Hình ảnh giao dịch cây lan Var Ngọc Sơn Cước tại Quảng Ninh với giá 250 tỷ đồng được tung lên mạng |
Choáng với lan tiền tỷ
Vùng quê thuần nông Thạch Đà, huyện Mê Linh, Hà Nội vốn rất bình yên, thì khoảng 2 năm trở lại đây lại ồn ào với phong trào chơi lan đột biến tiền tỷ. Cách một quãng đường lại nhìn thấy những khung vườn lan bằng thép, mái vòm quây lưới được dựng lên hoành tráng. Câu chuyện về loài lan đột biến 5 cánh trắng (Var) được mang ra bàn tán từ trong nhà ra ngoài ngõ.
Vườn lan đang dựng của nhà ông V. (thôn 1, xã Thạch Đà) cũng chính là địa điểm tụ của dân chơi. Tấp vào ngồi, nhấp vội ngụm nước trà, người đàn ông nhỏ thó cho hay: “Cách đây 4 hôm, có thằng bán cây Ngọc Sơn Cước cao 80 phân giá 46 tỷ đồng. Nhưng vẫn chưa ăn thua, giờ Hồng Phú Quốc đang lên 3,5 tỷ đồng/cen”. Nói rồi, ông này khoe vừa giấu vợ cắm sổ đỏ được 500 triệu đồng để “vào” một ki “lúa non” (chồi non mọc ra từ cây mẹ - PV).
Nghe xong ông bạn bên cạnh bốp lại: “Liều nhỉ, ki lúa non còn chưa mở mắt, ít ra phải mua từ thân cây mẹ có phi từ 1,2 - 1,5cm, đằng này ông mua mới có 0,7cm thì ốm công chăm…”. “Được thế thì đã không có giá 500 triệu đồng”, một người khác xen vào.
Thế rồi cuộc trò chuyện càng lúc càng xôm hơn khi mỗi người mở Facebook, Zalo check thông tin người này rao bán Cờ Đỏ 3 tỷ đồng/ki lúa non, người kia lại chốt bán Hồng Phú Quốc 4,6 tỷ đồng trong vòng 10 phút đẩy hàng… Thấy tôi hỏi, tiền ở đâu mà nhiều thế, có thật không, thì tất cả ngẩng lên cười kiểu “hỏi gì mà khờ vậy”.
“Tiền người ta mua được nhà được xe là thật chứ còn gì nữa”, người đàn ông trung niên ở giữa lên tiếng và bảo: “Chả cần đại gia, tới thằng thợ xây ở đây còn vào (mua - PV) được! Không nói hàng khủng, bây giờ hàng tầm chục triệu đồng/cen như Yên Thủy, Phú Thọ cũng lên chóng mặt”.
Để minh chứng, chúng tôi được dẫn tới vườn lan Var có tiếng cả trăm tỷ đồng. Theo đó, chủ vườn này đang sở hữu một chậu Hồng Phú Quốc mà tính ra mỗi đốt trên thân cũng phải có giá 3 tỷ đồng/cen.
“Trả vậy nhưng bán làm gì, để nuôi lên ki thì riêng tiền ki cũng đã được 5 tỷ đồng rồi. Hay như cây Bảo Duy này, ngày mua 2 tỷ đồng, giờ lên 3 tỷ đồng/ki dạng nằm trực thân, nếu lớn thêm chút, tách độc lập thì phải 4,5 tỷ đồng đăng lên mạng mấy phút là có người mua ngay”, vợ chủ vườn chia sẻ.
Khi được hỏi những giao dịch tiền tỷ sao dễ thế, chị này cười: “Giao dịch lạ hay cũ đều không cần gặp trực tiếp. Chỉ cần chụp ảnh, quay video rồi chuyển khoản. Như hôm trước, anh nhà chị mới đăng hàng trên mạng để khoe vui thôi nhưng có khách tận Đắk Nông cứ nài nỉ mua, tới 1 giờ sáng chuyển tiền tỷ không thiếu một đồng, 3 ngày sau mới bay ra đây lấy cây”.
Theo vợ chủ vườn, phong trào Var giờ lan nhanh trên cả nước. “Chơi cái này vui lắm, bao nhiêu nghệ sĩ, diễn viên, cả các ông tướng tá cũng vào. Không cần biết lạ quen, cứ vào Var là như chơi với nhau lâu lắm, coi như người trong một nhà. Nếu không biết cứ mua rồi gửi chủ vườn chăm hộ, thậm chí bán hộ thoải mái…”, chị này nói và cho hay: “Những người vào Var được 5 - 6 năm thì giờ vườn phải lên vài nghìn tỷ, sướng vô cùng. Như Xuân Bình Phước đó, vườn giờ 2 nghìn tỷ đồng rồi…”
Thực ảo không biết đâu mà lần
Trở về xã Đông La (huyện Hoài Đức, Hà Nội), nơi có truyền thống làm nghề trồng lan với hơn 32% đầu tư mô hình chuyên nghiệp, song cũng chưa bao giờ phong trào lại lên mạnh như thế.
Khắp nơi, từ cán bộ địa phương tới các bà bán rau thịt ngoài chợ, ai cũng chơi Var. Người có thì chốt mua cả ki, người thiếu thì rủ nhau góp vốn. Không ít người “say chơi” còn cắm nhà, cắm đất để có tiền đầu tư.
Theo một cán bộ Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính chia sẻ, các trường hợp lan chục tỷ đồng, trăm tỷ đồng tại Phú Thọ, Hòa Bình hay mới đây là Hà Nam đều được giới thiệu rầm rộ tên tuổi của cả bên bán lẫn bên mua. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng điều tra nguồn tiền, giao dịch đều không có. Nhiều khả năng các đối tượng cố tình tung tin nhằm gia tăng hội viên, xây dựng mạng lưới chơi lan, buôn bán lan đột biến. Cơ quan chức năng đang xem xét việc có nâng khống giá trị mặt hàng này hay không để có chế tài xử lý, tránh gây hoang mang dư luận. |
Khi được hỏi về giao dịch lan đột biến, một vị cán bộ xã chỉ trả lời chung chung “nhiều chứ, đều, liên tục”! Tuy nhiên khi được hỏi cụ thể về số lượng và trị giá thì vị này lại lắc đầu: “Cái này không thể thống kê. Trước đây giao dịch vài tỷ đồng, nhà vườn đã tổ chức sự kiện, làm cơm liên hoan nhưng bây giờ giao dịch tới vài chục tỷ đồng cũng bắn tiền qua tài khoản là xong. Những chủ vườn lan lớn chỉ cần chốt với nhau trên mạng mà không cần gặp, trao trực tiếp”, vị này cho hay.
Chia sẻ với PV, anh Nguyễn Tài Quân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông La cho hay: “Giao dịch Var vài trăm tỷ đồng sốt lên mấy ngày hôm nay thì tôi chưa chứng kiến còn vài chục tỷ đồng thì đã thấy trực tiếp. Chính vì thế nói là ảo thì cũng không hẳn. Thực tế nhu cầu chơi Var đang lên là có thật, trở thành kênh đầu tư thu lợi nhuận. Nói thì có vẻ giống như đa cấp nhưng với 1 ki cứ mở mắt ra là có tiền”.
Tuy nhiên, khi nói về thị trường, anh Quân cho hay, lúc thịnh lúc suy, không ai biết trước điều gì. “Tới giờ chưa thể thống kê có bao nhiêu mặt bông trong thị trường Var, bởi mỗi địa phương, mỗi nhà vườn hễ cứ nuôi xổ được bông đẹp lạ, lại đặt tên mới và tạo sóng mới. Loại có giá trị cao đều do các nhà vườn lớn định đoạt giao dịch, sau đó thị trường lại phân khúc theo tùy từng điều kiện người chơi”, anh Quân lý giải.
Nghề chơi Var cũng lắm hên xui. Theo kênh thông tin vị Chủ tịch hội nông dân Đông La nắm được, có những người đã mất trắng hàng tỷ đồng vì Var.
“Ở nhiều địa phương, có những đối tượng chấp nhận đầu tư cả tỷ đồng dựng dàn Var trá hình, ban đầu giao dịch một vài cây tiền lớn, bắn lên mạng để lấy thương hiệu, sau đó rao bán rẻ hơn so với thị trường dụ người chơi mới. Nếu ai hám rẻ, mua về không cho ra hoa ngay lại tìm cách kích ki mong kiếm lời. Vậy là một năm sau chỉ khi cây trổ hoa sai mới biết mình bị lừa. Khi quay lại thì chủ vườn đã đánh sập giàn, cao chạy xa bay rồi. Những người chơi lúc này không những bị mất vốn mà còn phải bỏ tiền túi để đền cho người mua sau. Như vậy nếu cứ đem từng đốt nhân với giá thị trường thì mất cả nhà như chơi!”, anh Quân cho hay.
Đừng tất tay vào trò may rủi!
TS. Hà Quang Thưởng (Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Rau hoa quả, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc) cho hay: “Quy luật của lan đột biến là tăng giá rồi trầm xuống, rồi lại tăng lên nhiều lần, rồi lại trầm xuống một thời gian ngắn, sau đó lại tăng lên nhiều lần nữa... Sâu xa của vấn đề này chính là trò chơi kiếm tiền của các ông lớn, dựa trên tổ chức khá chặt chẽ, hay còn gọi là “trò cá mập lùa cá con”. Trong trò chơi này, không phải chỉ “cá mập” mới thắng mà còn có một số người khác nữa, song người thua chắc chắn phần nhiều là những con “cá bé”.
Nói về giá trị thực của hoa lan, vị chuyên gia cho biết: “Đúng là có một số loại lan như Thạch hộc tía, ngoài vẻ đẹp còn có giá trị quý về dược liệu nên thường có giá cỡ vài triệu đồng. Còn lan đột biến hiện nay chưa có công trình nào nói về giá trị sử dụng kiểu như Thạch hộc tía. Vậy chỉ với vẻ đẹp bề ngoài thì không thể nào có giá trị lớn tiền tỷ như vậy. Rõ ràng câu chuyện ở đây có giá ảo và được thổi lên hay hạ xuống sẽ do một nhóm “cá mập” quyết định”.
Theo ông Thưởng, trò chơi “cá mập” đối với lan đột biến có thể còn tiếp diễn một thời gian nữa, ngay cả khi phương pháp cấy mô nhân giống được thực hiện.
“Khác với đột biến tự nhiên, khi nuôi cấy mô sẽ cho ra rất nhiều cá thể nhưng nó cũng mất khá nhiều thời gian để thử nghiệm. Trong khi, lan đột biến hiện đang có khá nhiều dòng được đẩy giá cao. Khi một dòng này được nuôi cấy mô thành công thì giá rẻ nhưng các “cá mập” lại xoay sang để sử dụng các dòng khác làm mồi nhử. Chỉ khi, việc nuôi cấy mô thành công ở khá nhiều dòng, có nghĩa một dòng này nuôi thành công sẽ giảm giá, dòng khác được đẩy giá, rồi dòng đẩy giá đó lại được nuôi cấy mô thành công, quy luật mất giá... đẩy giá rồi mất giá... dần dần lòng tin của “cá con” sẽ mất dần”, ông Thưởng phân tích.
Không bình luận về những người mua đất, xây nhà, mua xe… từ việc đầu tư lan đột biến, ông Thưởng chỉ đưa ra lời khuyên: “Với những người dư dả, hãy vào Google tìm hiểu về trò chơi “cá mập lùa cá con”, để tỉnh táo, để làm “cá con” thông minh lúc nào đầu tư, lúc nào rút vốn. Còn với những người đang muốn tất tay hoặc phải vay mượn, cầm cố tài sản... thì đừng quá mạo hiểm đánh đổi cả tương lai của mình, gia đình mình vào “trò chơi may rủi”.
Bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế): Giao dịch trăm tỷ cũng khó thu được thuế Lan đột biến cũng như các sản phẩm nông - lâm nghiệp do người dân tự làm ra, tự trồng, chăm sóc và mua bán, trao đổi đều được miễn thuế, dù giá cao đến đâu. Việc tính thuế chỉ thực hiện khi diễn ra hoạt động thương mại, tức người mua sản phẩm của người nông dân tự làm ra và bán lại cho người thứ 3; hoặc tổ chức, doanh nghiệp tham gia sản xuất sau bán sản phẩm; cá nhân thuê người khác nuôi, trồng sau đó bán sản phẩm. Các thương vụ bán theo hình thức thương mại sẽ phải chịu nghĩa vụ về thuế thu nhập và thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên, các giao dịch lan đột biến thời gian qua lại không có hợp đồng, chứng từ… nên cơ quan thuế rất khó xác định là kinh doanh hoàn toàn. |
Tác giả: Hoàng Ngân
Nguồn tin: Báo Giao thông