làm việc của ba được bao nhiêu tiền?”. Em muốn mua một giờ làm việc của ba, để được bên ba một ngày trọn vẹn.
Trước câu hỏi ngây thơ của con, các bậc cha mẹ có bao giờ tự hỏi: Đã bao lâu bạn chưa cùng con đi dạo một vòng công viên? Lần gần nhất bạn ngồi bên con, lắng nghe tiếng ve kêu báo hiệu hè sang là khi nào?
Có bao giờ bạn hồi tưởng lại những mùa hè tuổi thơ của mình? Có phải đó là những ngày phơi nắng trên cánh đồng, chạy chơi cùng làng cuối xóm?
Trong ký ức nhuộm vàng nắng hè đó, chúng ta từng trải qua những trò chơi con trẻ chẳng bao giờ kết thúc, chỉ cần kể tên ra thôi cũng thấy cả bầu trời tuổi thơ ùa về. Nào là đánh trận giả, ô ăn quan, bịt mắt bắt dê, rồng rắn lên mây, đá banh, cầu lông, nhảy dây, thả diều, câu cá, hái trộm hoa quả, trêu chó rồi cùng ù té chạy, tắm sông, đổ dế, dính ve…
Tuổi thơ ý nghĩa là khi tụi trẻ được hòa mình với thiên nhiên, rời khỏi 4 bức tường máy lạnh và các trò chơi công nghệ như máy tính, điện thoại. |
Thời gian thấm thoát thoi đưa và bạn - những đứa trẻ ngày xưa ấy - nay đã thành những ông bố, bà mẹ. Lá thư đặc biệt khiến tôi nhận ra các con mình đang không có tuổi thơ. Chúng lớn lên trong đủ đầy, hiện đại mà vẫn thấy thiếu một điều gì đó. Bình thường, sự trống vắng đó bị che khuất bởi những giờ học liên miên của tụi nhỏ, nhưng khi hè sang, khoảng trống đó mới thấy rõ.
Các con chẳng còn chỗ nào có thể vui chơi, chạy nhảy. Chúng "tiêu xài" mùa hè trong bốn bức tường máy lạnh, bên các thiết bị máy tính, điện tử... Mùa hè chìm trong thế giới ảo cùng trải nghiệm là những cái chạm tay trên màn hình vô tri.
Các con thiệt thòi bởi chẳng thể cảm nhận những cơn gió mùa hè lùa trong tóc mát lành nhường nào. Vị mặn mòi của biển ra sao? Bì bõm lội suối, chơi đùa trong bùn, dưới nắng thú vị thế nào? Hay đơn giản sau một ngày chạy chơi đã đời, cùng gia đình quây quần ăn một bữa dân dã bên hiên nhà.
Tôi đồng quan điểm với cô Uyên Phương trong bức thư gửi phụ huynh: “Mùa hè chẳng phải là mùa kỳ thú của tuổi thơ, chừng nào cha mẹ vẫn còn 'đầu tắt mặt tối' trong văn phòng, còn con chỉ quanh quẩn ở nhà với Ipad, tivi hoặc cắm cúi luyện chữ, luyện toán một mình trong lớp học thêm nào đó”.
Còn rất nhiều trăn trở khi đọc bức thư, nhưng tôi xin tạm kết bằng thông điệp đơn giản nhưng cần nhiều hơn sau đó là hành động của tất cả chúng ta: Tạm rời màn hình, trải nghiệm cuộc sống bên gia đình.
Trải nghiệm thực tế mang đến cho trẻ chất liệu sống, để sau này khi trưởng thành, các con nhìn lại, mùa hè nào cũng tươi đẹp, ăm ắp kỷ niệm và tựa một cuốn sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh - “Còn chút gì để nhớ”.
Tôi mong các bậc làm cha mẹ hãy cho các con một mùa hè kỳ thú. Hãy dành cho gia đình những ngày chủ nhật ý nghĩa. Xin hãy một lần và nhiều lần sau nữa tạm rời màn hình để trải nghiệm cuộc sống.
Tác giả: Lan
Nguồn tin: Báo VnExpress