Giới trẻ

Lần đầu trong đời ôm lấy cha mẹ mà khóc...

Trường THPT Hoàng Diệu (TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) vừa tổ chức lễ "Tri ân và trưởng thành" với nhiều cảm xúc. Buổi lễ cũng là dịp để tất cả học sinh được thổ lộ nỗi niềm, những điều thầm kín, những lỗi lầm mong được thầy cô, cha mẹ tha thứ.

Phát biểu lời tri ân đối với cha mẹ, em La Thị Quỳnh Giao đã khiến nhiều học sinh cũng như phụ huynh rơi nước mắt: “Ba mẹ đã dành cho con tất cả sự quan tâm, tình yêu thương sâu nặng. Đó là tình cảm gần gũi, giản dị, đơn sơ, đời thường mà thiêng liêng vô cùng.

Chúng con biết rằng, để cho con cái sự an lành, ba mẹ đã hy sinh rất nhiều. Ba mẹ sẵn sàng chịu vất vả, khó khăn để con được một lần hạnh phúc. Tình thương của ba mẹ là điểm bắt đầu, là điểm tựa để chúng con bay lên, là sức mạnh tinh thần nâng đỡ cho chúng con và là bến đỗ bình yên trong cuộc đời chúng con. Ba mẹ luôn dạy con không nên nói dối nhưng chính ba mẹ lại là người đã không ít lần nói dối con. Có món ngon ba mẹ nói ba mẹ ăn nhiều rồi nhưng thực chất là để nhường cho con; cái áo cũ sờn nhưng ba mẹ nói vẫn còn tốt là để dành tiền mua áo mới cho con đến trường,…Tình thương đó không bao giờ chúng con quên được. Mai này, dù tung cánh muôn phương nhưng chúng con vẫn vẫn quay về vùi đầu trong tình thương, sự đón chờ của ba mẹ. Ba mẹ ơi, chúng con yêu thương ba mẹ nhiều lắm”.

Con yêu ba mẹ nhiều lắm.

Buổi lễ hôm nay cũng là dịp để tất cả học sinh được thổ lộ nỗi niềm, những điều thầm kín, những lỗi lầm mong được thầy cô, cha mẹ tha thứ. Một học sinh lớp 12A13 đã đứng lên và kể về cái lần bị điểm kém, bị mẹ xé hết tranh ảnh thần tượng, đã từng khóc như mất tất cả và rồi sau này bình tĩnh lại, nhận ra sai lầm của mình như thế nào.

Để minh chứng sự trưởng thành, ban tổ chức cho một số học sinh lên bắt thăm câu hỏi tình huống. Mỗi học sinh sẽ phải đối mặt với một vấn đề của cuộc sống phía trước. Như một học sinh nữ khi bắt được câu hỏi: “Giữa một nghề nghiệp cho mức lương cao với một nghề mà bạn đam mê nhưng mức lương thấp, bạn sẽ chọn nghề nào ?”. Và câu trả lời thẳng thắn của nhiều bạn trẻ: “Nếu chênh lệch giữa mức lương của 2 nghề chỉ là 4 và 6 triệu đồng, em sẽ chọn nghề em đam mê, nhưng nếu chênh lệch là 6 triệu và 40 triệu đồng, em sẽ chọn mức lương cao. Bởi suy cho cùng, mình làm một nghề với mục đích chính là nuôi sống bản thân và gia đình mình”.

Những cái ôm thật chặt trước lúc chia tay...

... và những giọt nước mắt đã rơi.

Ngoài những dòng cảm nhận về mái trường, về những kỷ niệm với bạn bè, thầy cô, lễ tri ân trưởng thành đã mở ra những góc khuất trong tim của những cô cậu trò nhỏ: “Với con, ba là người đàn ông vững chắc nhất trong nhà nên mọi buồn bực và cảm xúc ba đều giữ cho riêng mình. Còn mẹ là người mang nặng đẻ đau sinh ra con, chăm lo bữa ăn giấc ngủ và khi con lớn hơn, con bắt đầu phá phách, không nghe lời khiến mẹ buồn vì những lần con hư...”. Hay “Nhiều khi con cũng muốn hôn lên trán mẹ, ôm lấy mẹ, nói thương mẹ, nhưng con ngại lắm, con bị cứng miệng và con cũng chỉ biết thổ lộ bằng cách chọc ghẹo mẹ thôi”,…

Những dòng tâm sự được đọc lên trong cảm xúc của những người cha, người mẹ đang có mặt tại sân trường, cũng như của các bạn học sinh đã bắt đầu chín chắn hơn trong suy nghĩ. Tình cảm dành cho cha mẹ luôn ấp ủ trong lòng nhưng chưa từng được nói ra, chưa từng được đồng cảm, thì giờ đây cảm xúc tri ân ấy đã được gọi tên.

Có bạn lần đầu cài cho mẹ một bông hoa tươi thắm để tri ân.

Với nhiều học trò, đây là lần đầu tiên tặng cho cha mẹ một cành hoa để cám ơn công lao dưỡng dục trời biển, cũng là một sự hứa hẹn với cha mẹ rằng con sẽ trưởng thành, nên người. Nhiều học sinh đã lần đầu trong đời ôm lấy cha mẹ mình và khóc. Nước mắt đã rơi trên những bờ vai của người trẻ đang tuổi “bẻ gãy sừng trâu” thật chắc chắn và vững chãi, trên bờ vai của những bậc sinh thành đã hao mòn vì sương gió.

Tác giả: Cao Xuân Lương

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP